Những năm qua, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Phú Yên đã tích cực đưa nghệ thuật điện ảnh về phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số.
Khán giả say sưa xem phim - Ảnh: H.T.THỐNG
Mỗi đội chiếu phim lưu động được phân công đảm nhận phục vụ riêng rẽ trên địa bàn một huyện. Trang thiết bị từ máy chiếu đến âm thanh là những thiết bị đã “già cỗi”, chưa được đầu tư đồng bộ (nếu không muốn nói là quá lạc hậu) vì được mua sắm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, các đội chiếu bóng phải “tự lực” vận chuyển thiết bị bằng cách tự thuê phương tiện thô sơ (cộ bò, xe công nông) hoặc dùng xe máy cá nhân trong mỗi lần chuyển điểm (có nơi phải khuân vác) đến phục vụ tận các thôn, buôn; phương tiện thông báo, tuyên truyền chưa tốt nên chất lượng phục vụ, sức thu hút người xem trong các buổi chiếu chưa cao làm cho công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có phần còn hạn chế.
Nhận thấy điều đó, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng nghiên cứu thay đổi mô hình, phương thức phục vụ. Đó là việc dùng xe chuyên dụng tập trung vận chuyển cùng lúc 4 đội về một xã, phân bổ mỗi đội phục vụ một thôn, buôn; tăng cường mua sắm, trang thiết bị máy chiếu, nâng cấp hệ thống âm thanh có chất lượng cao, thay thế những thiết bị chiếu kém chất lượng; thiết kế màn ảnh rộng có thể lắp đặt cho mọi địa hình. Ngoài ra, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng còn khai thác bổ sung nguồn phim hay, hấp dẫn có nội dung phù hợp với nhu cầu của đồng bào dân tộc các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa; chú trọng nội dung tuyên truyền trước các buổi chiếu phim, đảm bảo nguồn phim tuyên truyền sự kiện chính trị, nhất là các đợt chiếu phim kỷ niệm những ngày lễ lớn như: 30/4, 1/5, 19/5, 27/7, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9...
Mô hình chiếu phim tập trung trên cùng một địa bàn xã được sử dụng xe chuyên dùng để tổ chức tuyên truyền về buổi chiếu rộng khắp trên địa bàn xã và vận chuyển trang thiết bị chiếu phim đến các thôn, buôn đã tạo được tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp kỹ thuật. Các buổi chiếu đã có sức hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt người xem, buổi chiếu đáp ứng được nhu cầu xem phim của nhân dân tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Qua đó, công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với người dân cũng được thuận lợi hơn.
Mô hình mới này có sự gắn kết giữa trung tâm với bộ phận văn hóa, thông tin các huyện, xã. Thông qua kế hoạch tổ chức, các điểm chiếu và nội dung chương trình trong từng đợt phim được gửi trước cho địa phương nên sự phối hợp giữa đội phim và điểm chiếu luôn đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người xem phim. Mặt khác, trên một địa bàn xã đồng loạt có nhiều điểm cùng chiếu một bộ phim đã gây sự chú ý cho người xem và hình thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mỗi khi có đội chiếu về phục vụ các thôn, buôn. Phương thức này thu hút được số đông người dân đến xem phim và được lãnh đạo các địa phương đánh giá cao về hiệu quả và chất lượng phục vụ. Mô hình mới này còn làm cho các đội chiếu phim có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, thuận lợi trong tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp xử lý những sự cố kỹ thuật có thể xảy ra trong buổi chiếu; công tác quản lý, điều hành các đội chiếu phim lưu động cũng được tập trung hơn và nhất là kịp thời trao đổi, truyền đạt thông tin giữa lãnh đạo trung tâm và các đội đang thực hiện buổi chiếu ở cơ sở.
Tuy nhiên, để phát huy tốt công tác chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; ngoài sự sáng tạo, năng động, trung tâm cần phải nỗ lực hơn nữa trong tổ chức, quản lý hoạt động chiếu phim, khai thác các nguồn phim hay, mới, hấp dẫn; chú trọng và đảm bảo phong phú nguồn phim tài liệu cho công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Sắp đến, trung tâm sẽ thí điểm khai thác nguồn phim tài liệu tuyên truyền những tiến bộ khoa học trong sản xuất, kinh doanh, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các mặt đời sống xã hội... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống của người dân, nhất là nhân dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Để làm tốt những ý tưởng trên, công tác chiếu phim lưu động rất cần sự quan tâm của lãnh đạo Sở VH-TT-DL Phú Yên trong bổ sung nhân sự và đầu tư kinh phí... để các đội chiếu phim lưu động thật sự có đủ năng lực phục vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở VH-TT-DL Phú Yên, chắc chắn công tác chiếu phim lưu động sẽ có bước phát triển mới, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
VÕ XUÂN THỐNG
Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Phú Yên