Thứ Ba, 26/11/2024 17:44 CH
Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông:
Mỗi bộ phim có một đời sống riêng
Thứ Năm, 30/05/2013 15:00 CH

Một nhà quay phim kỳ cựu, một đạo diễn phim tài liệu luôn trăn trở với nghề. Đó là Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông, người mà dẫu chỉ gặp một lần thì cũng có nhiều điều để nhớ về ông.

 

Luong130530.jpg

Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông chia sẻ kinh nghiệm làm phim tại lớp đạo diễn phim tài liệu và phóng sự truyền hình ở Phú Yên - Ảnh: Y.LAN

* Khi đang là sinh viên Trường đại học Điện ảnh, ông cùng các thầy và bạn học lên đường vào Nam với nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh sống động, quý giá về Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên đi qua cầu Hiền Lương nơi quê cha, cảm xúc của ông như thế nào?

 

- Lúc đó tôi khoảng 20 tuổi, là sinh viên Trường đại học Điện ảnh Việt Nam, một trong những quay phim trẻ nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi nhận lệnh tham gia chiến dịch, chúng tôi có cảm xúc rất khó tả vì đấy là công việc lớn lao, và mình chưa biết phía trước sẽ như thế nào với khói lửa, súng đạn… Chúng tôi hào hứng lên đường. Và quả thật, cảm xúc khi đi qua cầu Hiền Lương, tôi không bao giờ quên được. Vì tôi biết bên kia là Quảng Trị - quê cha tôi. Đi qua quê cha thì đến quê mẹ; mẹ tôi là người Huế. Đấy là cảm xúc rất mạnh khi xe lăn bánh qua cầu Hiền Lương. Khi đến đây, ai cũng dừng lại. Chúng tôi cũng dừng lại một lúc để ngắm cây cầu. Tôi cảm thấy mình là người may mắn. Trong gia đình, tôi là người đầu tiên đi qua cầu Hiền Lương. Bây giờ rất khó miêu tả cảm xúc lúc đó nhưng quả thực rất xúc động. Tâm trạng xốn xang, tôi không biết ông bà ở quê như thế nào; các bác, các anh chị tôi như thế nào. Khi đi qua cầu, mọi chuyện rõ dần rõ dần…

 

* Có phải vì rất nhiều cảm xúc đối với quê cha mà sau này, ông thường về Quảng Trị làm phim?

 

- Ba mẹ tôi gặp nhau ở Thái Lan, và anh em tôi được sinh ra ở đó. Năm 1962, chúng tôi trở về Việt Nam. Khi lớn lên, ai cũng hướng về quê mình. Quê tôi là vùng đất nhiều gian khổ với nắng gắt, gió Lào, cát trắng. Người dân quê tôi rất vất vả. Khi trở thành một người làm phim dày dặn, trở thành đạo diễn rồi, tôi nghĩ mình phải làm phim về vùng đất mà cha tôi đã đi từ đấy. Ai cũng hướng về quê mình. Tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó, và cách tốt nhất là làm chính bằng nghề của mình.

 

Tôi muốn thể hiện câu chuyện ở một vùng đất có thể nói là khắc nghiệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ; khắc nghiệt về thời tiết, về số lượng bom đạn mà nơi đây phải hứng chịu. Khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đi qua Quảng Trị, tôi nhìn thấy xe tăng, lô cốt của Mỹ - ngụy để lại và biết rằng đây là vùng chiến tranh khốc liệt. Anh trai tôi hy sinh ở Quảng Trị, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Gia đình vẫn canh cánh trong lòng việc trọng đại là tìm hài cốt của anh tôi. Tuy nhiên cho đến bây giờ, thông tin vẫn rất ít, rất khó tìm…

 

Sau khi trò chuyện với người dân quê tôi, với các đồng nghiệp ở Quảng Trị, tôi nghĩ đến đề tài về những người con được sinh ra trong cuộc chiến. Họ đã lớn lên như thế nào, suy nghĩ như thế nào về những người cha của mình? Và quan trọng nhất là họ nghĩ như thế nào về quê cha đất tổ của họ ở miền Bắc? Có người hạnh phúc khi tìm được cha, có người không tìm được, có người thậm chí không biết quê cha ở đâu. Điều đó làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi suy nghĩ trong mấy năm và tìm ra câu chuyện để làm phim.

 

* Ông đã quay những bộ phim tài liệu nổi tiếng như Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm khùng… Trở thành đạo diễn, ông có những bộ phim được dư luận chú ý và đồng nghiệp đánh giá cao, như: Đất tổ quê cha, Chữ trên sóng, Chuyện của mọi nhà… Điều gì làm ông tâm đắc nhất sau bao năm gắn bó với phim tài liệu?

 

- Nghề làm phim tài liệu có một điều thú vị là được gặp những nhân vật có thật trong cuộc đời chứ không phải trong truyện, gặp những tình huống éo le trong cuộc đời. Mỗi bộ phim để lại những dấu ấn riêng. Tuy nhiên đối với tôi, những nhân vật trong phim Đất tổ quê cha là ấn tượng nhất. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ mối liên hệ rất thân thiết với họ. Họ cũng rất yêu quý chúng tôi. Mỗi lần đi công tác ngang qua Quảng Trị, chúng tôi vẫn ghé lại thăm họ, xem thử cuộc sống họ thay đổi như thế nào…

 

* Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước nói rằng mỗi lần làm phim tài liệu là một lần nạp vào rất nhiều thứ. Song bên cạnh việc nạp vào thì người làm phim cũng trải ra rất nhiều. Có bao giờ ông cảm thấy mỏi gối chồn chân sau nhiều năm lên rừng xuống biển làm phim tài liệu?

 

- Nghề làm phim nó vậy, không phải lúc nào cũng đạt được điều gì đấy như mình muốn. Cũng có những trắc trở, chông gai trên đường đi của mình. Nghề nào cũng vậy, chẳng có nghề nào suôn sẻ. Đôi lúc mình cũng buồn vì nghề. Có những bộ phim tài liệu mà chúng tôi làm với rất nhiều thời gian, rất trau chuốt nhưng rất khó đến với khán giả. Đấy là hiện thực ngoài tầm tay của chúng tôi. Chúng tôi là những người làm phim, còn việc phát hành phim như thế nào thì lại khác. Cho nên câu chuyện mình muốn kể với người xem thì đôi khi rất lâu khán giả mới được xem, hoặc là bộ phim ấy chỉ dự một vài liên hoan rồi chìm đi. Tuy nhiên, mỗi bộ phim có một đời sống riêng, mình không trách ai cả, có thể vì phim của mình làm chưa hay, chưa thỏa mãn người xem.

 

* Còn có một nguyên nhân khác là đường đến với công chúng của phim tài liệu rất gập ghềnh.

 

- Đương nhiên. Nhưng đầu tiên thì mình tự trách mình đã. Và còn rất nhiều chuyện để bàn. Nhà nước rất quan tâm đến ngành Điện ảnh, nhưng hiện thực của ngành thì vẫn còn nhiều khó khăn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nhà quay phim, đạo diễn Vương Khánh Luông (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đã thực hiện hơn 100 bộ phim tài liệu và phóng sự, trong đó có những phim nổi tiếng như Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (đạo diễn Trần Văn Thủy, quay phim Vương Khánh Luông), đoạt giải Phim ngắn hay nhất tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 12; Chị Năm khùng (đạo diễn Lại Văn Sinh, quay phim Vương Khánh Luông), đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 44.

 

Ở vai trò đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông có phim Đất tổ quê cha kể về hành trình ra Bắc tìm cha của những đứa con được sinh ra trong khói lửa chiến tranh, có cha là bộ đội giải phóng, mẹ là du kích ở đất lửa Triệu An. Phim đoạt giải Cánh diều bạc tại lễ trao giải Cánh Diều năm 2009 và đoạt Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 16.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek