…Trong mơ, Nhân thấy mình đang ngất ngây giữa đầm sen quê ngoại. Trên cành sen, một chú chim nhìn Nhân cười rúc rích, bỗng tiếng sấm nổ rền làm Nhân hoảng hồn tỉnh giấc... Bên ngoài trời đang mưa to. Một con chích chòe lửa bằng cách nào đó đã lọt vào phòng ngủ của Nhân, đang run rẩy giữa sàn nhà. Trời ạ! Con chim của ông Mười nhà bên cạnh! Nhân trố mắt ngạc nhiên…
Ảnh: Internet
* * *
Ông Mười vốn là một cán bộ nhà nước ở thành phố. Cách đây tám năm, ông mắc phải bệnh tim, nên đành nghe lời bác sĩ “cáo quan” về nhà nuôi chim thỏa cái thú vui nhàn nhã. Những ngày mới vào nghề, ông theo bậc đàn anh sành chim tới tận rừng Sông Hinh mà tìm chim quý. Mấy ngày tìm kiếm, ông bắt được một chú chích chòe lửa con đang bay chập chạ. Ít phút sau, đúng như những gì ông nghĩ, đôi chim bố mẹ đã cuống cuồng lấp ló bên chiếc bẫy lồng đặt chú chim non mà cất tiếng kêu thao thiết. “Xoẹt”, bất ngờ con chim lửa trống lao vút về phía chú chim non đang kêu khản vang trời. Chiếc bẫy sập, con chim lửa bố cố vùng vẫy thoát thân nhưng vô vọng. Được chim, ông Mười xách lồng ra về.
Nghe tin ông Mười được chim quý, dân chơi chim thành phố lần mò kéo đến. Mọi người xúm vào quan sát con chim lửa trống, nhận thấy chú chim này đầu xà, mắt sắc, đuôi dài, lông mướt, chân cao, mỏ thanh, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Quả thật, đúng là con chim quý. Chú ta lại rất dạn lồng, tiếng hót thanh thoát mãnh liệt. Mỗi lần, chú cất giọng thì đám họa mi, sáo, chích chòe đều cất vang tiếng hót tạo thành một dàn hợp xướng réo rắt. Biệt tài của con chim lửa bố đã thu hút bạn bè chơi chim đến nhà ông ngày càng đông. Ông Mười cảm thấy rất vui, bệnh tim vì thế cũng đỡ hẳn. Ông tíu tít bên lồng chim vì thế mà mỗi lần ông đi đâu về chim lửa cuống lên nhảy nhót, rồi cất tiếng hót, cả đàn hót theo, vui ơi là vui! Từ đó, con chim gắn bó với ông như hình với bóng. Mỗi năm, nó mang về cho ông năm sáu giải lớn nhỏ qua các hội thi chim. Tên tuổi ông Mười vì thế mà ngày càng vang xa.
* * *
Thế mà giờ đây, con chim lửa đã ở bên Nhân. Sau bao phen mua vui cho thiên hạ, một con mắt chú bị mù, cánh bị gãy một bên, toàn thân ướt mẹp, run rẩy lạnh... Nhân thấy thương chú chim quá! Nhân nhớ, hôm ấy, nhà ông Mười tập trung đông người lắm, đến hơn năm mươi cái lồng chim treo trên hiên nhà. Lần ấy, ông Ruông, một đại gia chơi chim có tiếng ở thành phố, đem đến một chú chích chòe lửa mình thon nhỏ, đầu bẹp như đầu rắn, mỏ ngắn như mỏ chim sẻ, mắt hí hơi lồi trông thật hung dữ. Ông Ruông chưa kịp móc lồng lên giàn thì nó đã ưỡn ngực, vẫy đuôi, cất tiếng hót dũng mãnh. Các con chim lửa khác trở nên e sợ, tắt tiếng, sũ cánh mà đứng yên. Chỉ có con chim của ông Mười là lên tiếng hót đáp lại. Hai con chim thi nhau luyến láy thù thì đủ thứ âm điệu, mãi đến hơn hai tiếng đồng hồ mà không phân thắng bại. Người thì cho rằng chim của ông Ruông có tiếng hót dũng mãnh của một vị tướng thời trung cổ. Kẻ nói tiếng hót của chim ông Mười thanh tao, hào hoa mang cốt cách của đấng trượng phu. Không ai chịu thua ai. Cuộc thách đấu được diễn ra ngày càng hấp dẫn. Đối phương đặt cược một trăm triệu cho con chim “đá” thắng. Ông Mười gật đầu đồng ý.
Hai chiếc lồng áp sát. Hai chú chim đang mải mê hót, rồi như chưa vừa ý chúng bay lên đâm sầm vào thành lồng, cố mổ sang phía bên kia. Cửa lồng được kéo lên, chim của ông Ruông lao vào lồng chim của ông Mười. Trận đấu diễn ra gay cấn, chú chim lửa của ông Mười đã dùng hai chân “khóa giò” chú chim lửa của ông Ruông, mổ liên hồi vào đầu đối thủ. Phía ủng hộ chim của ông Mười vui mừng hò reo. Chích chòe lửa của ông Ruông giãy giụa mãnh liệt và bật lên tiếng “tót” đau thương. Thế nên, ai cũng nghĩ rằng, chim của ông Mười đã thắng. Nhưng không hiểu sao, bỗng dưng chú không buồn động đậy mà nghiêng đầu đứng nhìn đối thủ. Chú chim của ông Ruông được dịp ngoi dậy, gù lên một tiếng, rồi bay lên mình đối thủ mà cào cấu.
Cuộc đấu đã đến hồi kết. Đôi mắt ông Mười dại đi khi nghe ông Ruông chỉ tay vào con chim thắng trận bảo: “Con chích chòe lửa này là con chim non khi xưa tôi mua của ông với giá một phân vàng đó, giờ tôi tặng lại cho ông!”. Ông Mười lặng người run run nhìn con chích chòe lửa bố bại trận nằm mẹp dưới sàn lồng, đôi mắt mở to hớt hải nhìn chú chích chòe lửa con hót vang khúc khải hoàn. Mắt ông Mười đẫm lệ…
Kể từ ngày bại trận, con chim lửa bố bắt đầu xuống giọng. Tiếng hót của nó không còn thanh tao khỏe khoắn như trước nữa. Tiếng hót vừa cất lên đã bị con chim lửa trẻ cướp lời dọa dẫm. Hơn một năm nay nó sống trong cảnh nhẫn nhịn, đau thương. Còn phần ông Mười, bệnh tim lại tái phát. Nhưng điều đáng buồn nhất là dàn hợp xướng “núi rừng” của đàn chim đã không còn vang lên oai hùng như xưa nữa. Con chim lửa trẻ mới, mạnh mẽ hơn, kiêu ngạo hơn, nó có thể hót liên tục ba bốn tiếng đồng hồ, nhưng nó không có khả năng làm người lĩnh xướng trong một dàn hợp xướng. Mỗi khi nó cất tiếng hót thì cả đàn đều yên lặng. Thi thoảng có vài con hót theo, nhưng chất giọng có gì đó khang khác; nghe đau và buồn. Bầu bạn đến nhà ông Mười thưởng thức tiếng chim hót cũng thưa dần. Ông Mười sống trong cảnh cô đơn, buồn bã...
* * *
Ngoài trời mưa đã tạnh. Nhân giấu con chim vào ngực áo lặng lẽ đến quán chim đường Trần Hưng Đạo để bán. Trên đường đi lẫn giữa những nhánh cây bị đổ ngã sau cơn giông, Nhân nhìn thấy những con chim sẻ đang quấn quýt theo bầy, trong đó rõ lên hai con chim đầu đàn, Nhân đoán đó là chim bố mẹ, chúng đang tìm mồi. Nhìn cảnh ríu rít của bầy chim, Nhân chợt nhớ đến cơn bão năm nào. Ngôi nhà sập, bố đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ Nhân. Trước khi nhắm mắt, bố chỉ kịp dặn Nhân: “Đói cho sạch rách cho thơm, con nhớ nghen...”. Không! Không thể được, phải sống cho sạch sẽ như lời bố dặn. Nhân dẹp ngay cái ý nghĩ bán con chim, vội vã quay đầu.
* * *
Ông Mười khom người kính cẩn trước một mâm lễ cúng đầy hoa quả đặt giữa sân, thấy Nhân lấp ló ông gọi:
- Vào đây cháu!
- Dạ, cháu có quà cho bác đây.
- Ôi quý quá, không biết bác được nhận quà gì đây?
Nhân đưa tay vào ngực lôi ra con chim.
Ông Mười cười ngặt nghẽo. Tiếng cười làm con chim sợ hãi co rút vào tay Nhân.
- Hôm nay rằm tháng bảy, bác đã phóng sinh cho nó. Giờ cháu lại đem đến bán cho bác, mang tội đấy cháu ạ.
- Cháu đâu có bán, cháu đem trả cho bác mà!
- Vậy à! Cháu thật tốt bụng, bác thả nó nhé? Nói xong ông cầm con chim đến mâm lễ cúng. Ông lẩm nhẩm khấn vái một lúc rồi quăng con chim lên không. Con chim vỗ cánh định bay vút lên cao, nhưng nó không bay cao được mà sà xuống.
Roạt, roạt, một bóng đen từ bụi cây phóng ra. Tiếng bát đĩa va vào nhau loảng xoảng.
- Mèo, mèo! Ông Mười hét lớn.
Nơi góc sân một vết máu đỏ tươi. Con mèo hoang đã ngoạm chú chim đi mất.
Ông Mười mặt mày thất sắc, đứng đực ra nhìn mâm lễ cúng bị con mèo hất đổ. Đột nhiên ông lê bước về phía những chiếc lồng chim mở toang các cửa lồng. Những chú chim ngơ ngác thò đầu nhìn khoảng không, rồi như chợt hiểu, chúng bay sà ra đậu lên cành cây trứng cá trước hiên nhà. Trên nhành cây, con chim lửa trẻ, nghiêng đầu nhìn ông Mười rồi cất tiếng hót. Tiếng hót thanh tao, tha thiết tựa như là tiếng con chim lửa bố ngày nào - Và rồi hàng chục chú chim khác cũng đồng thanh hót lên bản hợp xướng “núi rừng”.
Nhanh lắm, đàn chim vụt bay đi mất hút. Nhân sà vào lòng ông Mười, hai bác cháu rưng rưng khóc...