Chủ Nhật, 19/05/2024 04:19 SA
Nhớ những năm tháng hào hùng
Thứ Sáu, 18/07/2014 08:38 SA

Đặng Phi Thưởng dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Xôphia, Bungari năm 1968

LTS: Nhân dịp tỉnh ta tổ chức gặp mặt 50 năm cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền hoạt động chiến đấu tại tỉnh Phú Yên, đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền) gửi đến Báo Phú Yên bài viết “Nhớ những năm tháng hào hùng”. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới giành được trong tay thực dân Pháp, ngày 19/5/1945 Chi đội Nguyễn Thiện Thuật - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Trị - được thành lập, là đơn vị tiền thân của Trung đoàn Thiện Thuật, Trung đoàn 95 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung đoàn 10 Ngô Quyền trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

BƯỚC VÀO NHỮNG TRẬN CHIẾN CAM GO

 

Mặc dù lực lượng Mỹ, Nam Triều Tiên và quân ngụy đông gấp 10 lần, binh khí kỹ thuật mạnh gấp trăm lần, nhưng chúng không thể tiêu diệt được Trung đoàn Ngô Quyền. Ngược lại, chúng còn bị đánh tơi tả và tổn thất nặng nề ở những trận đánh: Phú Thọ, Mỹ Cảnh, Suối Phấn (xã Hòa Mỹ), Cảnh Tịnh, Hóc Xoài (xã Hòa Thịnh), Dốc Phường (xã Sơn Thành), Thì Thùng (huyện Tuy An), các trận đánh xuân 1968 ở TX Tuy Hòa… hàng ngàn tên Mỹ và Nam Triều Tiên phải đền tội.

Ngày 20/11/1964, trung đoàn lên đường vào Nam chiến đấu và được đặt tên là Trung đoàn 10. Tháng 9/1965, trung đoàn về hoạt động chiến đấu ở chiến trường Phú Yên mang phiên hiệu Trung đoàn Ngô Quyền.

 

Vừa đặt chân đến chiến trường Phú Yên, ngày 20/10/1965, trung đoàn đánh trận đầu, đập tan cuộc hành quân cướp lúa của Sư đoàn 23 ngay tại Tuy Hòa 1, diệt gọn một tiểu đoàn và đánh thiệt hại một tiểu đoàn khác của Trung đoàn 47, diệt 356 tên, bắt 37 tên, thu 137 súng. Tiếp đó, ngày 20/11/1965, trung đoàn đánh qụy Chiến đoàn 47 trên quốc lộ 1 đoạn từ xã An Chấn đến xã An Hòa (huyện Tuy An), diệt 450 tên, bắt 26 tên, thu 286 súng, phá 53 xe quân sự trong đó có 12 xe thiết giáp.

 

Hai mùa khô năm 1966 và 1967, Mỹ ào ạt đưa quân vào miền Nam mở 5 mũi tên phản kích chiến lược, trong đó tỉnh Phú Yên là một trọng điểm. Chúng tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Gồm Lữ đoàn Kỵ binh không vận 101, Lữ đoàn Dù 173, Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên, Sư đoàn 23, với phương tiện chiến tranh binh khí, kỹ thuật hiện đại nhất của Mỹ, như máy bay B52, F4, F105 trực thăng vận, chiến xa vận, chất độc hóa học quyết tìm diệt Trung đoàn Ngô Quyền và tàn sát đồng bào ta rất dã man. Chỉ trong tháng 2/1966, bọn chúng giết 300 người dân ở xã Hòa Mỹ, 117 đồng bào ở xã Hòa Phong, chúng dồn 200 người dân xã Hòa Hiệp xuống hầm phần lớn là người già và trẻ em rồi xả súng giết sạch. Chúng bắt, giết hàng loạt trâu bò, đốt phá nhà cửa, hủy diệt cuộc sống, gây ra biết bao đau thương tang tóc cho nhân dân ta trên đất Phú Yên.

 

Qua 2 năm chống lại cuộc Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, tuy giành được nhiều thắng lợi to lớn nhưng ta cũng phải gánh chịu những tổn thất đáng kể. Lực lượng Trung đoàn Ngô Quyền và địa phương bị thương vong cao, vùng giải phóng bị thu hẹp, quần chúng cách mạng bị bắt bớ giết hại, đại bộ phận nhân dân bị địch gom về ở xung quanh thị xã, thị trấn.

 

Mất đất, mất dân, nguồn cung cấp lương thực tại chỗ vô cùng khó khăn, bộ đội ta hàng tháng phải nhịn đói nhiều ngày. Bữa ăn chỉ có rau tàu bay với củ mì, củ chuối thay cơm. Bệnh viện, bệnh xá bị địch đánh phá không còn thuốc men. Cán bộ chiến sĩ bị thương, ốm đau phải tự chăm sóc và điều trị tại đơn vị. Về quân số sau một thời gian dài chiến đấu, lực lượng bị thương vong không có bổ sung. Trung bình mỗi đại đội chỉ còn lại 15 đến 20 tay súng. Đạn dược nhiều tháng liền không có cung cấp. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với trung đoàn. Chẳng những quân số đạn dược không được bổ sung mà lương thực, thực phẩm cho bộ đội cũng không lo nổi. Để nuôi sống bộ đội, trung đoàn buộc phải cho từng đại đội đóng quân phân tán vừa chiến đấu vừa bám giữ địa bàn. Đêm xuống, đơn vị tổ chức từng bộ phận nhỏ luồn qua các tuyến chốt của địch đột nhập vào khu dân cư gần thị xã, thị trấn để mua muối, gạo. Địch kiểm soát gắt gao nên lượng gạo mua chẳng được là bao. Không cầm lòng được khi nhìn thấy anh em thương binh đã nhiều ngày liền không có cháo ăn vì địch càn quét, phong tỏa chốt chặn các ngả đường. Đồng chí Nguyệt, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 12 đích thân cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn bộ đi mua gạo. Trên đường về lại đơn vị khi đến mương số 2 không may lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ, cả 8 đồng chí chiến đấu ngoan cường và đều hy sinh.

 

NGỜI SÁNG CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG

 

Song song với các chiến dịch càn quét đánh phá triền miên vào sâu hậu cứ của ta ở Ma Lẫm, Ma Lào, Ma Phượng, Suối Trâu, Suối Ché… miền Tây Phú Yên; nhằm mục đích diệt lực lượng ta, xúc tác dân, địch còn sử dụng máy bay rải chất độc hóa học triệt phá nương rẫy mùa màng, làm mất nguồn lương thực tại chỗ và làm chết cây rừng để ta không còn nơi trú ẩn. Mặt khác, địch ra sức đẩy mạnh chiến tranh tâm lý hòng lung lay ý chí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ ta.

 

Hết tháng này đến tháng khác, ngày cũng như đêm từ trên máy bay địch rải truyền đơn, phát loa tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, của cách mạng, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kêu gọi, dụ dỗ cán bộ chiến sĩ ta ra hàng để được hưởng lượng “khoan hồng” và nhiều đặc ân khác. Thâm độc hơn, chúng còn cho ghi âm rồi phát lên tiếng trẻ con khóc gọi ba, vợ khóc gọi chồng, mẹ khóc gọi con… đánh sâu vào tâm lý tình cảm của cán bộ chiến sĩ trung đoàn.

 

Thiếu ăn, bệnh tật, chiến đấu ác liệt, lại thường xuyên bị tác động bởi chiến tranh tâm lý của địch, song được sự lãnh đạo, giáo dục kịp thời của Đảng ủy Trung đoàn, động viên sâu sát của cán bộ trực tiếp nên cán bộ, chiến sĩ trong gian khổ ác liệt vẫn vững vàng tư tưởng, vượt qua mọi thử thách, kiên cường dũng cảm chiến đấu lập công xuất sắc…

 

Trong gian khổ chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng được thể hiện một cách rõ nét trong cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Ngô Quyền. Đồng chí Bán, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 12 xuất thân từ một nông dân ở một vùng quê nghèo tỉnh Quảng Trị theo cách mạng bỏ lại cha mẹ già, vợ con tập kết ra Bắc rồi trở lại chiến trường miền Nam lần thứ 2 với gần 60 tuổi đầu. Nhiều lúc hành quân chiến đấu bụng đói chân chồn nhưng đồng chí vẫn lạc quan động viên: “Cố lên các đồng chí, Đảng, Bác Hồ và nhân dân đang ngày đêm chờ tin chiến thắng”. Đồng chí đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt với lực lượng Nam Triều Tiên trên chiến trường Phú Yên.

 

Đồng chí Trà, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 12 như một con mãnh hổ giữa chiến trận. Biết bao nhiêu lần đồng chí dẫn đầu đơn vị xung phong, tả xung hữu đột cùng đơn vị diệt nhiều tên địch lập nên nhiều chiến công. Lúc đang chỉ huy đơn vị xung phong bị trúng đạn địch ngã xuống, trong cơn hấp hối, đồng chí vẫn không quên nhắc nhở cán bộ cấp dưới của mình phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

 

Trung đội trưởng Đậu Trọng Lâm, Đại đội 1 Tiểu đoàn 12 vừa chỉ huy đơn vị chiến đấu, vừa cầm súng chiến đấu diệt 47 tên lính Mỹ và chư hầu, cùng đơn vị đánh bại 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa ở thôn Mỹ Cảnh, xã Hòa Thịnh.

 

Anh hùng Hoàng Đình Kiền, Đại đội 2, Tiểu đoàn 11 đã dũng cảm lấy thân mình nằm đè lên hàng rào dây thép gai làm cầu cho đồng đội băng qua xung phong tiêu diệt địch, mặc dù đạn địch bắn ra không ngớt. Chính hành động anh hùng đó đã tạo cho đơn vị kịp thời xung phong diệt gọn địch tại quận lỵ Phú Tân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Tiểu đoàn phó Nguyễn Đức Quân tuy đã bị thương vẫn kiên quyết ở lại tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu, nhiều khi vết thương chưa lành nhưng vẫn hăng hái ra trận.

 

Thật cảm động biết bao khi nhắc đến đồng chí Vũ Xuân Hiệu - người quân y sĩ Tiểu đoàn 12, trong trận đánh Lữ đoàn Dù 101 quân Mỹ tại Gộp Đá (Hốc Xoài, xã Hòa Thịnh). Đồng chí bị thương và lạc đơn vị giữa rừng, khi biết mình sắp hy sinh, đồng chí viết thư gửi cho Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và một lá thư gửi về quê cho mẹ ở Ninh Bình và viết để lại một bài thơ mà mỗi khi đọc lên chúng ta không khỏi cảm thấy bùi ngùi thương tiếc đồng chí: Tạ thế nơi đây giữa rừng xanh/ Trên đầu khu trục với mo ran/ Suối reo nước chảy, pháo ì oạnh/ Không cha không mẹ không dân chúng/Hang đá lạnh lùng một mình tôi/Tiếc thay Xuân Hiệu sớm qua đời/ Chưa diệt được hết loài lang sói/ Mỹ ngụy, chư hầu kẻ gian tham/ Nhắm mắt xuôi tay ở trong hang/ Gửi lời nhắn nhủ đến xóm làng/ Quê hương đất nước vùng đứng dậy/ Để mãi Nam Bắc sớm một nhà.

 

(Còn nữa)

Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG

Nguyên UVBTV Tỉnh ủy - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

(nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đấu trí với ác ôn
Thứ Sáu, 18/07/2014 08:10 SA
Sóng
Chủ Nhật, 06/07/2014 13:00 CH
Nơi dòng sông đi qua thương nhớ
Thứ Ba, 01/07/2014 10:00 SA
Khoảnh khắc chiến tranh (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 27/06/2014 10:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek