Thứ Năm, 28/11/2024 06:30 SA
Khoảnh khắc chiến tranh
Thứ Tư, 25/06/2014 08:24 SA

Bộ đội tiến công khu vực tỉnh đường ngụy Phú Yên - Ảnh: TƯ LIỆU

LTS: Đồng chí Vũ Văn Thoại, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên vừa gửi đến tòa soạn tác phẩm tự truyện Khoảnh khắc chiến tranh viết về một phần cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kể từ số báo này, Báo Phú Yên lần lượt đăng tác phẩm của đồng chí.

 

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 

Cả một vùng bỗng yên ắng lạ thường sau hàng trăm đợt pháo cấp tập kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ từ phía Tuy An dội vào và cả phía TX Tuy Hòa yểm trợ. Từng bầy pháo nối đuôi nhau gầm réo cơ hồ nghiền nát từng centimet dọc cánh rừng phía tây quốc lộ 1. Đó là cú đánh chặn bằng pháo ngay sau cuộc đụng đầu theo kiểu “tao ngộ chiến” vào lúc chạng vạng tối giữa một bên là đội quân hỗn hợp gồm hàng trăm bộ đội, cán bộ, giao liên, du kích và một bên là đơn vị biệt kích ngụy ngay rìa phía nam thôn Phú Điềm, xã An Hòa, khi cả đoàn chuẩn bị tiếp cận đầu phía bắc dốc Bà Ền để đi về phía đông.

 

Thật không thể nào diễn tả hết độ khốc liệt khi cả lựu đạn, tiểu liên cực nhanh, AK47, M79... thi nhau nổ, lửa đạn đan chéo, chớp giật trên cánh đồng đất thổ vừa cày trở. Thế nhưng điều rất may là lúc đối đầu, đội hình của cả hai phía đều trong quá trình di chuyển nên mọi phản ứng hoàn toàn bị động, và cũng nhờ vậy mà không một ai trong đoàn công tác bị thương vong.

 

Như vậy, tính cả bốn đêm trước nữa thì đêm nay đã là đêm thứ năm việc tổ chức liên lạc với vùng phía đông vẫn lâm vào bế tắc. Điều đó không thể có cách lý giải nào khác hơn rằng phía đông chắc chắn đang gặp sự cố lớn. Bởi nếu có sự cố nhưng không lớn thì giá nào anh em cũng đã tìm mọi cách xoi đường bắt liên lạc. Vì theo quy định mỗi đêm giao liên phía đông phải vượt quốc lộ 1 có mặt ở điểm hẹn phía tây để chuyển giao và tiếp nhận công văn, thư từ đến cán bộ, bộ đội đi công tác hoặc đón lực lượng tăng cường. Thế nhưng điều không thuận đó đã diễn ra rất nhiều ngày ở đây làm cho mọi kế hoạch bị đảo lộn. Riêng tôi, việc cứ phải lùi thời gian qua mỗi đêm cũng đã đến lúc không thể được nữa vì 4 ngày trước đó, sau khi nhận được thư hỏa tốc của đồng chí Nguyễn Cúc - Bí thư Huyện ủy, tôi phải có mặt ở phía tây để tiếp nhận mệnh lệnh của trên và triển khai ngay cho toàn khu vực. Vậy mà giờ này vẫn còn ở đây. Hàng trăm câu hỏi vật lộn trong đầu.

 

Lúc này, trên cánh rừng khét lẹt mùi đạn pháo chỉ còn hai người là tôi và Dung, sau khi cả đoàn công tác buộc phải quay trở lại. Dung là thành viên của tổ giao liên trục phía tây quốc lộ 1. Dung nói với tôi là nếu anh Ba nhất quyết đi dù chỉ một mình thì em đưa thêm cho anh một quả lựu đạn nữa. Vì từ bây giờ cho đến khi giáp được anh em phía đông, không biết anh có gặp trở ngại nào nữa không? Nghe Dung nói mà lòng tôi xao động. Tôi hiểu nỗi lo lắng của Dung, bởi với em, với nhiệm vụ ở cung đường này biết bao lần em chứng kiến những nỗi đau xé ruột. Tôi thầm nghĩ, thì ra chiến tranh có quy luật riêng của nó liên quan đến sự mất còn mà mỗi người khó lòng đoán định được. Cả hai lặng đi như đang theo đuổi điều gì... Và rồi cũng không thể nán thêm được nữa, em chào tôi và cũng chỉ vài bước thôi em hoàn toàn mất hút trong bóng đêm mờ mịt. Lúc đó nhìn đồng hồ đã quá 22 giờ đêm.

 

Còn lại một mình, bây giờ mọi việc đều phải tự mình quyết định mà không còn ai để chia sẻ, trao đổi nữa. Từ việc đi lúc nào, hướng nào, đường nào để tiếp cận quốc lộ 1, đến việc dừng lúc nào, dừng ở đâu, tiếng động ấy phát ra từ đâu cũng phải tự mình xác định, tự mình phân tích. Căng thẳng mỗi lúc một bao trùm. Thế nhưng không còn cách nào khác là phải đi về phía trước. Mọi việc chỉ dừng lại khi mình không còn tồn tại.

 

Tôi cài chặt thêm quai ba lô để khi cần “lăn lê” cho gọn. Buộc chiếc quần dài lên cổ cho ấm. Kéo dây mũ thật sát cằm. Một tay cầm khẩu K59, đạn lên nòng, khóa an toàn mở. Khẩu súng mà Nguyễn Việt Dũng tặng lại tôi trước khi lên đường ra miền Bắc chữa bệnh. Còn tay bên kia nắm chắc quả lựu đạn M26 mà Dung vừa đưa. Lại nghĩ vui rằng, cái gì không cho mà lại cho lựu đạn. Vậy mà cái câu chuyện Dung tăng cường thêm cho tôi quả lựu đạn vào cái đêm không thể nào quên ấy lại là lần chia tay cuối cùng, bởi cũng chỉ thời gian ngắn sau, Dung cũng đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

 

Tôi bắt đầu di chuyển với ý thức cảnh giác cao độ nhưng luôn giữ bình tĩnh, tỉnh táo. Vừa đi chậm, vừa nghe ngóng mọi động tĩnh xung quanh. Nghe cái gì lạ là ngay lập tức dừng lại, ngồi xuống theo tư thế chủ động, định thần xem tiếng động đó phát ra từ đâu hoặc nếu có lặp lại thì đó là tiếng động gì? Tiếng cây khô gãy, tiếng đá lăn, tiếng gió xao động hay tiếng chân người. Tất cả đều phải tự mình quyết định. Việc như thế nếu có hai người trở lên thì không có gì phải rắc rối, phức tạp vì mỗi người sẽ bổ sung cho nhau điều mình nghe thấy và đưa ra dự đoán, còn chỉ một mình thì buộc phải tự hỏi lại mình rằng: nghe vậy, thấy vậy, có phải vậy không? Lại nghe lại lần nữa xem sao? Chính vì thế mà dù đoạn đường không dài lắm nhưng quả là hết sức cân não.

 

Tôi áp sát quốc lộ 1, đoạn dốc Bà Ền phần chếch về phía nam, cách vị trí “tao ngộ chiến” lúc chập tối khoảng một cây số. Lúc đó chừng 1 giờ sáng. Trời có mưa nhẹ hạt. Gió bấc thổi từng đợt, mặt đường nhựa ướt. Thi thoảng phía chi khu Tuy An phụt lên mấy quả pháo sáng le lói, vàng vọt. Thế nhưng cũng lại rất hay là tranh thủ lúc có pháo sáng tôi áp sát người xuống lề đường, hướng cặp mắt lên mặt đường nhựa phía đỉnh dốc cố xem có dấu hiệu gì khả nghi không. Đang chăm chú quan sát bỗng giật mình nghe có tiếng tằng hắng. Mà không phải. Đó là tiếng ho nhưng bị cố ý chẹn lại trong cổ. Tôi nghĩ ngay, vậy là có người, nhưng người của ai? Ta hay địch? Rồi cố định thần lại, nghe lại coi có động tĩnh gì nữa không, nhưng không nghe thấy gì nữa. Tất cả lại rơi vào im lặng. Tôi nằm thêm một chút, tiếp tục nghe ngóng trước khi quyết định lao qua đường. Định bụng nếu trên đường chạy qua mà mình phát hiện địch trước thì lập tức nổ súng và nhanh chóng quay trở lại, vì chắc chắn phía sau đoạn đường mình vừa đi qua sẽ không có bất kỳ tên địch nào, đó là tình huống đẹp nhất. Còn nếu địch phát hiện nổ súng trước và nhất là mình bị trúng đạn, bị thương thì nhất quyết là phải chiến đấu đến cùng, không để bị lọt vào tay chúng. Vì lọt vào tay chúng cũng đồng nghĩa với cái chết nhưng lại là cái chết của những cực hình không chê vào đâu được.

 

Và đúng 2 giờ kém 15 phút, tôi lao nhanh qua quốc lộ 1. Qua khỏi con lộ, tôi lẩn ngay vào mấy lùm bụi trên những đám rẫy hoang, từ đó nhanh như cắt đổ người trượt xuống triền dốc và bám ngay vào rãnh sâu cạnh đường sắt. Đường sắt nhiều năm tàu không chạy nên cỏ dại mọc um tùm. Lại nghe ngóng thêm chút nữa không thấy có gì nghi ngại, cuối cùng tôi quyết định băng qua Bầu Súng. Một quyết định mà cho đến bây giờ tôi vẫn thấy mình đúng. Vì nếu không băng qua Bầu Súng mà cứ men theo đường đất cặp đường sắt để về Phú Hòa rồi từ Phú Hòa lần dò tiếp cận căn cứ xã An Mỹ trong khi mọi thứ vẫn mù tịt thì tôi không thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Do vậy mà phương án tối ưu nhất vẫn là băng qua Bầu Súng theo hướng tây nam - đông bắc. Bầu có chiều dài khoảng 3 cây số, chiều rộng khoảng 1 cây số rưỡi, nằm vắt chéo, chia xã An Mỹ ra làm hai. Có điều, Bầu Súng mùa này nơi nào cạn, nơi nào sâu thì chỉ có trời mới biết, mà nước trong bầu thì đang mênh mông.

 

Tôi rịt ba lô thật chặt một lần nữa, chuẩn bị tư thế băng qua vùng nước sâu trong đêm đen dày đặc. Lúc này cái đáng ngại không phải là địch phục kích nữa mà chính là liệu sức mình có vượt qua nổi cái Bầu Súng đầu mùa mưa, đầy nước, đầy hầm hố và đầy cọc cừ be bờ - một giải pháp rất đặc trưng của việc trồng lúa đầy sáng tạo và hết sức ấn tượng ở vùng này. Vì thế, hàng vạn cọc cừ dưới Bầu Súng vẫn đang là nỗi ám ảnh, nó giống như một rừng chông giấu mình trong lòng nước. Và rằng với một địa hình phức tạp như thế thì việc bị vấp phải bờ ruộng, bị sụp hầm, sụp hố, bị xóc cọc bất ngờ trên đường đi là điều không thể tránh khỏi, và trong trường hợp đó không thể không ngoạm vài ngụm nước mỗi bận. Song điều đáng ngại còn lớn hơn cả việc phải uống nước bầu, đó là do bị sụp bất ngờ cho dù có đề phòng, nhưng theo phản xạ tự nhiên, tay chân, cơ thể buộc phải vùng vẫy và chính sự vùng vẫy đó sẽ làm mặt nước bị xao động mạnh và đó là dấu hiệu bất lợi, vì nếu có địch đang phục kích trên bờ, rất có thể sẽ bị chúng phát hiện và trong tình cảnh như thế thì chỉ còn biết “tự nguyện” làm “bia” cho chúng tha hồ nã đạn mà thôi. Suy tính kỹ để khi xuất hiện tình huống thì chủ động xử lý chứ không phải để thay đổi phương án - phương án vẫn là băng qua Bầu Súng “mùa nước nổi” mà thôi.

 

Tôi nhẹ nhàng bước xuống Bầu Súng, nước bạc đầu mùa mưa, quá lạnh. Bụng đói cồn cào. Tôi đi nhẹ, dò từng bước để làm quen. Bởi nếu đi quá nhanh, gặp bờ ruộng sẽ vấp ngã, còn nếu chậm quá lại cũng gay go vì sẽ không đủ thời gian vượt qua bầu trước khi trời sáng. Thế nhưng dù có dò dẫm cỡ nào cũng không làm sao tránh được những cú vấp ngã. Đã vấp là ngã, mà đã ngã là phải ực mấy ngụm nước. Nhiều lần như vậy, mệt quá, tôi phải dừng lại lấy sức rồi đi tiếp. Có điều, tôi cũng không ngờ rằng nước trong bầu mỗi lúc một sâu, bắt đầu chỉ tới bụng rồi dần tới ngực và cuối cùng là chập chờn ngang cổ. Song bất ngờ nhất là khi đến giữa Bầu Súng thì không tài nào đi được nữa vì nó quá sâu. Do vậy dù rã rời đôi chân, tôi vẫn phải bơi. Ba lô, võng bọc, quần áo, khẩu súng ngắn, lựu đạn... cứ vậy đè kéo người mình xuống. Tôi nghĩ chắc là mình sẽ không vượt qua nổi. Đuối sức quá rồi, trong khi không biết đoạn còn lại ở phía trước là bao nhiêu nữa. Song ý nghĩ phải ráng lên, cố lên, đạp chân, huơ tay vùng vẫy và thật quá may hai bàn chân chạm được vào bờ ruộng. Biết thế là không chết. Đứng dậy thở lấy sức. Lúc này nước càng ngấm cộng với cái đói càng làm cho người tôi như rã ra hàng trăm mảnh. Tôi ngước mắt nhìn trời rồi nhìn xung quanh để xác định chính xác hướng đi tiếp. Trời lúc này cũng bắt đầu có ánh sáng. Như vậy, điểm tiếp cận mà tôi quyết định là đoạn cuối của dãy núi Phú Hòa, cách rìa phía bắc Giai Sơn chừng 50m, theo hướng đó thẳng tới. Khẩu K59 nằm gọn trong tay, tay trái vẫn cầm quả lựu đạn với tư thế sẵn sàng khi áp sát bờ đất. Rất may mọi phía đều yên tĩnh. Tôi cài quả lựu đạn vào thắt lưng, bám bờ đất rồi leo lên mép đường dọc rìa núi. Xong đâu đấy lại áp người xuống, nghe ngóng động tĩnh, thấy lặng liền nhanh chóng đứng dậy đạp nhanh qua mấy bờ ranh mà hàng ngày vẫn đi để từ đó tiếp cận nơi ở như dự định. Nhìn đồng hồ lúc này hơn 4 giờ sáng.

 

Tôi cảnh giác chỉa khẩu K59 vào trại trong một tâm trạng bất ổn, vì phía trước và xung quanh trại, nồi niêu, xoong chảo bị đập móp méo vứt ngổn ngang, cơm cá đổ đầy trong cỏ dại, mấy tấm tôn, mấy tấm nilon bị băm xé từng mảnh... Rõ ràng là có sự cố như tôi nhận định. Vì chỉ cách đây mấy ngày, trước khi tôi rời vị trí này mọi việc nói chung đều ổn, ăn, ở, đâu đó hết sức tươm tất, gọn gẽ, thế mà lúc này trông thật tan hoang. Vừa cảnh giác, vừa cất tiếng gọi rất đanh nhưng rất khẽ: Anh Thạnh... anh Thạnh... Nhưng bên trong vẫn im lặng. Tiếp đó mấy tiếng nấc cụt phát ra rồi tiếp theo là tiếng két két khi người nằm trên võng nilong dũi hoặc co chân... Tôi chuyển nép vào gốc cây dúi và kêu to hơn: Anh Thạnh, anh Thạnh... Lập tức bên trong trại, anh Thạnh lên tiếng ờ! Thoại hả? Nghe tiếng anh Thạnh, quả thật, mừng không thể nào tả được. Tôi mang ba lô ướt đẫm, cứ thế xộc vào trại. Lúc này cả trại đều thức giấc, ngoài anh Ngô Công Thạnh, Bí thư xã An Mỹ, còn có chú Bảy Dính, kinh tài và anh Kỳ giao liên trục phía đông quốc lộ 1. Thấy người tôi ướt đẫm, anh Thạnh hỏi: Bây giờ thế nào? Đói không? Tôi nói là quá đói nhưng còn chuyện ngủ nghỉ thì sao, vì từ võng bọc đến quần áo, tất cả đều đẫm nước, bởi vì suốt đêm phải lội qua Bầu Súng. Anh Thạnh bảo: Thôi Thoại tạm nằm chung võng với mình, đối mông nhau mà ngủ. Cố gắng ngủ một chút lấy sức, chứ ở đây, bây giờ không có thứ gì để ăn đâu. Dẫu vậy, tôi vẫn tranh thủ hỏi anh Thạnh mấy điều đang chưa lý giải được.

 

(Còn nữa)

 

Tự truyện của đồng chí Vũ Văn Thoại

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chúng tôi là chiến sĩ
Chủ Nhật, 22/06/2014 15:00 CH
Góp phần đánh bại chiến dịch Át - lăng
Thứ Sáu, 20/06/2014 08:33 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek