Gần 20 năm qua, chị hầu như không vắng mặt trong đêm thơ nào, từ huyện cho đến tỉnh. Niềm say mê và xúc cảm dành cho thơ dường như vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn cô giáo dạy tiếng Anh này…
Bích Trâm ngâm thơ tại Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên xuân Quý Tỵ - Ảnh do nhân vật cung cấp
ĐẾN VỚI THƠ TỪ CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ
Bích Trâm kể rằng sau vài lần nghe ngâm thơ trên sóng phát thanh trong những đêm khó ngủ, chị thấy sao mà hay quá, thích quá. Một buổi chiều thảnh thơi nằm trên võng, Bích Trâm bắt chước người ta, khe khẽ ngâm bài Cuộc chia ly màu đỏ của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ, bài thơ mà chị thích từ lâu. “Ồ, hóa ra mình cũng ngâm thơ được”. Nghĩ vậy nên ngay tối hôm đó, Bích Trâm chạy đến nhà ông Mai Hoàng, người mà chị vẫn xem là sư phụ, hớn hở khoe: “Chú bốn ơi, con biết ngâm thơ” và “biểu diễn” cho ông nghe. Nghe xong, ông Mai Hoàng bèn gọi ông Nguyên Đạt, một người anh trong nhóm đờn ca tài tử và là người thổi sáo trong các đêm thơ, đến để cùng “thẩm định”. Đêm thơ Nguyên tiêu năm 1994, khán giả thấy xuất hiện một gương mặt mới, một giọng ngâm ngọt ngào với vóc dáng thanh mảnh trong chiếc áo dài màu tím. Đó là lần đầu tiên Bích Trâm bước lên sân khấu ngâm thơ. Chị kể: “Tôi ngâm bài thơ nói về trăng tháp cổ. Đêm đó trăng rằm vằng vặc trên đỉnh tháp, có cảm giác như với tới được, rất cảm xúc”.
Kể từ đêm thơ Nguyên tiêu lồng lộng ánh trăng và ào ạt gió đó đến nay đã gần 20 năm, không năm nào Bích Trâm lỗi hẹn với những người yêu thơ nơi tháp cổ. Không chỉ tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống của tỉnh, Bích Trâm còn có mặt trong những đêm thơ nhạc ở các huyện, thành phố. Nếu xã, phường mời, chị cũng tham gia. Giọng ngâm này chưa bao giờ phân biệt sân khấu lớn - nhỏ. Chị đến với thơ đơn giản vì yêu thích, vì muốn trải lòng mình trong tiếng sáo, tiếng đàn.
“Mùa thơ” bắt đầu từ mùng 6 tết cho đến 16 tháng Giêng. Đó là thời điểm các giọng ngâm ở Phú Yên, trong đó có Bích Trâm, tha hồ bận rộn.
CÔ GIÁO NGHỆ SĨ
Trước khi bước lên sân khấu với những bài thơ, Bích Trâm là thành viên CLB Đàn hát dân ca - nhạc cổ ở TP Tuy Hòa, do ông Mai Hoàng làm chủ nhiệm. Bích Trâm kể về cái duyên đưa mình đến với câu hát của người xưa: “Tôi có người chị rất mê ca cổ. Nghe chị nghêu ngao hát lúc nấu cơm, rửa chén, tôi bắt chước hát theo. Năm học lớp 5, tôi hát ca cổ trong chương trình văn nghệ của trường, thầy cô giáo rất ngạc nhiên. Em trai tôi cũng mê ca cổ”.
Gắn bó với phong trào đờn ca tài tử từ lúc ngoài 20 tuổi đến nay, Bích Trâm là một “nghệ sĩ quần chúng” được nhiều người yêu mến. Giọng ca sinh năm 1969 này gốc ở Tiên Châu (xã An Ninh Tây, Tuy An), chào đời tại Sài Gòn và lớn lên ở Tuy Hòa. Chị là giáo viên tiếng Anh thỉnh giảng, đang dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên và Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Cô giáo đam mê văn nghệ chia sẻ: “Tôi thích ngâm thơ vì dễ trải lòng. Mỗi khi nghe tiếng sáo cất lên là mình có cảm xúc”. Có những bài thơ ngâm ưng ý, nhưng cũng có những bài thơ ngâm rồi thì chị mất ngủ vì thấy chưa trọn vẹn. Có lẽ vì vậy mà đến giờ, sau gần 20 năm gắn bó với những đêm thơ, Bích Trâm vẫn tìm tòi học hỏi để giọng ngâm thêm ngọt ngào, truyền cảm. “Tôi chỉ ngại khán giả thấy mình quen quá, xuất hiện nhiều quá trong các “mùa thơ” thì chán” - chị thổ lộ với nụ cười dịu dàng. Nụ cười càng dịu dàng và ngời sáng khi chị nhắc đến cô con gái chăm ngoan, dễ thương đang học lớp 12, không chỉ có năng khiếu viết văn mà còn hát hay giống mẹ.
Dáng thanh mảnh, nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng, Trần Thị Bích Trâm là người dễ gần, dễ mến. Chị không nói nhiều về mình. Thôi thì hãy để cho những bài thơ trữ tình mà chị ngâm nói hộ.
Ông Mai Hoàng, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca - nhạc cổ ở TP Tuy Hòa: “Trước kia, Bích Trâm học ca hát tại CLB chúng tôi. Thấy Bích Trâm có giọng ngâm lạ, hay, tôi giới thiệu với anh Nguyên Đạt. Từ đó đến nay, Bích Trâm tham gia tất cả chương trình có ngâm thơ. Bích Trâm ngâm giọng Huế, giọng Bắc đều hay. Bao giờ cô ấy cũng nghiên cứu kỹ trước khi ngâm một bài thơ. Bích Trâm là người say mê, bền chí và có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa văn nghệ”. |
YÊN LAN