Chủ Nhật, 22/09/2024 20:22 CH
Từ dinh trấn biên đến Thành An Thổ
Thứ Ba, 20/09/2005 10:10 SA

Đại Nam Nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép rằng: “Đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1471) đánh Chiêm Thành mở đất đến đây (tỉnh Phú Yên) lấy núi Thạch Bi làm giới hạn, nhưng từ núi Cù Mông vào Nam còn thuộc man Lào. Qua triều Nguyễn đời chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) năm Mậu Dần (1578) vua ủy nhiệm ông Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, chiêu lập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn hoang ở Đà Diễn”.

 

Sau khi Lương Văn Chánh qua đời, người Chiêm xâm lấn biên cảnh. Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong đem quân đánh dẹp, lập phủ Phú Yên (giữa hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa) thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Phủ lỵ của chủ sự Văn Phong đóng ở đâu, không thấy chính sử nhắc đến. Các học giả đời sau suy đoán phủ lập đầu tiên ở vùng hạ lưu sông Cái, nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi mà bất cứ nhà phong thủy nào cũng dễ dàng ghé mắt đến để chọn đặt trung tâm lỵ sở.

 

Nét xưa - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Đại Nam Nhất thống chí chép rằng: “Đời chúa Nguyễn Phước Nguyên (chúa Sãi) thứ 16, Văn Phong phản nghịch, chúa sai võ tướng Nguyễn Phúc Vinh đánh dẹp rồi lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên, đặt quan tuần thủ. Cả xứ Đàng Trong (nam sông Gianh trở vào) của chúa Nguyễn lúc ấy có bảy dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh).

 

Dinh Trấn biên xưa ở đâu? Học giả Phạm Đình Khiêm, tác giả bài khải cứu “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quang Nam và Phú Yên” (Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Sài Gòn, 1960, trang 71-104) đã dày công điền dã phát hiện di tích cũ.

 

Di tích cổ hơn, gọi là thành cũ thì ở thôn Hội Phú xã An Ninh, quận Tuy An (1959), xa chỗ phủ cũ nói trên non hai cây số về phía Đông-Nam, bên kia con sông Cái. Chính chỗ có di tích ấy hiện nay gọi là Ấp Thành cũ. Từ Ngân Sơn, trên đường quốc lộ số 1 (cây số 1301) muốn đến Ấp Thành cũ ở thôn Hội Phú, thì phải đi theo đê sông Cái, trực chỉ hướng đông qua trước nhà thờ Mằêng Lăng, đường xa độ 5 cây số. Di tích này, ngoài cái tên Thành cũ mà nhân dân sở tại dùng để chỉ cái xóm ở chỗ đó, chỉ còn lại vài ba tảng gạch nhỏ, bờ hồ kiên cố, nằm ở vệ đường đê sông Cái, sát bờ sông, hoặc ngay trong lòng sông ở gần bờ, lúc nước cạn mới thấy… Bô lão trong làng nhìn nhận đó là di tích của một ngôi thành cổ. Vẫn theo lời các cụ, thành này bị bỏ là vì nước sông Cái ngày càng chảy xiết đến bên thành. Tiên đoán thành sẽ bị lở, nên các quan mới lo dời đi nơi khác, lập thành mới ở bên Long Uyên - An Thổ…

 

Vợ của quan trấn Nguyễn Phúc Vinh là công chúa Ngọc Liên theo đạo thiên chúa giáo với tên thánh là Maria Madalena, có nhà nguyện riêng trong dinh Trấn Biên. Nhà nguyện này đã từng đón tiếp long trọng giáo sĩ Đắc Lộ - một trong những người có công lớn sáng tạo và hoàn thiện chữ quốc ngữ, là thầy của vị Thánh Anrê Phú Yên.

 

Phòng truyền thống nhà thờ Mằng Lăng còn lưu giữ trang trọng nhiều tư liệu xưa như sa bàn đắp nổi cả vùng dinh Trấn Biên xưa cùng nhiều hiện vật thu nhặt được của dinh Trấn Biên chìm dưới lòng sông Cái như mảnh tường thành, chén bát sành nấu, lọ sứ men lam…

 

Dinh Trấn Biên (sau đó đổi là Dinh Phú Yên) tồn tại từ năm 1629 đến năm 1832. Đó là năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua chia lại các đơn vị hành chính trong nước. Phú Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tỉnh đường dời về thôn Long Uyên (tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân). Sau đó, thôn Long Uyên được tách thành hai thôn Long Uyên và An Thổ. Tỉnh đường đóng ở thôn An Thổ nên gọi là Thành An Thổ, nay thuộc xã An Dân huyện Tuy An.

 

Theo Đại Nam Nhất thống chí, thành An Thổ được xây dựng theo kiến trúc Vaubal (tên một kỹ sư Pháp trong quân đội thực dân). Thành An Thổ hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 300 mét, cao trên 4 mét (sách ghi 66 trượng, 6 thước). Tường thành được đắp bằng đất đá vôi. Đường trên mặt thành rộng 3 mét, tiện cho việc cơ động phòng thủ. Thành có 4 cửa: Tiền, hậu, tả, hữu. Phía ngoài mỗi cửa có miếu thờ thổ thần. Gần cửa tả có một cái bàn gọi là bàn cửa tả ăn thông ra sông Cái và cửa biển Tiên Châu. Cửa thành xây theo kiểu “Cuốn tổ tò vò” có 3 tầng. Tầng trên cùng là đài quan sát, tầng giữa thông với mặt thành làm đường di chuyển, tầng dưới rộng hơn 10 mét làm đường ra vào. Xung quanh thành cách khoảng 40 mét có chiến hào rất sâu và rộng từ 15-20 mét, trên bờ rào tre và phòng thủ bằng chông. Ngoài hệ thống phòng thủ gần, thành An Thổ còn có hệ thống phòng thủ từ xa hỗ trợ như A Mang, Tiên Châu và Mằng Lăng. Về mặt quân sự, thành An Thổ khá kiên cố.

 

Là tỉnh đường nên trường học đóng tại An Thổ và riêng An Thổ có đến 7 cử nhân (Nguyễn Văn Thành, Đặng Trắc Văn, Trần Khắc Côn, Lê Hoàng Hà, Lê Hoàng Lưu, Bùi Cạnh, Nguyễn Bá Côn) và 5 tú tài (Trần Đình Kháng, Đặng Uyên, Lê Hoàng, Đinh Châu, Nguyễn Học).

 

Gần thành An Thổ có đền thờ vua Lê Thánh Tôn ở thôn Long Uyên để ghi nhớ công lao đức vua. Năm 1881, Bố chánh Phú Yên Đinh Nho Quang có làm hai câu đối cúng tế rất nổi tiếng. Gần đấy là văn miếu (Hội Tín - Ngân Sơn) thì những vị đỗ đạt thành danh ở địa phương.

 

Thành An Thổ gắn với chiến công bất tử của phong trào Cần Vương tại Phú Yên do tú tài Lê Thành Phương lãnh đạo. Đầu năm 1886, Lê Thành Phương giao trách nhiệm cho Lê Thành Bính và Bùi Giảng chỉ huy 15.000 quân bao vây, tiến công thành An Thổ, hạ được thành bắt sống Bố chánh Phạm Như Xương và Án sát Hoàng Căn. Nghĩa quân làm chủ tỉnh đường một năm. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương ở Nam Trung bộ do Lê Thành Phương lãnh đạo, ngày 4/2/1887 thực dân Pháp điều động 1.500 quân do tên đại việt gian Trần Bá Lộc chỉ huy từ Nam Kỳ kéo ra, lợi dụng sức mạnh súng tốt, pháo lớn để chiếm lại thành. Cuộc chiến giữ thành sinh tử và đầy bi tráng. Trước vũ khí áp đảo của giặc, nghĩa quân phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Giặc đã dùng gian kế bắt sống và xử chém Lê Thành Phương ở bến Cây Dừa ngày 20/2/1887 để lại một bài thơ tuyệt mệnh và hào khí “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chết chứ không chịu nhục) tạc vào lịch sử.

 

Sau khi đàn áp phong trào Cần Vương, thực dân Pháp áp đặt hệ thống tòa công sứ ở Tân Thạnh (Vũng Lắm - Sông Cầu) năm 1888 buộc tỉnh lỵ Phú Yên phải dời về đó. Một năm sau (1889) tòa công sứ Pháp chuyển đến Sông Cầu thì tỉnh lỵ cũng phải dời theo ra đóng tại thành Long Bình cho đến năm 1945. Nỗi nhục mất nước bị thực dân áp chế đủ điều thể hiện rõ qua việc chúng áp đặt dời tỉnh lỵ hai lần trong hai năm.

 

Thành An Thổ tồn tại 56 năm là biểu tượng của thời kỳ độc lập tự chủ của tỉnh Phú Yên. Thành An Thổ gắn với cuộc khởi nghĩa hào hùng của Lê Thành Phương. Đó là những lý do để thành An Thổ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, phong trào tiêu thổ kháng chiến đến thành An Thổ miếu thờ Lê Thánh Tôn… phải bị phá hoại để ngăn chặn bước tiến quân thù.

 

Năm 1955, đền thờ Lê Thánh Tôn được xây dựng lại nhưng qua thời gian đã đổ nát, còn thành An Thổ chỉ còn lại một vài đoạn tường thành cùng một số nền móng cũ. Thành An Thổ cùng miếu thờ Lê Thánh Tôn, văn miếu sẽ được trùng tu tôn tạo những nét cơ bản để kỷ niệm một thời đã qua, để mạch chảy lịch sử luôn là dòng chảy liên tục thể hiện qua những di tích cụ thể. Đó là việc vì ngàn xưa, vì ngàn sau, vì yêu cầu phát triển của quê hương trong giai đoạn mới.

BA ĐÀ RẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên xưa – Một thời Tây Sơn trung đạo
Chủ Nhật, 11/09/2005 10:41 SA
Mây trắng Dinh Phoan
Thứ Hai, 22/08/2005 16:19 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek