Giải phóng Sài Gòn - bộ phim truyện Việt Nam có thời gian thực hiện lâu nhất, là phim truyện nhựa duy nhất được chiếu trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5 và 19/5.
Một đại cảnh trong phim “Giải phóng Sài Gòn” - Nguồn: VnExpress
Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, các nhà làm phim thực hiện một bộ phim truyện nhựa quy mô lớn về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là bộ phim Giải phóng Sài Gòn của Hãng phim truyện Việt Nam.
Đây có thể coi là một bộ phim kỷ lục với gần 10 năm thực hiện kể từ khâu kịch bản, với sự tham gia của 5 nhà biên kịch và sự tái hiện những sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử.
Thắng lợi mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột; việc tháo chạy của ngụy quyền khỏi Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung; những trận pháo kích sân bay Biên Hòa; hình ảnh những anh bộ đội giải phóng quân tiến vào Sài Gòn; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... được tái hiện qua những thước phim với nhiều đại cảnh hoành tráng. Nhiều chi tiết của cuộc chiến dựa trên những bút ký, bài báo và tiểu thuyết của đại tá Nguyễn Trần Thiết, người hơn 10 năm có mặt trên các chiến trường miền Nam với tư cách phóng viên quân đội. Là một trong 5 tác giả kịch bản phim, ông cảm thấy rất tâm đắc với tác phẩm dù rằng đây là lần đầu tiên ông bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Đại tá Nguyễn Trần Thiết - biên kịch phim truyện nhựa Giải phóng Sài Gòn, cho biết: "Cái chính của kịch bản là làm thế nào để người xem hiểu được tại sao ta lại thắng Mỹ. Đó là tài chỉ huy, đó là sự đồng lòng quân dân, sự dũng cảm của các chiến sĩ... Với vốn sống của một phóng viên chiến trường đi theo chiến dịch từ đầu tới cuối, việc nắm bắt nhiều chi tiết sống động, thực tế cuộc sống giúp tôi thực hiện kịch bản này".
Giải phóng Sài Gòn là một bộ phim đầy ắp các nhân vật có thật: Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và nhiều nhà chỉ huy quân sự cao cấp... Phía bên kia là Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, Đại sứ Mỹ Martin và tướng Weyand... Chân dung, tính cách của các nhân vật được khắc họa khá rõ nét qua những cuộc đối thoại, họp bàn trước mỗi trận đánh quan trọng... Đó cũng là ý tưởng của đạo diễn Long Vân, người đã từng khá thành công với 2 tác phẩm Biệt động Sài Gòn và Hẹn gặp lại Sài Gòn. Hơn 20 năm nghiên cứu về đề tài này, ông muốn tạo sự hẫp dẫn và độc đáo của Giải phóng Sài Gòn trước các thước phim tư liệu khác.
Một cảnh trong phim Giải phóng Sài gòn - Nguồn: baotintuc
Bắt đầu bằng trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột, Giải phóng Sài Gòn đưa khán giả đến với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kéo dài trong 55 ngày đêm với các quyết định quan trọng của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu cùng những diễn biến thần tốc, quyết liệt và kết thúc bằng thắng lợi vào trưa 30/4/1975. Trên cái nền ấy, gần 20 nhân vật lịch sử được tái hiện.
Đạo diễn Long Vân cho biết qua tác phẩm điện ảnh này, khán giả hiểu rõ thêm “đêm trước” các quyết định quan trọng, diễn biến những trận đánh nổi tiếng: Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc, nội thành Sài Gòn… cùng nhiều diễn biến khác. “Chúng ta không thể làm phim chiến tranh hoành tráng như nước ngoài mà phải tìm cách thể hiện khác”, ông nói.
Bên cạnh những trận đánh lớn, những nhân vật có thật nổi tiếng, một tuyến nhân vật khác tạo nên đường dây xúc cảm bình dị cho bộ phim. Đó là sư trưởng Trần Du với nữ cán bộ nội thành Bảy Lương. Đó là tình yêu giữa cô giao liên và một chiến sĩ xe tăng. Khán giả sẽ tìm thấy ở đó cuộc sống của những con người Việt Nam trong và bên ngoài cuộc chiến, với tình cha con, vợ chồng, tình cảm lứa đôi... Có những hy sinh, mất mát, niềm vui và khổ đau... Và vượt lên trên tất cả, những con người ấy đã sát cánh bên nhau chiến đấu vì miền Nam, vì Tổ quốc thân yêu.
Y.LAN (tổng hợp từ VTV, VnExpress)