Với người Việt, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, ghi dấu ngày nên duyên chồng vợ. Đám cưới ngày nay tuy có khác xưa, song vẫn còn đó ý nghĩa thiêng liêng về sự gắn kết hai con người trong một mái ấm gia đình.
Một đám cưới quê - Ảnh: M.CHÂU
Cưới hỏi là nghi lễ thiêng liêng, trọng đại của đời người nên dân gian vẫn gọi là “việc trăm năm”. Người xưa quan niệm hôn nhân nhằm duy trì gia thống, vì vậy dựng vợ gả chồng cho con cái là việc chung của cả gia tộc. Trước khi một người con trai và một người con gái đi đến hôn nhân, họ hàng hai bên đã chọn lựa, cân nhắc kỹ càng, với mong muốn đôi uyên ương sẽ hoàn thành trách nhiệm “vĩnh truyền tông tộc” và mối lương duyên đó sẽ bền chặt cho đến khi đầu bạc răng long.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chuyện dựng vợ gả chồng cho con phụ thuộc vào cha mẹ. “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Khi con trai đến tuổi trưởng thành, cha mẹ “nhắm” nhà nào có con gái mà “môn đăng hộ đối” thì nhờ mai dong đến nhà gái thưa chuyện. Nếu bên gái đồng ý, nhà trai sẽ có lễ viếng nhà; chàng trai đi theo để “coi mắt vợ”. Sau lễ dạm, lễ ăn hỏi (có trầu cau, rượu để thưa chuyện với nhà gái) là đến lễ nạp tài: nhà trai nạp sính lễ theo lời thách cưới của nhà gái. Nếu không có gì thay đổi, sau lễ nạp tài, gia đình hai bên chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới.
Khi nhà trai đi rước dâu, chàng rể mặc áo dài, đầu đội khăn đóng; cô dâu mặc áo dài đội khăn xếp, có các phù dâu, phù rể đi cùng. Hai bên làm lễ gia tiên xong, cha mẹ, họ hàng tặng vòng vàng, tiền bạc… cho cô dâu chú rể, sau đó dự tiệc tại nhà.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trai gái tự tìm hiểu nhau rồi thưa với cha mẹ, nếu được đấng sinh thành đồng ý thì đi đến hôn nhân. Thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống mới, chuyện trăm năm trong thời kỳ này không cần đến mai dong, cũng không nhiều lễ như trước. Nhà trai đến nhà gái thưa chuyện, cha mẹ nhà gái gọi con ra hỏi ý kiến, nếu con đồng ý thì hẹn ngày làm lễ cưới. Theo nếp sống mới, nhà gái không thách cưới, chỉ sắm một bộ quần áo mới cho cô dâu và chuẩn bị một ít tiền để tổ chức đám cưới. Trong thời kỳ này, đám cưới khá đơn giản với tiệc trà, bánh kẹo. Ngày đôi trẻ thành vợ chồng, gia đình hai bên mời chính quyền địa phương đến chứng kiến cùng bà con hai họ. Chàng rể mặc đồ âu, nếu là bộ đội thì mặc quân phục; cô dâu mặc áo bà ba trắng, quần đen. So với các thời kỳ, đám cưới trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp là đơn giản và ít tốn kém nhất.
Trải qua bao thời gian cùng những đổi thay của cuộc sống, đám cưới ngày nay đã khác xưa, song vẫn còn đó ý nghĩa thiêng liêng về sự gắn kết hai con người trong một mái ấm gia đình. Ngày nay, quyền quyết định việc trăm năm phần lớn về đôi uyên ương chứ không còn quá phụ thuộc vào họ tộc. Việc nam nữ kết hôn được quy định rõ trong Luật Hôn nhân - Gia đình; hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu và sự tự nguyện. Sau một thời gian yêu nhau, tìm hiểu…, đôi trai gái đến UBND xã (phường) làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau đó, gia đình hai bên chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ hỏi, lễ cưới cho con.
Dù ít nhiều đổi thay, song đám cưới ngày nay vẫn giữ những phong tục, nét đẹp truyền thống. Và, giống như xưa, trong mâm lễ vật cưới không thể thiếu trầu cau. Người Việt có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Trầu cau thể hiện sự gắn kết bền chặt của đôi uyên ương.
Ngoài trầu cau, sính lễ còn có đường, bột, trà, rượu và bánh trái, đặc biệt là bánh phu thê và các loại “trái cây” được làm bằng bột đậu giống y như thật, thể hiện tài khéo léo của cánh phụ nữ.
Bên cạnh lễ cưới truyền thống, gia đình cô dâu chú rể còn tổ chức tiệc cưới để ra mắt bà con hai họ, người thân và bạn bè. Ở các đô thị, tiệc cưới thường diễn ra tại nhà hàng còn ở nông thôn, tiệc cưới được tổ chức tại nhà. Nhà gái nhà trai một phen tất bật nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui.
NGÔ SAO KIM