Thứ Sáu, 20/09/2024 23:40 CH
Nhớ một thời làm cán bộ phụ nữ
Thứ Sáu, 22/11/2013 12:16 CH

Là cán bộ hội phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng kinh qua nhiều thử thách, khó khăn gian khổ nhưng bà và nhiều đồng đội đã vượt qua để lãnh đạo phong trào đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang trước quân thù.

 

bale131122.jpg

Bà Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: H.ANH

SUÝT BỊ ĐỊCH BẮT SỐNG

 

Gần 80 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, là một thương binh nặng, ký ức của người phụ nữ này luôn hiện hữu những ngày tháng chiến đấu vẻ vang và rất đỗi tự hào của lực lượng phụ nữ Phú Yên trong những tháng năm khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước… Bà là Nguyễn Thị Lệ, nguyên Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên từ năm 1973-1975. Hiện bà đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại phường 4, TP Tuy Hòa.

 

Năm 1955, bà Lệ tham gia hoạt động cách mạng, là một cơ sở mật. Nhiệm vụ chính của bà là cán bộ liên lạc đưa thư từ cho huyện ủy viên hoạt động hợp pháp trong dân; đưa đón cán bộ Huyện ủy Tuy Hòa. Năm 1956, bà bị địch bắt và giam cầm tại nhà giam khu chiến (TX Tuy Hòa). 3 năm liên tục (từ 1957-1959) bà được thả rồi lại bị địch bắt tiếp nhưng do không thể buộc tội, địch phải thả bà. Tháng 12/1960 không thể để bà tiếp tục hoạt động hợp pháp, tổ chức đã điều động bà thoát ly lên chiến khu và nhận công tác mới tại Văn phòng Huyện ủy Tuy Hòa. Sau này bà được Tỉnh ủy rút về làm công tác thanh niên vào năm 1968. Năm 1969, bà được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, làm cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong quãng thời gian dài tham gia hoạt động cách mạng, bà có nhiều kỷ niệm khó quên…

 

Năm 1972, lúc này bà là Phó hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh. Bà và 2 đồng chí Hiền, Phó bí thư Nông dân (nay gọi là Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh); đồng chí Nhĩ, Phó bí thư Đoàn Thanh niên (nay gọi là Phó bí thư Tỉnh đoàn) đi công tác xuống địa bàn TX Tuy Hòa. Sau đó, trên đường trở về cơ quan để kịp tham gia học nghị quyết thì bị địch phục kích khi bà và 2 đồng chí Hiền và Nhĩ vừa đi đến dốc Đồng Hòa (xã Hòa Quang Bắc). Do địch phục kích quá bất ngờ, 2 đồng chí Hiền và Nhĩ đã hy sinh. Thấy bà là một phụ nữ, bọn địch muốn bắt sống cho bằng được nhưng bà đã dũng cảm nhằm thẳng vào bọn chúng “quét” liên tục 14 viên đạn... Bị chống trả, bọn địch vội vàng nằm xuống tránh đạn và bà đã kịp thời trốn thoát…

 

LÃNH ĐẠO QUẦN CHÚNG ĐẤU TRANH

 

Có một chuyện bà còn nhớ như in, đó là lúc bà nhận công tác tại Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Tuy Hòa đã diễn ra cuộc đấu tranh rất lớn của quần chúng nhân dân đấu tranh trực diện với quân thù giành thắng lợi. Vào năm 1965, ta có chủ trương điều động một lực lượng lớn học sinh từ các xã trong tỉnh chủ yếu từ 11 đến 15 tuổi chuẩn bị đưa ra Bắc đi học. Thời điểm này, do phải chờ để đi nên tất cả học sinh được tập trung về Trường Chân Bầu (xã Hòa Thịnh) để tiếp tục học tập. Bọn địch đánh hơi thấy, chúng lại tưởng rằng ta tập trung quân ở đây chuẩn bị cho một trận đánh tiêu diệt chúng. Vì vậy, chiều 28/8/1965, địch vội vàng điều động máy bay thả bom liên tục trong thời gian khoảng 1 giờ làm 11 người bị thương và 8 người chết. Nhân sự kiện này, Ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị huyện và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Tuy Hòa đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh ra nhiều yêu sách buộc địch phải chấp hành. Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức nhiều đoàn biểu tình đi đấu tranh và được chia thành nhiều cánh. Một cánh từ xã Hòa Thịnh, Hòa Tân, Hòa Đồng đi xuống đường 5. Cánh này khi đi đã khiêng 11 thương binh và 8 người bị chết nhằm tố cáo tội ác của địch. Một cánh khác từ xã Hòa Phong, Hòa Bình đi xuống đường 7 để phối hợp với lực lượng đấu tranh chính trị của huyện Tuy Hòa 2. Còn một cánh từ xã Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân đi về quốc lộ 1. Tất cả các đoàn có tới hàng ngàn người trong toàn huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 tập trung về tỉnh để biểu tình, đấu tranh trực diện với kẻ thù hơn một ngày ròng rã. Trước những lý lẽ sắc bén của quần chúng và chứng cứ về tội ác của địch, 11 người bị thương đã được đưa vào bệnh viện chữa trị và chúng phải chấp nhận bồi thường tiền bạc cho những người bị chúng bắn chết. Ngoài ra, bọn địch phải hứa trước đông đảo quần chúng nhân dân không để máy bay bắn phá vào làng, vào vùng giải phóng.

 

VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG GÓP GẠO NUÔI QUÂN

 

“Hồi đó nếu nghe tin có bộ đội chủ lực về làng chiến đấu là quần chúng nhân dân mừng lắm, vì thế cán bộ hội phụ nữ chúng tôi rất dễ dàng khi đi vận động quần chúng góp gạo nuôi quân”, bà Lệ cười nói. Lúc đó nhiều chị, nhiều mẹ lo lắng chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bộ đội ăn no để đánh giặc như nấu cơm vắt rồi tiếp tế lên tận trận địa. Không những lo lắng lương thực, thực phẩm trong những ngày bộ đội về làng chiến đấu, các chị, các mẹ còn chuẩn bị gạo, muối để quân ta có lương thực đem đi bằng cách thực hiện phong trào Hũ gạo tiết kiệm để nuôi quân và phong trào này đã phát triển rất tốt. Ngoài ra, phụ nữ còn đảm nhiệm nhiều công tác khác như tổ chức các trạm y tế dã chiến để cứu chữa thương binh…

Nay tuổi cao sức yếu, bà Lệ sống cuộc sống bình dị giữa đời thường cùng vợ chồng người con gái út. Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, bà kể lại những mẩu chuyện nhỏ như nhắc nhớ về một thời gian khổ, ác liệt nhưng các mẹ, các chị đã dũng cảm vượt qua, góp phần mình vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về thăm Nhà thờ Bác Hồ
Thứ Sáu, 22/11/2013 15:00 CH
Tiểu đoàn 375: Trận đầu thắng lớn
Thứ Sáu, 08/11/2013 08:45 SA
Đánh bại chiến dịch Át-lăng
Thứ Sáu, 25/10/2013 08:02 SA
Bên bờ sông Ba
Chủ Nhật, 20/10/2013 14:10 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek