Việt Nam có bề dày truyền thống văn hóa. Trong các loại hình văn hóa truyền thống thì di sản văn hóa Hán - Nôm là một trong những loại hình di sản quí đang có nguy cơ ngày càng mai một, cần được gìn giữ và phát huy.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đọc sắc phong - Ảnh: LÊ BIẾT
Di sản văn hóa Hán - Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại, là mối dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại và gìn giữ cho thế hệ tương lai một chiều dài lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, thời gian và chiến tranh đã và đang gây hư hỏng, thất thoát, hao mòn dần nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý này. Gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa Hán - Nôm của ông cha cho thế hệ mai sau là việc làm cần thiết và cấp bách.
Tại Phú Yên, nguồn tư liệu Hán - Nôm rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại hình như sắc phong, bằng cấp, đinh bạ, điền bạ, trát văn - trình bẩm, gia phả, khế ước, đơn khai, văn tế, văn cúng, sách thuốc, di chúc, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối, mộc bản… Trong số những loại hình di sản trên đây, đáng chú ý nhất là hệ thống các sắc phong của các triều đại phong kiến hiện đang lưu giữ tại một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như các sắc phong tại đền thờ Lương Văn Chánh, sắc phong tại đình Ngọc Lãng, lăng Phú Lạc… Tuy vậy, ngoài một số tư liệu được nhiều người biết đến, còn rất nhiều di sản Hán - Nôm khác vẫn đang bị lớp bụi thời gian che phủ.
Di sản Hán - Nôm chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa mà thông qua đó các nhà nghiên cứu có thể hiểu được về lịch sử hình thành một vùng đất, công lao của một số danh nhân đối với lịch sử của dân tộc, phong tục tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư. Chẳng hạn như hệ thống tư liệu Hán - Nôm ở đền thờ Lương Văn Chánh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử hình thành vùng đất Phú Yên cách ngày nay hơn 400 năm, cũng như công lao của danh nhân Lương Văn Chánh với sự nghiệp mở mang vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Các tài liệu Hán - Nôm ở đình Ngọc Lãng góp phần tìm hiểu thêm về quá trình hình thành cộng đồng dân cư nằm ở khu vực cuối sông Đà Rằng, đồng thời cũng biết được công lao của một số nhân vật lịch sử có công đầu trong việc khẩn hoang, tạo lập nên cộng đồng dân cư ở đây. Một số tài liệu Hán - Nôm có nội dung liên quan đến một số vị thần như Thiên Y Ana, thần Bạch Mã, thần Nam Hải… phản ánh tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư trên vùng đất Phú Yên trong tiến trình lịch sử.
Những năm gần đây nhiều ngôi đình làng, nhiều dòng họ đã tìm lại và còn lưu giữ được những văn tự cổ bằng chữ Hán hay chữ Nôm, phần lớn là các sắc phong của các triều vua phong kiến Việt Nam phong cho các Thành Hoàng Bổn Xứ đã có công khai hoang lập làng, hay những dòng họ có nhiều đóng góp cho các triều vua phong kiến. Ngoài ra nhiều đình, chùa miếu mạo cũng còn lưu giữ các sắc. Tư liệu Hán - Nôm khá sớm được tìm thấy ở Phú Yên có thể kể đến 14 đạo sắc phong của các vua Lê, chúa Nguyễn phong tặng cho thành hoàng Lương Văn Chánh, các đạo sắc phong được phong tặng cho thần Bạch Mã tại đình làng Ngọc Lãng, hệ thống sắc phong được lưu giữ trong các lăng ông ở các làng biển... Từ góc độ nghiên cứu về các di sản văn hóa Hán - Nôm, ông Đặng La, ở phường 1, TP Tuy Hòa cho biết:
“Hầu hết các đền đài, miếu mạo, kể cả các sắc chỉ vua ban, phong thần hay phong hầu phong tước. Các văn bản này có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, chúng ta biết được lịch sử hình thành các chùa hay niên đại được phong thần Thành Hoàng Bổn Xứ ở các nơi đối với những người đã có công di dân lập ấp. Thứ 2 văn tự có Hán và có Nôm thường là nằm ở các phân thư hay danh sách các tông đồ, hệ phả của từng dòng họ”.
Thế nhưng, hiện nay di sản Hán - Nôm đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sự xuống cấp, hư hỏng của di sản. Phần lớn di sản Hán - Nôm được thể hiện trên chất liệu hữu cơ, lại tồn tại trong thời gian cả trăm năm nên hiện nay rất nhiều tài liệu bị mục nát, nội dung tài liệu vì thế cũng mất đi. Một số tài liệu Hán - Nôm hiện nay còn tương đối nguyên vẹn nhưng được bảo quản thiếu khoa học cũng đang trên đà xuống cấp trong đó điển hình nhất là loại hình sắc phong còn tương đối nhiều ở các di tích lịch sử, văn hóa.
Một thách thức khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hán - Nôm là hiện nay còn rất ít người có thể đọc được loại văn bản cổ này, vì thế, nội dung rất nhiều nguồn tư liệu Hán - Nôm còn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Trong khi đó, một số ít người còn có thể đọc dịch nhưng thiếu kiến thức chuyên môn dẫn đến tình trạng chuyển tải sai nội dung, làm cho nhiều người không hiểu rõ các giá trị của nguồn tư liệu. Thế nên, hiện nay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang là một việc làm cần phải được quan tâm đúng mức.
Từ khi triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, rất nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm được tìm thấy, được phục dựng, dịch và truyền lại cho các thế hệ sau bằng chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi việc dịch các văn tự này chưa sát đúng với nguyên bản và làm cho hậu thế hiểu sai lệch về ý nghĩa các văn tự cổ. Làm gì để gìn giữ và phát huy các di sản này. Ông Đặng La cho rằng: “Cách bảo quản hoặc là chụp lại, hoặc là phải tìm chọn người am tường để dịch lại và tái hiện văn bản đó bằng tiếng Việt một cách đúng đắn nhất và thể hiện nội dung cơ bản mà chính nó muốn toát lên. Để thế hệ sau khi nghiên cứu về văn bản sẽ góp phần hiểu về quá khứ, lịch sử của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước”.
Ông Nguyễn Luân, ở TP Tuy Hòa, người có nhiều năm nghiên cứu về tài liệu di sản văn hóa Hán - Nôm cho rằng, đã đến lúc ngành văn hóa nên tính đến việc thành lập một câu lạc bộ Hán - Nôm để góp phần trong việc gìn giữ các giá trị di sản văn hóa này.
LÊ BIẾT