Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, diễn viên văn công Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ đã đem hết nhiệt huyết phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân, không ít người đã mãi mãi nằm lại, trong đó có nữ diễn viên - chiến sĩ biệt động Đỗ Thị Thúy Hồng, người con gái xinh đẹp của đất Đồng Xuân.
Văn công biểu diễn phục vụ thời chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu
Năm 1966, Mỹ đổ bộ vào đất Phú Yên, vùng giải phóng thu hẹp. Địch tăng cường càn quét. Đoàn văn công không chuyên Tỉnh đội Phú Yên lúc bấy giờ sáp nhập vào Đoàn Văn công Y17 Tỉnh ủy thành Đoàn Văn công giải phóng Tỉnh ủy, dưới sự quản lý của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên. Trong đoàn, nổi bật có đồng chí Đỗ Thị Thúy Hồng, quê ở Xuân Quang, Đồng Xuân. Chị là tấm gương sáng, không bao giờ quên trong lòng anh chị em diễn viên.
Khi đó, Thúy Hồng mới 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn, lại đẹp người. Chị còn có biệt tài hát hay, múa đẹp, ca bài chòi thì mùi mẫn. Nhiều người bị quyến rũ bởi con người giỏi giang này. Thúy Hồng không những là diễn viên đa năng mà còn là một nữ biệt động, dưới sự điều động của Bộ Chỉ huy Mặt trận tiền phương đóng tại thôn Định Thọ, xã Hòa Định (Phú Hòa) ngày nay. Ban đêm, Thúy Hồng có nhiệm vụ biểu diễn phục vụ văn nghệ cho nhân dân tại các xã. Ban ngày chị đi làm công tác biệt động. Đó là việc vào TX Tuy Hòa nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời cho Bộ Chỉ huy Mặt trận tiền phương. Nhờ khéo léo, chị len lỏi vào tận khu quân sự ngụy quân, chuyện trò với quân giặc để dò la, nắm bắt các số liệu quan trọng như số quân, số súng đạn, kế hoạch lùng càn của địch... Nhờ nắm được tình hình của địch qua chị Thúy Hồng, Bộ Chỉ huy Mặt trận tiền phương đã có những phương án đối phó hiệu quả.
Một lần, Thúy Hồng hóa trang giả về quê thăm người quen. Mục đích là qua bến đò Lò Giấy về Tuy Hòa 1, bên kia sông để nắm tin bọn dân vệ, ấp xã ngụy quyền ở các xã như Hòa Bình, Hòa Thành, Hòa Phong... Nhờ thân hình mảnh mai, lanh lẹ, chị luồn lách, đi hướng đông, về hướng tây, khiến kẻ thù không hề nghi ngại. Bộ Chỉ huy Mặt trận tiền phương phân công nhiệm vụ mới cho chị. Đó là lấy ám hiệu mật đến cơ sở bên huyện Tuy Hòa 1 để phối hợp các cơ sở mật tại các xã Hòa Đồng, Hòa Bình, Hòa Thành. Tất cả phải được diễn ra nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ để đưa lúa gạo qua sông Đà Rằng. Sau khi đã phối hợp được với nhau, ai nấy vui như ngày xuân.
Đêm mùng 3 Tết Mậu Thân 1968, một sự cố đã xảy ra đối với Đoàn Văn công giải phóng. Đoàn bị lọt vào ổ phục kích của địch tại mũi Bà Di, thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang, Phú Hòa. Cái đêm kinh hoàng ấy đã gây tổn thất lớn, cướp mất của đoàn 3 nhạc công là Tạ Xuân Lý, Đỗ Trọng Lưu và Nguyễn Sưu. Họ hy sinh tại chỗ. Còn Thúy Hồng thì bị thương, gãy 2 chân. Chị cố gắng bò suốt đêm xuống bờ suối Ré rồi kiệt sức nằm tại mép suối. Nguyễn Ngọc Thừa và Vũ Trung Uyên bị thương may nhờ gặp đồng đội đưa về Trạm xá Y 12 điều trị.
Sáng mùng 4 tết, địch tổ chức phản công, phía trên có máy bay yểm trợ. Chúng phát hiện vết máu của Thúy Hồng nên dò theo ra đến bờ sông. Nhìn thấy Thúy Hồng, chúng trầm trồ trước người con gái đẹp và có ý định giở trò. Nhưng chúng bất ngờ trước đòn phản công của Thúy Hồng. Chị xô chúng ngã nhào và lên tiếng xỉ vả bằng những câu khinh miệt và kiên trung nhất. Chúng xấu hổ vô cùng. Chịu không nổi trước những lời đầy khí tiết của người nữ biệt động, chúng đành rút súng bắn, sau đó kéo chị bỏ trên gò Mĩu. Người dân đang chăn bò ở đây chứng kiến tất cả, càng vô cùng khâm phục khí tiết của Thúy Hồng. Họ chu đáo chôn cất chị ngay trên gò Mĩu.
Là nữ diễn viên đa tài và là nữ biệt động xuất sắc, chị Thúy Hồng không những đóng góp công sức cho nghệ thuật mà còn góp phần cho chiến dịch Mậu Thân thắng lợi. Chị hy sinh để lại niềm tiếc thương và sự cảm phục vô cùng đối với những anh chị em là diễn viên ngày đó:
“Sự hy sinh - Lòng dũng cảm
Dòng máu tiên rồng, chết mà không phai
Gương em muôn đời sống mãi
Trang sử vàng ghi đậm chiến công em”.
NGUYỄN NGỌC THỪA
(Diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Tỉnh ủy Phú Yên)