TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968
Anh hùng Nguyễn Đức Quân |
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, để bảo đảm tuyệt đối bí mật, trưa 27/1/1968, trung đoàn mới nhận được kế hoạch tổng tấn công nổi dậy từ Bộ Tư lệnh Phân khu. Thời gian hết sức eo hẹp, trong vòng chưa đầy 3 ngày chuẩn bị đến lệnh nổ súng. Không có thời gian chuẩn bị chiến trường, chỉ huy các đơn vị chỉ được giao nhiệm vụ trên sơ đồ; quân số thiếu, đạn dược tuy có bổ sung nhưng rất hạn chế. Đạn B40 mỗi khẩu chỉ được trang bị tối đa 4 quả, không có cơ số dự bị. Gạo ăn không có, bộ đội xuất kích ra trận mà trong bụng không có lấy hạt cơm. Khẩu phần mỗi chiến sĩ chiều 29 tết chỉ có củ mì độn với rau rừng. Tuy vậy, cán bộ chiến sĩ sau khi được phổ biến quán triệt nhiệm vụ đều rất phấn khởi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đúng 0 giờ ngày 30/1/1968, khi tiếng pháo đón giao thừa vừa nổ, các mũi tiến công của Tiểu đoàn 12 và lực lượng địa phương dưới sự chi viện của hỏa lực đi cùng lần lượt đánh chiếm các bốt gác mục tiêu ngoại vi, nhanh chóng đưa lực lượng đánh chiếm sân bay khu chiến và các mục tiêu liên quan, cùng lực lượng địa phương thọc sâu vào trung tâm TX Tuy Hòa để đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, trận địa pháo binh, cứ điểm địch ở Nhạn tháp…
Trên hướng chặn viện đến 9 giờ ngày 4/2/1968 (tức mùng 5 Tết Mậu Thân), Tiểu đoàn 11 và Tiểu đoàn 13 chặn đánh Tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên và đại đội công binh có xe tăng hộ tống. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta đã loại ngoài vòng chiến đấu trên 250 tên, tiêu diệt 2 đại đội, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Nam Triều Tiên và đại đội công binh ngụy, thu 87 súng các loại, phá hủy 43 xe quân sự (trong đó có 6 xe tăng), bắn rơi 5 máy bay. Ta làm chủ từ đèo Cù Mông đến đèo Nại, cắt đứt giao thông quốc lộ 1 từ Bình Định đến Phú Yên.
Tại TX Tuy Hòa, quân địch sau khi được củng cố và tăng cường lực lượng Trung đoàn 28 Nam Triều Tiên kết hợp với lực lượng Trung đoàn 47 Sư đoàn 23 ngụy, được sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và không quân, từ ngày mùng 2 tết bắt đầu phản kích. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 sát cánh cùng lực lượng địa phương lợi dụng từng căn nhà, góc phố tiêu diệt hàng trăm tên địch, bẻ gãy tất cả các đợt phản kích của lính Nam Triều Tiên và quân ngụy Sài Gòn. Sau mỗi đợt phản kích thất bại, địch lại sử dụng máy bay, trọng pháo đánh phá hủy diệt trận địa ta, rồi lại tiếp tục các đợt phản kích tiếp theo. Trận chiến giữa ta và địch cứ thế giằng co hết ngày này qua ngày khác.
Sau 8 ngày đêm kiên cường bám trụ quần lộn với địch trong TX Tuy Hòa, ta đã tiêu diệt trên 600 tên lính Nam Triều Tiên và ngụy Sài Gòn, bắn cháy 12 xe tăng, bắn rơi 4 máy bay trực thăng vũ trang. Tuy nhiên, với ưu thế về quân số, vũ khí và phương tiện chiến tranh, địch đã gây cho ta nhiều tổn thất đáng kể. Gần 2/3 lực lượng tiểu đoàn 12 và tiểu đoàn địa phương hy sinh và bị thương, trong số hy sinh có đồng chí Thái (Chính trị viên), đồng chí Hùng (Tiểu đoàn trưởng) và đồng chí Bạt (Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 12).
Để bảo toàn lực lượng còn lại, đêm 7/2/1968, Tiểu đoàn 12 bí mật lui quân khỏi TX Tuy Hòa. Quá trình lui quân bị địch phát hiện, chúng tổ chức lực lượng đánh truy theo, đồng chí Xy (Phó chính ủy Trung đoàn) và một số cán bộ chiến sĩ khác bị thương, không theo kịp đơn vị nên đã bị địch bắt.
Mặc dù bị tổn thất lớn trong đợt 1, nhưng sau 1 tuần dừng lại củng cố rút kinh nghiệm bổ sung quân số và vũ khí, Tiểu đoàn 12 tiếp tục nhận nhiệm vụ bước vào cuộc tổng tiến công đợt 2 do đồng chí Bùi Lưu làm Tiểu đoàn trưởng.
Đêm 20/2/1968, đơn vị kết hợp với lực lượng địa phương mở đợt tiến công đánh địch chiếm TX Tuy Hòa lần 2. Từ hướng bắc và tây nam, Tiểu đoàn 12 và lực lượng địa phương hình thành 2 cánh, 4 mũi đánh thẳng vào các mục tiêu địch, chiếm TX Tuy Hòa. Nhưng do yếu tố bất ngờ không còn, quân địch chủ động đưa lực lượng ra phòng thủ vòng ngoài từ đó các mũi tiến công của ta bị địch phát hiện chặn đánh từ xa. Tiểu đoàn 12 được lệnh lui ra, tổ chức trụ lại tại thôn Ninh Tịnh cách TX Tuy Hòa chừng 1km.
Ngày 21/2, một tiểu đoàn Nam Triều Tiên kết hợp với lực lượng Trung đoàn 47 ngụy và một chi đoàn xe tăng được yểm trợ của pháo binh và không quân chia làm 2 hướng đánh vào Tiểu đoàn 12 ở Ninh Tịnh. Bám chắc công sự trận địa, chiến sĩ ta đã kiên cường dũng cảm chiến đấu bẻ gãy đợt tiến công này đến đợt tiến công khác của địch, hàng trăm tên Nam Triều Tiên và lính ngụy đã ngã gục trước mũi súng của quân ta.
Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, đến 15 giờ 20, một đại đội Nam Triều Tiên được xe tăng yểm trợ chiếm được một phần trận địa phía trước của ta, tạo bàn đạp áp sát vào trận địa Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 12.
Tình hình hết sức khó khăn, nếu chậm trễ có nguy cơ mất trận địa. Đồng chí Bùi Lưu xuống trực tiếp chỉ huy khẩu đội ĐKZ với 3 viên đạn cuối cùng còn lại. Dưới sự chỉ huy của đồng chí tiểu đoàn trưởng, quân ta đã bắn cháy liên tiếp 3 xe tăng, bộ binh địch hoảng sợ rút chạy về phía sau. Từ đó, chúng không dám tiến công mà chỉ dùng máy bay pháo binh đánh phá hòng hủy diệt trận địa ta. Kết thúc ngày chiến đấu vô cùng khốc liệt, ta đánh bại 9 lượt tiến công của quân Nam Triều Tiên và quân ngụy, tiêu diệt 124 tên, bắn bị thương trên 100 tên khác, bắn cháy và phá hỏng 5 xe tăng, bắn rơi 2 máy bay trực thăng vũ trang. Ta hy sinh 32 đồng chí và bị thương 46 đồng chí.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, bước vào đợt 3 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 11 tăng cường các đại đội Đặc công, ĐKZ, Cối 82 ly do đồng chí Hộ, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phan Ly, Chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy.
Đêm 6/3/1968, Tiểu đoàn 11 bí mật vượt qua các tuyến phòng thủ chốt chặn vòng ngoài của địch đánh vào TX Tuy Hòa tiến công cứ điểm địch trên núi Nhạn do một đại đội Bảo an chốt dữ; đánh chiếm cầu Ông Chừ cắt đứt đường 1 Tuy Hòa đi Nha Trang. 9 giờ ngày 8/3, Trung đoàn 47 ngụy kéo đến phản kích bị Tiểu đoàn 11 của ta tiêu diệt trên 100 tên. Ngày 9/3, địch tăng cường 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 28 Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên và một chi đoàn xe tăng kết hợp với lực lượng Trung đoàn 47 từ 2 hướng đánh vào Tiểu đoàn 11. Đến 11 giờ ngày 9/3, địch chiếm lại cầu Ông Chừ và đến 20 giờ cùng ngày ta buộc phải lui khỏi núi Nhạn.
Phát hiện được Tiểu đoàn 11 lui về phòng ngự ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, địch sử dụng lực lượng bao vây và chốt chặn đường rút về hậu cứ của ta. Liên tiếp từ ngày 9 đến 13/3 địch dùng máy bay pháo binh dội hàng trăm tấn bom đạn xuống trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 11 và tổ chức nhiều đợt tiến công vào trận địa ta. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Hộ, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phan Lý, Chính trị viên, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn kiên cường chiến đấu bẻ gãy liên tiếp các đợt tiến công của quân ngụy và Nam Triều Tiên, loại khỏi vòng chiến đấu 360 tên (trong đó có 146 tên lính Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn Bạch Mã); bắn rơi 3 máy bay trực thăng, 1 máy bay phản lực F105; bắn cháy và phá hỏng 6 xe tăng.
Bị thua đau, quân địch càng điên cuồng, chúng liên tiếp sử dụng máy bay, pháo binh, xe tăng đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt trận địa, tiêu diệt Tiểu đoàn 11. Địch sử dụng cả bom phá, bom bi và bom xăng san phẳng, thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, cây cối trong làng Mỹ Thành, hầu như mọi vật trên mặt đất đều bị đốt cháy.
Trận chiến đấu giữa ta và địch bước sang ngày thứ 8, mỗi lúc một khốc liệt. Lúc này vòng vây của địch từ 3 hướng đã khép chặt vào trận địa Tiểu đoàn 11. Khó khăn ngày một chồng chất khi hơn 2/3 quân số tiểu đoàn đã bị thương vong; trong đó có đồng chí Hộ, Tiểu đoàn trưởng và hầu hết cán bộ trung, đại đội của tiểu đoàn đã hy sinh. Số cán bộ chiến sĩ bị thương nặng do không có thuốc men, phương tiện cứu chữa, đường chuyển về hậu cứ phía sau bị địch cắt đứt nên lần lượt tử vong tại trận địa.
Trong 2 đêm liên tiếp, Tiểu đoàn 11 tập trung tất cả hỏa lực còn lại tổ chức đột kích phá vòng vây của địch nhưng không mang lại hiệu quả. Đồng chí Phan Ly cùng nhiều cán bộ chiến sĩ khác trong quá trình mở đường máu phá vây đã hy sinh hoặc bị thương nằm lại bị địch bắt.
Mặc dù chỉ còn lại chừng 30 tay súng trong đó có đồng chí Hoa, Chính trị viên phó. Đồng chí Phạm Trưng Mạo cùng đồng chí Thành và 4 chiến sĩ mưu trí khôn khéo bám sát địch bất ngờ nổ súng trên một hướng diệt 1 xe M113 và một số tên địch, mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Cùng lúc đồng chí Châu, Đại đội trưởng Đại đội 2 và đồng chí Phạm Thanh Mười, Đại đội trưởng Đại đội 1 cùng một số chiến sĩ đánh địch thoát được vòng vây của chúng trở về trung đoàn.
CẢM NHẬN KHI XA PHÚ YÊN
Qua 3 năm hoạt động chiến đấu ở chiến trường Phú Yên (9/1965-10/1968), Trung đoàn 10 Ngô Quyền đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 3.768 tên địch trong đó có 2.165 tên Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên, thu 1.351 khẩu súng các loại, phá hủy 119 xe quân sự trong đó có 32 xe tăng thiết giáp, bắn rơi 21 máy bay trong đó có 2 máy bay phản lực. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 10 Ngô Quyền hy sinh 1.700 đồng chí.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trung tuần tháng 5/1968, trung đoàn được lệnh rút toàn bộ lực lượng, Tiểu đoàn 11-12 bổ sung cho Tiểu đoàn 13 do đồng chí Đới Ngọc Cầu làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Thái làm Chính trị viên ở lại chiến trường Phú Yên chiến đấu trong đội hình Tỉnh đội Phú Yên.
Tạm biệt mảnh đất Phú Yên, khúc ruột miền Trung nơi đã ghi đậm bao chiến công trong những năm đầu đánh Mỹ của trung đoàn, trong đêm chia tay hôm ấy lòng mỗi cán bộ chiến sĩ đều trĩu nặng nỗi nhớ khôn nguôi đến đồng bào, đồng chí Phú Yên yêu mến, kính trọng cũng như đến hàng ngàn cán bộ chiến sĩ, những người con ưu tú của trung đoàn, những đồng chí đồng đội đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại đất mẹ Phú Yên. Người có mộ, người chưa có mộ, song tên và chiến công của các anh sẽ sống mãi cùng non sông đất nước, Tổ quốc Việt Nam sẽ đời đời ghi nhớ công ơn các đồng chí.
Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG
Nguyên UVBTV Tỉnh ủy - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
(nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền)