Thông qua các kỳ liên hoan nghệ thuật khác nhau, báu vật đàn đá, kèn đá Tuy An đã góp phần quảng bá hình ảnh con người Phú Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế. UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận 2 nhạc cụ này là bảo vật quốc gia.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hải (Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển) biểu diễn đàn đá - kèn đá Tuy An - Ảnh: T.QUỚI
Theo tài liệu đính kèm công văn của UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận đàn đá, kèn đá Tuy An là bảo vật quốc gia: Đàn đá Tuy An được phát hiện tại núi Một, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An vào năm 1994. Bộ đàn đá có 8 thanh với hình dáng đa dạng, tương ứng có các hình: chữ nhật (dạng phiến) có các thanh 1, 3, 6, 7; hình thang có các thanh 4, 5; hình tam giác có các thanh 2, 8 số đánh theo thang âm từ thấp đến cao. Toàn bộ các thanh đá đều có thanh patine phủ từ 6-8 mm, ở một đầu các thanh đá có vết lõm nhỏ - dấu vết gõ tạo ra âm thanh. Đây là bộ nhạc cụ cổ có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Đàn đá Tuy An có thang âm hoàn chỉnh nhất so với các bộ đàn đá khác tính đến thời điểm hiện nay; có khả năng diễn tấu một số bài dân ca, dân nhạc của một vài tộc người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, là cơ sở góp phần nhận diện về văn hóa âm nhạc thời kỳ tiền sử trên vùng đất Phú Yên nói riêng và trên phần phía nam đất nước Việt Nam nói chung.
Kèn đá Tuy An có nguồn gốc từ chùa Núi Thị, thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An. Kèn đá Tuy An là hiện vật thuộc bộ hơi duy nhất ở Việt Nam được phát hiện ở thời điểm hiện tại. Gồm 2 hiện vật, kèn lớn nặng 75.000gr có hình dáng như thế ngồi của một con cóc lớn lỗ thổi rộng 2,5cm; Kèn nhỏ nặng 34.500gram có hình dáng tương tự như kèn lớn, lỗ thổi rộng 1,8cm. Hai hiện vật đều có dấu vết ghè đẽo có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Kèn đá Tuy An là di sản văn hóa “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam được sử dụng như một nhạc cụ sơ khai phục vụ cho đời sống tinh thần của những cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Phú Yên.
Bà Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (trái) và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa) gõ thử bộ đàn đá Tuy An tại một hội thảo tổ chức ở Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI
Theo Luật Di sản văn hóa, hiện vật tuân thủ các điều kiện sau sẽ được xem xét công nhận hiện vật quốc gia: một là hiện vật gốc độc bản; hai là hiện vật có hình thù độc đáo; ba là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Tiến sĩ Sử học Đào Nhật Kim, Trường đại học Phú Yên nhận định: “Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá, chứa đựng những thông điệp của quá khứ gửi tới hiện tại và tương lai. Việc phát hiện bộ đàn đá, kèn đá Tuy An cho thấy, Phú Yên là vùng đất cư dân cư trú lâu đời; trình độ sáng tạo vật chất, tinh thần cao; đóng góp làm phong phú kho tàng di sản Việt Nam phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Việc UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận đàn đá, kèn đá Tuy An là bảo vật quốc gia là đúng với những điều kiện mà Luật Di sản văn hóa đề ra”.
Đàn đá và kèn đá Tuy An là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật của kho tàng văn hóa Phú Yên. Theo các chuyên gia không nên mang đàn đá và kèn đá Tuy An đi khắp nơi để trình diễn mà nên giữ gìn ở viện bảo tàng cho hậu thế. Có thể phục chế những nhạc cụ này để đi trình diễn hơn là sử dụng báu vật gốc có thể bị hư hao trong việc di chuyển. Vì thế, khi hai nhạc cụ này được công nhận là bảo vật quốc gia, Nhà nước sẽ có chế độ đặc biệt bảo quản, tôn vinh, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử bảo vật quốc gia Đàn đá Tuy An, Kèn đá Tuy An.
TUYẾT TRẦN