Anh Hồ Tạo gục xuống bất động sau những phát đạn khô khốc, từng viên một, nhả ra từ khẩu thomson của tên sĩ quan an ninh khét tiếng gian ác cùng với một nhóm những tên biệt kích, mật vụ, thâm thù cộng sản được biệt phái từ quận Tuy An tổ chức giăng bẫy, mai phục tại đám rẫy thứ ba tính từ mép chân núi Hòn Chồng giáp quốc lộ 1, bên trong mấy hàng thơm tàu, theo đúng nguồn tin của một tên tạo phản, khi cả 4 người là anh Hồ Tạo, anh Vũ Việt Hùng, chú Phan Thanh và chú Hà Phùng (tức đồng chí Dư Huy) vừa lách qua bờ ranh trong tư thế chuẩn bị tiếp cận nhà riêng như đã hẹn, cách đầu phía nam cầu Ngân Sơn chừng 700m. Lúc đó khoảng 9 giờ đêm 22/2/1961.
Theo anh Vũ Việt Hùng, nếu không có sự trục trặc vào phút chót thì anh mới là người “tiếp nhận” mấy phát đạn của thằng Tư Anh chứ không phải anh Tạo, vì anh được mũi công tác phân công chuyên đảm nhận việc dẫn đường. Thế nhưng không hiểu vì sao vào cái thời điểm ấy bụng của anh đột nhiên đau quặn, không thể nhích chân lên được nữa, đành phải ngồi lại, trong khi trước đó chừng mấy phút, cả đội công tác nhận được tín hiệu an toàn với một nhành lá tươi đặt kín đáo ở một nơi mà chỉ người trong cuộc mới biết. Đúng lúc đó, anh Tạo từ phía sau vượt lên để giữ thế chủ động và thế là chỉ trong chớp mắt sự cố không lường nhưng quá đau đã xảy ra.
Cũng theo anh Hùng thì ngay sau mấy phát bắn tỉa tập trung vào mục tiêu gần nhất là hàng loạt các loại súng cấp tập nã theo 3 người còn lại. Lúc bấy giờ anh em hiểu ngay là mình đã bị làm phản. Vì thế ngay lập tức anh giương súng quét về phía chúng mấy loạt đáp trả và quay phắt lại. Trước mặt bây giờ là sườn núi dốc, đạn găm vào vách núi, đất đá bung lên, nhưng rất may là “đạn tránh người”. Mục tiêu lúc này là cố vượt lên triền núi nhưng lách qua trái để nhanh chóng thoát ra khỏi tầm đạn và tìm nơi ẩn nấp, bởi biết chắc bọn chúng sẽ không thể truy đuổi vì địa hình khá hiểm trở mà trời thì quá tối. Vả lại mình nghĩ cũng không việc gì bọn chúng phải mạo hiểm, không khéo lại gặp cú phản đòn thì gay go.
Xác của anh Hồ Tạo được chúng kéo lê xuống từ lưng chừng núi, băng qua quốc lộ 1, từ đó kéo qua con đường đá sỏi chừng 100m và bỏ anh nằm trên đám cỏ giữa sân vận động Ngân Sơn ngay trong đêm, trong tiếng gào thét, tiếng súng nổ và cả tiếng mõ, tiếng kẻng vang động cả một góc trời. Ngày đó có một quy định hết sức quái gở của bọn cầm quyền là mỗi khi có báo động cộng sản đột nhập thì tất cả mọi người, không trừ một ai đều phải đánh mõ, đánh kẻng mà theo chúng đó là một trong những hành động chứng tỏ người dân đồng lòng chống cộng. Liền sau tiếng mõ, tiếng kẻng là tất cả già trẻ lớn bé phải nhanh chóng ra khỏi nhà, tập trung về trụ sở xã, phía bên kia cầu Lò Gốm. Đêm ấy cũng vậy, sau khi bà con tập trung hơn 1 giờ đồng hồ tại trụ sở xã, rồi không biết phải làm gì nữa, bọn chúng lại ra lệnh giải tán, ai trở về nhà nấy. Tất nhiên chủ trương lạ lùng như vậy lập tức bị nhân dân phản đối bởi họ cho rằng giữa lúc chiến sự đang nổ ra mà buộc dân phải ra khỏi nhà, phải rời khỏi nơi trú ẩn, thì đúng là chính quyền muốn giết dân, hại dân, đẩy dân vào chỗ chết chứ chống cộng cái gì. Và thế là cái quy định ngược lòng dân đó cũng nhanh chóng bị bãi bỏ.
Có thể nói lúc đó, lúc mọi người tập trung tại trụ sở, ai cũng thấp thỏm muốn biết việc gì đã xảy ra và thông tin duy nhất có được theo nguyên văn cách nói của bọn chúng là phía quốc gia vừa hạ sát được một tên Việt Cộng. Còn Việt Cộng ấy là ai, chết ở chốn nào thì hoàn toàn không biết được. Cũng ngay trong đêm, nhiều ô tô đưa bọn thượng cấp từ quận Tuy An có mặt tại sân vận động, việc đó chắc là để được tận mắt xem cộng sản chết như thế nào và cũng là động thái khích lệ kịp thời những tên đồ tể vừa “lập công xuất sắc”. Cũng trong những thời khắc đầu tiên ấy, bọn chúng cũng lại càng không thể biết được người vừa bị chúng sát hại là ai, ở đâu và giữ trọng trách gì? Có đứa bảo đó là Huỳnh Là, người xã An Ninh, tập kết năm 1954 và hồi kết năm 1959. Có thằng lại khẳng định đó là Hồ Tạo, quê gốc An Thạch, hoạt động trước năm 1954, không tập kết, ở lại hoạt động, bị bắt cuối năm 1955, năm 1958 ra tù, năm 1960 bị lộ, tẩu thoát. Trong khi đó có thằng lại bảo đó là Vũ Hoàng Sơn (tức Vũ Việt Hùng) hoạt động sau năm 1954, năm 1959 bị lộ tẩu thoát theo Việt cộng… Tôi nghĩ rằng tất cả những điều như vậy cũng dễ hiểu vì đó là những tên tuổi hiếm hoi, nổi trội trong “danh sách đen” của chúng ở vào một thời kỳ mà phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu. Nói như đồng chí Nguyễn Tường Thuật thì đó là thời kỳ “gà không gáy, chó không sủa” mà vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh tháng 9/1954 làm chấn động cả dư luận lúc bấy giờ là một chứng minh.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm và cũng như vậy tôi có mặt tại nơi anh Tạo đang nằm cũng rất sớm. Ấn tượng về một người cách mạng mà tôi luôn giữ trong tâm trí của mình cho đến hôm nay có lẽ bắt đầu từ ngày đó. Tôi đến rất gần, nhìn rất kỹ từng vết đạn chi chít trên người anh, một số đạn còn trúng cả vào mặt làm cho khuôn mặt anh bị biến dạng, đến nỗi những người trong gia đình anh, nhiều giờ đồng hồ của ngày đầu tiên cũng không nhận ra đó là con mình, đó là anh mình. Cho đến cuối giờ chiều, ba anh - bác Hồ Quế mới nhớ là làm sao mình không chịu xem chân phải của nó. Vì chân đó có tật nên bước đi không đều. Và quả vậy, sáng sớm hôm sau, ông và cả gia đình đến sớm nhìn qua và lập tức khẳng định, đó là con mình, đó là anh mình, đó là Hồ Tạo. Những dòng nước mắt lặng lẽ trào ra, uất nghẹn. Có một điều nữa của anh không biết vì sao nhiều viên đạn khi đi thẳng từ phía trước nhưng lại còn nổi rất rõ ngay trên thành bụng, điều đó chứng tỏ sau khi anh ngã xuống, chúng còn bắn bồi nhiều phát theo nhiều hướng vào người anh. Bởi thế một số thằng lính ngổ ngáo còn dùng cả mũi súng chọc vào vị trí các đầu đạn làm phát ra âm thanh lộp cộp rồi phá lên cười đắc chí. Trong khi đó, Tư Anh - một tên mật vụ đội lốt - chồng chất tội ác, cùng hàng chục tên khác trong nhóm trực tiếp bắn hạ anh Hồ Tạo ra sức miêu tả những gì đã xảy ra tối qua ngay trên sườn núi gần đó, bên kia quốc lộ 1, với sự phấn khích tột độ. Thằng Tư Anh còn đưa khẩu thomson lên và hể hả nói rằng, chính khẩu súng này đã hạ tên cộng sản đang nằm kia và thế là hàng chục các loại súng đang có trong tay, bọn chúng lại xối xả quét thẳng lên bầu trời, giữa lúc hàng ngàn người đang ùn ùn kéo tới.
Thú thật tôi đã từng chứng kiến không ít sự hy sinh của đồng đội với biết bao tiếc thương, biết bao quặn thắt, nhưng có lẽ chưa có cái chết nào, chưa có sự hy sinh nào lại có sức chấn động, lan tỏa và lay động mãnh liệt như sự hy sinh của anh Hồ Tạo. Có thể nói một lượng người đông đảo đến kinh ngạc đã có mặt tại đây, tại sân vận động nơi anh nằm - mảnh đất mà anh được sinh ra, lớn lên và hết lòng chiến đấu vì nó. Tất nhiên, trong dòng người vô tận đó chắc chắn không thể không có những kẻ hả hê trước cái chết của một người cách mạng và cũng như vậy, cũng không thể không có những người hiếu kỳ, tò mò muốn biết thế nào là người cộng sản. Thế nhưng, tôi có một niềm tin chắc chắn rằng phần lớn những người đến đây là để bày tỏ sự nuối tiếc, niềm xót thương đối với một con người, một nhân cách. Chính cuộc đời anh, cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng, cuộc đời mà kể từ khi giác ngộ về con đường đi, về lý tưởng cao đẹp, đúng đắn, chân chính, anh luôn lấy nó làm lẽ sống và tự nguyện chiến đấu không mệt mỏi. Chính vì thế mà cuộc đời anh tuy không dài nhưng đủ để gieo vào lòng người niềm tin về lý tưởng sống, lý tưởng chiến đấu chống lại mọi áp bức, bất công ở bất cứ nơi nào nó tồn tại.
Anh Hồ Tạo thuộc diện được đi tập kết nhưng tình nguyện ở lại và được Tỉnh ủy chấp thuận. Địa bàn được phân công là xã An Lĩnh, hoạt động theo phương thức nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp. Nhiệm vụ chủ yếu thời gian này là tuyên truyền để nhân dân không bị dao động, mất phương hướng trước sự mua chuộc, dụ dỗ đi đôi với đàn áp, khủng bố, cố tình vi phạm Hiệp định Giơnevơ mà chúng là một bên ký kết. Mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì hết sức bất ngờ, đầu năm 1955, bị mật báo chỉ điểm, anh bị bắt, bị giam cầm, tra tấn qua các nhà lao khét tiếng dã man thời kỳ ấy, đó là nhà lao Ngọc Lãng, nhà lao Mằng Lăng và nhà lao Phú Nhuận. Có thể nói trong suốt thời gian bị giam cầm không ngày nào anh không phải đối mặt với những trận đòn sinh tử của bọn cai ngục, của bọn đao phủ được hỗ trợ bởi những dụng cụ tra tấn rợn người. Thế nhưng anh đã vững vàng vượt qua tất cả, kiên cường giữ vững khí tiết của người cách mạng. Không ít những người tù cùng thời với anh hết lời ca ngợi, quý mến và khâm phục anh. Ở trong tù thời kỳ đó anh còn làm được một việc hết sức có ý nghĩa đó là tìm hiểu, vận động và thành lập chi bộ Đảng ngay trong những người tù. Và một chi bộ với 3 đảng viên đã được hình thành do anh làm bí thư. Đó là chỗ dựa tinh thần vô giá của người tù yêu nước trong cuộc đấu tranh sống mái với quân thù.
Đầu năm 1958, ra tù anh trở về sống với gia đình và tiếp tục hoạt động. Đối với anh nhiệm vụ đầu tiên được xác định sau khi ra tù là nhanh chóng hình thành tổ chức chi bộ để lãnh đạo phong trào. Ý định đó được đề đạt với đồng chí Hà Phùng, người được Tỉnh ủy phân công phụ trách địa bàn Tuy An. Đồng chí Hà Phùng nhận lời và hứa sẽ báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy. Thế nhưng tình hình trắc trở, rất lâu sau vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi, vì thế anh chủ động bàn với tập thể quyết định thành lập chi bộ tự động gồm 12 đồng chí và anh được chi bộ cử làm bí thư. Cũng bắt đầu từ cuối năm 1957 đầu năm 1958, hàng loạt cuộc tố cộng diễn ra với nhiều quy mô khác nhau nhằm “tẩy não” những người cộng sản với khẩu hiệu: “tố cộng là an dân, dung cộng là phản quốc” được giăng mắc khắp nơi, đặc biệt anh Hồ Tạo bao giờ cũng là đối tượng hàng đầu bị đưa ra đấu tố trước sự chứng kiến của bọn “tai to mặt lớn”, trong đó không lúc nào thiếu mặt tên quận trưởng quận Tuy An. Song cho dù bị truy bức, nhục mạ, xúc phạm đến thế nào anh vẫn không hề nao núng, vẫn tỏ rõ bản lĩnh, khí phách của một người yêu nước chân chính. Đanh thép lên án chế độ bù nhìn tay sai thân Mỹ. Cho đến đầu năm 1960, lo ngại trước nguy cơ bị bọn cầm quyền bắt thủ tiêu, Tỉnh ủy quyết định đưa anh trở lại hoạt động bất hợp pháp, trực tiếp làm đội trưởng đội công tác xã An Thạch. Và chỉ hơn một năm sau, anh vĩnh viễn ra đi, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi trong niềm tiếc thương vô hạn còn dư âm đến tận bây giờ.
Quả rất đúng khi nói rằng, với anh, cái chết đã ươm mầm cho sự sống. Sự hy sinh cao cả và oanh liệt của anh đã mở ra một giai đoạn mới của phong trào cách mạng, hàng loạt những người con ưu tú đã noi gương anh, có mặt ở hầu khắp các mặt trận chống quân thù. Riêng xã An Thạch cùng với lực lượng tình nguyện ở lại hoạt động như bác Võ Phong, bác Hồ Quế, anh Hồ Thân Lam, anh Trần Phùng, chị Trần Thị Triều và sau đó là các anh Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Vinh, Phan Năm, Võ Trí, Võ Năm, Nguyễn Hiền, Nguyễn Gánh, Hà Bình, Phạm Dần, Lê Điệm, Ngô Công Thạnh, Hồ Đắc Cử, Hồ Đắc Canh, Thiều Tiền, Nguyễn Hai, Nguyễn Ba, Phan Hoa, Ca Quẫn, Nguyễn Tài, Lê Văn Cư, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Rê, Phan Duy Dân, Ngô Thị Mười, Phan Thành, Phạm Minh Hoàng… được xây dựng và phát triển theo từng giai đoạn cách mạng. Tất cả như những dòng thác mang trong mình nguồn năng lượng sống có sức công phá và lan tỏa mạnh mẽ, nối tiếp nhau, không ngừng, không nghỉ, người trước ngã, người sau xông tới, vì tương lai tươi sáng muôn đời cho dân tộc…
Có một điều không thể không nhắc tới khi đặt bút viết những dòng đầy kính trọng, đầy ngưỡng mộ về anh, đó là đại gia đình tuyệt vời của anh. Thật không thể nào kiềm nổi sự xúc động khi nhắc đến những người từ cha mẹ đến các em gái, em trai của gia đình anh. Chính họ được hun đúc, bồi đắp và trưởng thành bởi truyền thống quê hương, truyền thống dòng tộc mà trực tiếp hơn cả là truyền thống gia đình.
Tôi cứ ấn tượng mãi về người cha kính yêu của anh: Bác Hồ Quế - một đảng viên tiên phong của Đảng, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hiến dâng những người con thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc. Ông là một trong 12 đảng viên của chi bộ tự động, chi bộ được hình thành sớm nhất của Tuy An lúc bấy giờ sau hiệp định đình chiến. Thật khó có thể tưởng tượng nổi về sức chịu đựng của một gia đình mà tất cả các thành viên đều bị liệt vào đối tượng đặc biệt nguy hiểm đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Vì thế, cũng như những thành viên khác trong gia đình mình, ông liên tục vào tù, ra tội, nhưng luôn kiên cường trụ vững, vượt qua những thời kỳ được cho là khốc liệt nhất, đen tối nhất, cho đến một ngày của tháng 8/1966 ông ngã xuống trước họng súng của lính Mỹ thuộc Lữ đoàn dù 101.
Còn với mẹ anh, bác Nguyễn Thị Thìn - Mẹ Việt Nam anh hùng - chính bà đã rứt ruột hiến dâng 3 người con trai yêu quý của mình cho đất nước, đó là các anh Hồ Tạo, Hồ Bá Tiên và Hồ Đắc Vinh cùng với người chồng quý mến của mình là bác Hồ Quế. Sau khi anh Hồ Tạo thoát ly, ngay lập tức bọn chúng bắt anh Hồ Bá Tiên và sau đó thủ tiêu (chôn sống) cùng với 2 người tù khác tại rừng dương thuộc thôn Chính Nghĩa, phía nam xã An Chấn lúc bấy giờ, ngay trong những ngày bọn chúng thực hiện luật 10-59, mà suốt gần 50 năm gia đình không hề biết con mình bị giết ở đâu, bị chết ở nơi nào, cho đến khi gặp được anh Hoàng và nhờ điềm chỉ của anh, gia đình đã tìm đến đúng nơi, hết sức chính xác nơi anh Hồ Bá Tiên trút hơi thở cuối cùng. Còn một người em trai nữa đó là anh Hồ Đắc Vinh - một đảng viên, một chiến sĩ gan đồng dạ sắt - từ người lính, qua chiến đấu anh đã từng bước trưởng thành, đảm nhận nhiều cương vị chỉ huy trong lực lượng vũ trang cách mạng. Và cương vị cuối cùng trước lúc hy sinh là chính trị viên Đại đội Trinh sát (C21) thuộc Tỉnh đội Phú Yên. Anh ngã xuống ở tuổi 30, khi trong anh còn biết bao khát vọng. Tôi còn nhớ một lần về An Thạch công tác, anh có cho tôi biết chính anh là một trong những người trực tiếp chôn cất ba tôi cùng các đồng đội của ông hy sinh cuối năm 1967 tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, trong đó có người yêu của anh là chị Phạm Thị Hồng Hảo, người xã An Dân, huyện Tuy An. Anh hẹn với tôi là khi nào có dịp về tỉnh họp thì liên lạc với anh để anh đưa đến thăm phần mộ của ba tôi và đồng đội. Thế nhưng khi tôi chưa cùng anh thực hiện những gì đã giao hẹn thì lại nghe tin anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Hiện phần mộ của anh Hồ Tạo nằm chung ở nghĩa trang tộc họ Hồ tại núi A-Mang, xã An Thạch, bên cạnh mẹ anh. Còn các phần mộ của bác Hồ Quế, anh Hồ Bá Tiên và anh Hồ Đắc Vinh thì được đưa về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy An - tọa lạc trên đỉnh đèo Tam Giang - bốn mùa gió lộng.
Riêng những người em gái của anh, mỗi người theo điều kiện và hoàn cảnh của mình, họ đã có những đóng góp hết lòng cho cách mạng, trong đó nổi bật nhất là chị Hồ Thị Hiệp, một đảng viên trung kiên của Đảng, trong suốt những năm tháng chiến tranh, đối mặt với biết bao đòn roi tra tấn, song chị vẫn luôn kiên định lập trường, kiên định niềm tin, giữ vững khí tiết của người cách mạng.
Tôi không biết phải diễn đạt như thế nào tâm trạng của mình khi hoàn thành những dòng cuối cùng viết về anh - về một người cộng sản chân chính - về một chiến sĩ cách mạng kiên cường - về một khí tiết rạng ngời và về một tấm gương lẫm liệt. Anh là mẫu hình của thắng không kiêu, bại không nản, chí trung, chí hiếu, thủy chung như nhất với bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội. Đối với tôi viết về anh như một điều thiêng liêng, như một tâm nguyện và điều thiêng liêng đó, tâm nguyện đó đã đeo đuổi tôi hơn nửa thế kỷ, kể từ khi anh vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất này - mảnh đất Ngân Sơn, An Thạch thân yêu vào một ngày của mùa xuân 1961, ngày mà với tôi, ở cái tuổi chưa tròn 12, còn quá nhỏ, còn quá non nớt để có thể hiểu thấu những gì đang diễn ra. Thế nhưng với riêng anh, với cái chết quá lẫm liệt của anh nó đã thực sự ghi vào tâm khảm của tôi một dấu ấn không thể phai mờ, thậm chí đến từng chi tiết. Bởi thế mà cùng với thời gian, ngày một trưởng thành, tôi càng đi sâu tìm hiểu về anh, về gia đình anh, cộng với những gì có được của tuổi thơ tôi ngày ấy, tôi đã viết nên những dòng tâm huyết này. Và để có được những gì như nó đã có, tôi vô cùng biết ơn anh Vũ Việt Hùng (mà nay đã trở thành người quá cố). Biết ơn anh Hồ Thân Lam, anh Hồ Thân Hiệu - những người vừa là anh em ruột thịt, vừa là nhân chứng sống của một thời binh lửa - đã hết lòng giúp tôi hoàn thành bài viết vẹn tình này. Và giờ đây từ trong sâu thẳm của trái tim mình, tôi tin chắc rằng, ở đâu đó, tận trên cao, cùng với những linh hồn không bao giờ mất, anh vẫn ngày đêm dõi theo những bước đi không ngừng nghỉ của sự nghiệp cách mạng vĩ đại, vững vàng vượt qua bao gềnh thác, lan tỏa muôn nơi, lan tỏa đến vô cùng…
Như nén hương lòng tưởng nhớ về anh: Đồng chí Hồ Tạo!
Tháng 7 năm 2014
VŨ VĂN THOẠI
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy