Cách đây 60 năm, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Từ đó, ngày 15/3 được chọn làm Ngày Điện ảnh Việt Nam. Cùng với điện ảnh miền Nam, điện ảnh K5 - tức điện ảnh khu V - đã góp một phần không nhỏ vào những trang vàng của lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuộc gặp gỡ bất ngờ và đầy cảm động giữa các đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương với một người con của buôn làng Phú Yên, ông là 1 trong 16 thành viên của Điện ảnh Khu 5 những năm chống Mỹ cứu nước: nhà quay phim Kpa Y Van.
Nhà quay phim Kpa Y Van gặp lại người thầy của mình - Nghệ sĩ nhân dân Trần Thế Dân qua điện thoại di động - Ảnh: T.T.HƯNG
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước và Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông, hai nhà quay phim - đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã lặn lội hơn 70km đến buôn Ma Lưng (xã Cà Lúi, Sơn Hòa) để gặp lại người đồng nghiệp của mình: nhà quay phim Kpa Y Van. Nhờ anh Trần Lê Kha công tác ở Đài Truyền thanh huyện báo trước là có khách từ Hà Nội vào, không đi rẫy, Kpa Y Van ra tận đầu buôn để đón những đồng nghiệp của mình. Sau mấy mươi năm gặp lại, bao kỷ niệm xưa cùng ùa về trong lòng những người tay máy, tay súng một thời.
Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông, quay phim - đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương bồi hồi nhớ lại: Chúng tôi đã gặp nhau trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trước đó, tôi đã biết anh qua phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đắc Sao, cùng làm với nghệ sĩ nhân dân Trần Thế Dân, đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Mát-xơ-cơ-va. Tôi rất ngỡ ngàng vì anh là người nhỏ con, ra Bắc học lớp quay phim cấp tốc rồi về phục vụ cách mạng, nhưng anh không ngại hy sinh, gian khó, làm phim trong khó khăn, thiếu thốn. Thật là một tấm gương của thế hệ đi trước để chúng tôi noi theo”.
Kpa Y Nguyên và Kpa Y Van là hai người con của buôn làng Phú Yên được cử ra Bắc học lớp quay phim cấp tốc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương rồi quay về phục vụ tại chiến trường miền Nam, công tác ở Hãng phim K5.
Hãng phim K5 ngày ấy, tức Điện ảnh Khu 5, chỉ có 16 thành viên, hoạt động vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhất là thiết bị làm phim. Thế nhưng, họ đã ghi lại được những tư liệu vô cùng quý giá khắp chiến trường Khu 5. Những tư liệu đó, sau này Điện ảnh Khu 5 đã xây dựng thành những bộ phim tài liệu đi vào lịch sử điện ảnh tài liệu Việt Nam như: Những nẻo đường miền Trung, Những cánh chim Hồng Gấm, Những người săn thú trên núi Đắc Sao...
Nhà quay phim Kpa Y Van (thứ 4 từ trái sang) và Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông (thứ 5) cùng các đồng nghiệp trẻ - Ảnh: L.LỢI
Nhà quay phim Kpa Y Van nhớ lại: “Phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đắc Sao quay từ năm 1969, thời gian quay cả năm trời, gặp gỡ hết đơn vị bộ đội này đến buôn làng khác để khai thác tư liệu, quay phim. Ban đầu tôi và Nghệ sĩ nhân dân Trần Thế Dân định lấy tên phim là Đăm Bờ Ri - đi tìm nữ thần mặt trời làm vợ. Nội dung phim ca ngợi đồng bào dân tộc chỉ có chiếc khố quấn bên người và cây súng ca - răn trên tay mà bắn rơi máy bay của không lực Hoa Kỳ, thật là anh hùng. Nhưng rồi đổi tên thành phim Những người săn thú trên núi Đắc Sao. Trong đó có hình ảnh tôi rất ấn tượng: chiếc mũ sắt của lính Mỹ được đồng bào úp trong nhà sàn trên một cọc gỗ cùng với đầu những con thú mà họ săn được - như một chiến tích. Sau đó tôi còn làm với anh Trần Thế Dân bộ phim tài liệu Trở về nương rẫy, quay chủ yếu ở Gia Lai trong hoàn cảnh chiến tranh rất ác liệt, khó khăn đủ thứ. Tôi chỉ là người làm phim thời sự, nhờ học hỏi anh Dân, người học điện ảnh ở Bắc Kinh về, rất giỏi nghề...”.
Sau thời gian công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, khi tái lập tỉnh Phú Yên năm 1989, Kpa Y Van về tham gia một vài công việc chính quyền ở địa phương rồi nghỉ hưu trước tuổi. Ông lặng lẽ sống ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi trong gia cảnh rất khó khăn. Nhưng mỗi lần có đồng nghiệp của điện ảnh K5 lên thăm như nhà quay phim Nguyễn Trưng, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, nhà quay phim Trần Ngọc Dân, nguyên Phó giám đốc VTV Phú Yên, đặc biệt là đồng nghiệp ở Hà Nội vào, dành dụm được đồng nào, Kpa Y Van lại kiếm chóe rượu ngon về đãi khách.
16 thành viên của điện ảnh K5 ngày ấy giờ đã bước sang tuổi xế chiều, không còn có mặt trong những buổi gặp mặt truyền thống, nhưng lòng yêu nghề, tình đồng chí, đồng nghiệp thì vẫn còn tươi nguyên như ngày nào. Qua điện thoại di động, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước và Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông đã giúp nhà quay phim Kpa Y Van kết nối lại với rất nhiều đồng nghiệp ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh K5, nhất là gặp lại người thầy của ông - Nghệ sĩ nhân dân Trần Thế Dân.
Chia tay Kpa Y Van bên đám sắn sau nhà, là nguồn thu nhập chính của gia đình ông, Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông day dứt: “Giá mà anh ở Hà Nội hay một thành phố lớn nào đó, cuộc sống, danh phận của anh có lẽ không phải như bây giờ. Một người đã góp phần mang vinh quang về cho điện ảnh tài liệu cách mạng Việt Nam từ đấu trường quốc tế, lẽ nào không được tôn vinh?”.
Chúng tôi chỉ biết cầu chúc Kpa Y Van sức khỏe, có thêm được nhiều cuộc hội ngộ với đồng chí, đồng nghiệp giữa núi rừng buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi…
TRẦN THANH HƯNG