Mỗi lần trở về Tuy Hòa sau chuyến đi xa, lòng chợt dâng lên cảm xúc thật khó tả. Khi xe qua đèo Cả hoặc khi máy bay lượn một vòng trên biển, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tuy Hòa, những sắc màu của biển, của ruộng đồng và xôn xao phố xá thu vào tầm mắt, chợt ngân lên câu hát rất thân quen của nhạc sĩ Ngọc Quang “Có khoảng trời nào xanh hơn đồng lúa/ Có quê hương nào đẹp tựa Phú Yên…”. Và có thể ví, trái tim của Phú Yên chính là TP Tuy Hòa.
Sau khi ra Bắc vào Nam, lòng bình yên lạ khi gặp lại dòng sông Ba, cầu Đà Rằng và núi Nhạn với ngôi tháp cổ kiêu hãnh - những hình ảnh thân thương đã trở thành biểu tượng của thành phố bên bờ biển xanh.
Từ dãy núi Ngọc Rô với độ cao hơn 1.500m, sông Ba đi qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai trước khi đến với Phú Yên, xuôi về đồng bằng rồi hòa vào biển Đông ở cửa Đà Diễn. Trải qua hành trình hơn 370km, sông Ba bồi đắp phù sa cho đồng bằng Tuy Hòa, tắm mát vựa rau nổi tiếng ở ngoại ô thành phố.
Bình Ngọc, với những xóm làng bình yên xanh, như câu thơ đẹp một cách giản dị trong bài thơ Tuy Hòa. Nhiều người dân ở Bình Ngọc gắn bó với nghề trồng rau và hoa. Những loại rau ăn lá và bầu bí dưa cà là chén cơm manh áo, là niềm vui và cũng là nỗi lo toan của bà con sống trên vùng đất dào dạt phù sa. Nói như ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc, nông dân ở đây nuôi con ăn học, xây nhà cửa, dựng vợ gả chồng… cũng đều dựa vào nghề trồng rau và hoa được truyền từ đời ông, cha.
Xã nằm bên sông Ba có 42ha đất trồng rau, trong đó diện tích rau an toàn là 20ha, vừa được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vào ngày 23/6/2014. Hơn 230 gia đình trồng rau sống ở 3 thôn: Ngọc Phước 1, Ngọc Phước 2 và Ngọc Lãng quanh năm cần mẫn chăm sóc các loại cải, xà lách, rau thơm, mồng tơi, hành lá... Thời điểm này, xà lách được giá. Ông Ngọc Anh cho biết: “Với 500m2 đất trồng xà lách, sau một tháng, bà con thu được chừng một tấn rau. Giá một ký xà lách hiện ở mức 10.000 đồng, người trồng rau rất phấn khởi”.
Người dân Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) chăm sóc rau - Ảnh: P.TRÀ |
Rau của Bình Ngọc không chỉ có mặt tại các chợ ở Phú Yên mà còn “đi” Bình Định, Khánh Hòa.
Không chỉ gắn bó với các loại rau ăn lá, nông dân ở xã nằm bên bờ bắc sông Ba còn trồng lay ơn - loài hoa được đưa giống về từ TP Đà Lạt và đã bén rễ trên vùng đất thơm thảo phù sa này suốt mấy chục năm qua. Việc chuẩn bị cho vụ hoa tết - cũng là vụ hoa duy nhất trong năm - bắt đầu từ tháng 8 âm lịch. Bà con xông khói để củ giống ra rễ. Đến rằm tháng 10, nông dân Bình Ngọc bắt đầu xuống giống lay ơn đỏ; lay ơn nhung và lay ơn vàng chanh, bà con xuống giống sau rằm. Củ lay ơn có rễ được đưa vào đất tơi xốp, đã được bón phân, cày và lên luống. Lá rẽ đất vươn lên, như những lưỡi kiếm nhỏ xinh. Thời điểm cuối năm, nếu trời lạnh, dân Bình Ngọc thắp đèn sáng rực các ruộng lay ơn, giục cây ra hoa cho kịp tết. Từ 20 tháng Chạp, bà con bắt đầu thu hoạch hoa. Từ làng hoa này, lay ơn theo những chuyến xe vào Nam ra Bắc, góp thêm sắc xuân bằng vẻ đẹp vừa mong manh vừa rực rỡ được ướp bởi hương phù sa và thấm đẫm mồ hôi của nông dân.
Hai năm trước, tôi sang Bình Ngọc tác nghiệp về việc trồng rau, hoa mùa tết. Năm đó, nông dân Bình Ngọc dành 15ha để trồng lay ơn. Vừa cặm cụi chăm sóc 1.500m2 hoa, ông Năm Sự (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sự - người có gần 20 năm chắt chiu mồ hôi trên các luống lay ơn) hào hứng chia sẻ với tôi một số kinh nghiệm trong việc trồng loài hoa này. Tôi nhớ năm ấy, nông dân Bình Ngọc được mùa hoa. Có lẽ vì vậy mà diện tích trồng lay ơn tăng lên trong 2 mùa tết sau đó. Ông Ngọc Anh kể rằng đến mùa tết Giáp Ngọ, Bình Ngọc có 25ha trồng hoa lay ơn. Với mỗi sào hoa, nông dân lãi khoảng 20 triệu đồng. “Tết năm nay, dự kiến diện tích trồng hoa sẽ tiếp tục tăng”, ông Ngọc Anh tươi cười cho biết.
Không chỉ mơ về những mùa lay ơn rực rỡ, ông chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc còn mơ vựa rau của Phú Yên sẽ có nhà sơ chế - nơi những sản phẩm mà nông dân chắt chiu mồ hôi, công sức sẽ được rửa, sục ozone, sấy cho ráo nước, đóng bao bì và đến với các thị trường lớn.
Có vẻ như không hợp lẽ khi thay vì nói về những công trình, dự án… đã làm cho bộ mặt TP Tuy Hòa thay đổi sau 25 năm tái lập tỉnh, tôi lại chỉ đề cập đến vựa rau bên dòng sông Ba cùng niềm khát khao (có thể nói là khá đơn sơ) của ông chủ nhiệm HTX về khu nhà sơ chế rau mà kinh phí đầu tư chừng năm, bảy trăm triệu đồng. Nhưng biết làm sao được, khi dòng sông êm trôi qua hai mùa mưa nắng và vùng đất bình yên xanh trong dào dạt phù sa đã trở thành nỗi nhớ niềm thương. Cùng với ngôi tháp cổ trên đỉnh núi Nhạn lộng gió, cùng với dòng sông và cây cầu Đà Rằng, màu xanh dịu dàng bên sông, trên những ruộng rau thấm đẫm mồ hôi của nông dân đã trở thành hình ảnh quá đỗi thân thương của Tuy Hòa.
Và tôi mơ đến một ngày không xa, vựa rau bên sông Ba sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách - những người thích hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống của nông dân; những người muốn tìm hiểu về quy trình trồng - sơ chế rau an toàn hoặc muốn trải nghiệm một ngày làm nông dân trên những luống rau Bình Ngọc. Song dẫu có thay đổi thế nào, thì làng rau bên sông vẫn như một câu thơ đẹp giản dị trong bài thơ Tuy Hòa thương yêu.
PHƯƠNG TRÀ