B15 là Trung đội Đặc công đầu tiên của tỉnh Phú Yên, được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ quân số của lực lượng dân quân tập trung của 7 phường nội thị Tuy Hòa do đồng chí Trần Thành Tâm, làm Trung đội trưởng và đồng chí Nguyễn Chát, làm Trung đội phó. Những ngày đầu mới thành lập với bao khó khăn chồng chất nhưng B15 với cách đánh “xuất quỷ nhập thần” đã lập nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt trong chiến dịch Át - Lăng, B15 đã ghi tên mình bằng nhiều chiến công hiển hách như những nét son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của tỉnh Phú Yên.
Chùa Ông - nơi cách đây 60 năm là Sở chỉ huy của Pháp - Ảnh: H.ANH
Trong chiến dịch Át - Lăng, B15 đã sát cánh cùng với các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh kìm chân địch, không cho giặc Pháp tiến quân như ý định ban đầu của chúng là đánh chiếm TX Tuy Hòa trong vòng 1 ngày. Theo lệnh của cấp trên, B15 có nhiệm vụ đánh địch lấn ra vùng ven và bắt liên lạc với cơ sở bên trong. Để tổ chức đánh địch, B15 đã đặt đài quan sát ở núi Chóp Chài. Sau một thời gian theo dõi và nắm tình hình địch, vào khoảng tháng 3/1954, B15 bố trí trận địa đánh thắng nhiều trận chặn đường tiếp viện của địch bằng xe cơ giới tại Màng Màng, Phú Vang, xã Bình Kiến (TX Tuy Hòa) nay là TP Tuy Hòa. Sau những trận thắng liên tiếp, địch nhận thấy sự lợi hại của Trung đội Đặc công B15 nên chúng tìm cách tiêu diệt. Khoảng đầu tháng 4/1954, địch dùng 1 đại đội cùng 1 cối 81 bí mật tập kích vào căn cứ đóng quân của B15 ở thôn Thọ Vức (xã Hòa Kiến). Địch đã dùng cối bắn dồn dập vào nhà dân làm 2 đồng chí bị thương và 1 đồng chí hy sinh, phá hoại nhiều tài sản và hoa màu của nhân dân. Sau khi Quân khu 5 có quyết định chính thức thành lập Trung đội Đặc công, Bộ Tư lệnh Quân khu cũng điều động đồng chí Lê Đức Tân, quê ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa) đang hoạt động ở Đắk Lắk về huấn luyện kỹ chiến thuật và cách đánh đặc công cho cán bộ chiến sĩ B15. B15 nhanh chóng hành quân lên thôn Đồng Hòa (xã Hòa Quang Bắc) đóng quân và khẩn trương tập luyện theo sự hướng dẫn của đồng chí Lê Đức Tân. Chỉ sau 1 tuần được học các kỹ thuật đặc công, đơn vị đã tổ chức đánh trận công kiên đầu tiên với 1 đại đội bảo an của Pháp đóng ở chùa Hồ Sơn (TX Tuy Hòa). Ban chỉ huy B15 đã cử 7 đồng chí: Lê Đức Tân, Trần Thành Tâm, Trần Long, Bùi Văn Đạo, Nguyễn Văn Để, Trần Văn Trúc, Nguyễn Chát đi đánh trận này. Sau khi tìm nhập và điều tra để nắm quân số, phương tiện, vũ khí, công sự cũng như cách bố trí lực lượng của chúng thì được biết, đại đội này có khoảng 60 tên. Đồn bốt được xây dựng khá kiên cố, ở giữa đồng ruộng rất trống trải. Xung quanh đồn được rào 3 lớp dây kẽm gai, bên trong chúng cho xây 3 lô cốt, thường xuyên bố trí 1 tiểu đội đi tuần rất nghiêm ngặt, trong khi đó vũ khí của ta còn quá sơ sài. 7 đồng chí đi đánh nhưng chỉ được trang bị 1 khẩu súng tiểu liên, 1 khẩu cạc bin (lấy được của Pháp trước đó), chủ yếu là dùng bộc phá tự tạo và thủ pháo. Đi đánh trận này, 7 chiến sĩ đặc công được chia thành 2 tổ do đồng chí Lê Đức Tân và Trần Thành Tâm làm tổ trưởng đã hành động lúc đêm tối, bò theo bờ ruộng, lợi dụng địa hình địa vật như các trụ rơm của dân và các ụ đất để tiến vào đồn giặc… Trận đánh diễn ra chóng vánh, chủ yếu dùng chiến thuật: Đánh từ trong đánh ra, xuất quỷ nhập thần và đã đánh thắng. Sáng hôm sau, trinh sát đi nắm tình hình và được biết bọn Pháp tổn thất rất lớn: hàng chục tên bị tiêu diệt, 1 lô cốt bị đánh sập.
Nhận thấy B15 với lối đánh “xuất quỷ nhập thần” và thu được kết quả tốt, Quân khu 5, Tỉnh đội Phú Yên đã giao trách nhiệm đơn vị B15 chủ đạo đánh vào Sở chỉ huy của Pháp đóng ở TX Tuy Hòa. Sau khi nắm tình hình, tin tức từ cơ sở cách mạng, Ban chỉ huy Trung đội Đặc công Phú Yên nhận thấy, đây là trụ sở của bọn chỉ huy Pháp được chúng xây dựng rất kiên cố với nhiều lớp hàng rào kẽm gai dày đặc cùng với hệ thống bố phòng chặt chẽ. Để bảo vệ cho sở chỉ huy đóng tại chùa Ông dưới chân núi Nhạn, giặc Pháp cho xây dựng nhiều căn cứ cố thủ, thường xuyên có quân án ngữ chung quanh theo nhiều hướng trên địa bàn TX Tuy Hòa. Trong khi đó, lực lượng quân ta rất mỏng, chỉ có B15 với quân số chưa tới 30 người. Vì vậy, Quân khu 5 đã tăng cường một B thiếu đặc công do đồng chí Nguyễn Đoàn, đại đội phó chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương cùng tham gia đánh trận này. Quân ta chia thành 6 mũi tiến công đánh vào căn cứ của địch đóng tại các địa điểm như sân bay Chóp Chài và cứ điểm cạnh nhà thờ Thiên Chúa Giáo; ga Tuy Hòa; lô cốt đầu cầu Ông Chừ; núi Chẻ, sát chân núi Nhạn; Sở chỉ huy địch tại chùa Ông và 1 mũi đánh vào kho xăng, bãi xe. Trận này do đồng chí Nguyễn Đoàn chỉ huy. Đồng chí Lê Văn Đại được giao nhiệm vụ cắm cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Tháp Nhạn. Sau khi tìm nhập, 6 mũi bí mật tiến vào các căn cứ địch. Đúng giờ, mũi do đồng chí Nguyễn Đoàn, bắn pháo hiệu. Chỉ sau 10 phút nổ súng tấn công, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thế trận. Riêng tại kho xăng của địch (phía sau Nhà Văn hóa Diên Hồng bây giờ) do tổ của đồng chí Nguyễn Chát, B phó B15 chỉ huy đã dùng bộc phá đốt cháy kho xăng. Tại bãi xe của chúng (bây giờ là Công viên Diên Hồng) do mũi của đồng chí Lê Đức Tân chỉ huy cũng đã tiêu diệt, đốt cháy 150 chiếc xe GMC của giặc sau khi đánh tiêu diệt căn cứ địch ở ga Tuy Hòa. “Lúc đó chúng tôi được chứng kiến bọn Pháp rối loạn hàng ngũ, hoảng hốt bỏ chạy. Nhìn lên đỉnh Tháp Nhạn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, lửa từ kho xăng và bãi giữ xe của chúng bốc lên sáng rực cả bầu trời, chúng tôi sung sướng vô cùng”, cựu binh Trần Công Khánh nói.
Từ một trung đội đặc công đầu tiên vừa mới được thành lập, B15 tham gia chiến đấu càng đánh càng mạnh, cùng với các đơn vị bộ đội địa phương đánh tan cuộc hành quân mang tên Át - Lăng của giặc Pháp, góp phần chia lửa với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của các cựu chiến binh Trung đội Đặc công trong kháng chiến chống Pháp)