Thứ Tư, 27/11/2024 02:46 SA
Vĩnh biệt “Người anh cả” của VTV Phú Yên
Thứ Bảy, 18/05/2013 08:09 SA

Dẫu biết rằng “Trần gian là quán trọ/Tạo hóa lẽ huyền vi/Thế nhân là lữ khách/Dừng bước rồi ra đi...”, nhưng sự ra đi quá đột ngột của nhà báo Tạ Tấn Đông - nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Phú Yên, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhiệm kỳ II, nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ Đài Truyền hình Việt Nam, nguyên Giám đốc VTV Phú Yên - đã làm cho những người thân và đồng nghiệp bàng hoàng, thương tiếc.

 

Chu-Dong130518.jpg

Nhà báo Tạ Tấn Đông trong một chuyến công tác xã hội từ thiện - Ảnh: Do VTV cung cấp

Nhà báo Tạ Tấn Đông sinh ngày 10/5/1950 tại Hòa Tân Tây (Tây Hòa). Ông là một trong 7 người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành truyền hình Phú Yên khi tách ra khỏi tỉnh Phú Khánh từ năm 1989. Nhà báo Nguyễn Tô Hà nhớ lại: “Khi có chủ trương thành lập Đài Truyền hình Phú Yên, tôi là người đầu tiên ở phòng Thời sự Đài Truyền hình Nha Trang được anh hỏi: Em có muốn về công tác ở Phú Yên hay không? Ngoài việc lựa chọn những anh chị em có kinh nghiệm làm truyền hình từng công tác ở Quy Nhơn, Nha Trang, chính tình cảm dành cho quê hương Phú Yên là lý do mà anh muốn chúng tôi cùng về. Trước tinh thần trách nhiệm và tình cảm đó của anh, tôi đã quyết định về xây dựng Đài Truyền hình Phú Yên, dù lúc đó ba mẹ tôi đang bệnh, rất cần tôi ở lại Nha Trang để chăm sóc”. Còn nhà báo Lê Ánh Dương, Trưởng phòng Kỹ thuật VTV Phú Yên, chia sẻ: “Trước khi Phú Yên tái lập tỉnh, anh và tôi nhiều lần ngồi xe đò từ Nha Trang ra Tuy Hòa khảo sát địa bàn phát sóng, làm việc với các cơ quan liên quan. Là giám đốc, nhưng anh mặc chiếc quần đờ-nin nhăn nheo phần dưới gối, chân đi dép Lào, giờ nghĩ lại những ngày tháng đồng cam cộng khổ đó, càng thấy thương anh nhiều”.

 

7 người đầu tiên từ Nha Trang ra Tuy Hòa khi có quyết định thành lập Đài Truyền hình Phú Yên năm 1989 gồm: Tạ Tấn Đông, Trần Ngọc Dân, Nguyễn Tô Hà, Nguyễn Quang Vinh, Lê Ánh Dương, Võ Minh Thùy và cô Sinh làm tạp vụ. Tất cả đều xem ngôi nhà 23 Lê Thánh Tôn (vừa là trụ sở của đài, vừa là chỗ ở tạm) như mái nhà chung. Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để kênh sóng PTV chính thức phát đi từ Tuy Hòa không bao lâu sau đó. Những thành công tiếp đó của PTV như tiếp sóng, bình luận trực tiếp Cup bóng đá thế giới năm 1992, khai thác, biên dịch, chia sẻ bản quyền bộ phim Người giàu cũng khóc cho nhiều đài PTTH, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền dưới sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Tấn Đông, PTV đã hội đủ điều kiện để trở thành đơn vị trực thuộc VTV vào năm 2001.

 

Là người phụ trách kỹ thuật nhưng nhà báo Tạ Tấn Đông rất sâu sắc với các vấn đề về nội dung. Ông chịu khó lắng nghe anh em, bình tĩnh, cân nhắc khi đưa ra quyết định một vấn đề gì đó. Ông cũng rất thích đi cơ sở, vừa để hiểu rõ hơn công việc của đồng nghiệp, anh em, vừa luôn luôn lắng nghe ý kiến khán giả về những vấn đề liên quan đến kênh sóng của đài.

 

Làm kỹ thuật nhưng nhà báo Tạ Tấn Đông không khô khan như nhiều người thường nghĩ. Ông thích hoa, cây cảnh và rất nặng tình với bạn bè, dù chỉ gặp nhau lần đầu. Nhưng cũng chính việc cắt tỉa giàn bông giấy trước nhà là nguyên nhân định mệnh đưa ông vào thế giới vĩnh hằng sau một cú trượt chân mà 4 ngày liền, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và Bệnh viện 115 TP Hồ Chí Minh đã tận tình cứu chữa nhưng ông không sao qua khỏi. Trước tết, ông gửi tôi một bài thơ nhờ “biên tập” lại. Là dân ngoại đạo nên tôi mới chuyển cho một bạn thơ làm giúp việc này. Tác phẩm không phải của một người làm thơ chuyên nghiệp, nhưng câu từ của ông dành cho người cha trong ngày chiến thắng trở về chứa chan tình cảm.

 

Chiều 16/5, khi nhà báo Tạ Tấn Đông được chuyển từ bệnh viện về nhà trong những phút giây cuối cùng bên cạnh người thân, đồng nghiệp và bạn bè, có một bà cụ đã gần 90 tuổi, đi xe ôm từ thôn Đồng Cam, xã Hòa Hội (Phú Hòa), cách TP Tuy Hòa mấy chục cây số đến nhìn ông lần cuối. Bà nhỏ con, lưng khòm, chống cây gậy, hối hả len lỏi giữa đám đông như sợ không còn kịp thời gian. Bà chính là người mẹ nuôi của nhà báo Tạ Tấn Đông trong những năm kháng chiến chống Mỹ - mẹ Bùi Thị Trọng. Nhìn hai người mẹ đầu tóc bạc phơ bên người con bắt đầu chìm dần vào giấc ngủ nghìn thu, không ai cầm được nước mắt. Chị Lê Thị Kim Tuyến, thủ quỹ ở VTV Phú Yên, kể lại: “Hồi anh Đông từ Nha Trang mới ra, mỗi khi xuống Tuy Hòa, mẹ Trọng đều không quên mang theo mít, mãng cầu, thậm chí cả than củi cho anh”. Còn ông, mỗi năm vào dịp lễ hội đập Đồng Cam, chưa bao giờ quên thăm nhà người mẹ nuôi của mình. Một con người sống có trước, có sau như thế nên mẹ Trọng đã dành tình cảm cho ông chẳng khác những người con trong gia đình.

 

Nhà báo Trần Ngọc Dân, nguyên Phó giám đốc VTV Phú Yên, người có mấy mươi năm cùng công tác với nhà báo Tạ Tấn Đông từ Khánh Hòa rồi ra Phú Yên, nói trong nghẹn ngào xúc động: “Thật khó có một con người như anh Đông, luôn luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, chân tình, không ỷ lại mình là người đứng đầu, tạo được sự đồng thuận để PTV rồi sau này là VTV Phú Yên có được những bước đi vững chắc đến hôm nay”.

 

Nghỉ hưu mới hơn 3 năm, ông đã vội vã ra đi về cõi vĩnh hằng mà không một lời từ biệt người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Xin thắp nén hương lòng và cầu mong ông thanh thản, luôn nở nụ cười đôn hậu như lúc sinh thời đã cùng đồng cam, cộng khổ, vui buồn có nhau với anh em, đồng nghiệp.

 

TRẦN THANH HƯNG

Phó giám đốc VTV Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek