Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của các quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực. Bằng nhiều nỗ lực khác nhau, Thư viện tỉnh đã tổ chức và thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế.
Quang cảnh Ngày hội đọc sách tại Thư viện tỉnh - Ảnh: K.ANH
Với ý nghĩa nói trên, từ ngày 20-26/4, Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách nhân dịp thế giới kỷ niệm Ngày Sách và bản quyền Thế giới (23/4). Đây là lần thứ hai Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội này. Ngày hội trưng bày hơn 3.000 đầu sách các loại bao gồm các nội dung về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bách khoa tri thức, các tài liệu dành cho người khiếm thị, tài liệu ngoại văn và tài liệu nói về địa phương phục vụ cho mọi đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, Thư viện tỉnh bố trí không gian tài liệu về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mô hình lăng Bác xếp bằng sách, trang trọng và đầy ý nghĩa.
Ngày hội đọc sách năm nay với chủ đề “Đọc sách - Niềm vui và trí tuệ” có nhiều hoạt động sôi nổi và bổ ích như: Trò chơi đoán sách dành cho bạn đọc thiếu nhi; chương trình cùng đọc, cùng chia sẻ tài liệu tiếng Anh; giới thiệu sách các tác giả Phú Yên có sách xuất bản năm 2012; giao lưu cùng tác giả và bạn đọc... đã khơi dậy tinh thần ham học hỏi, ham đọc sách đến với độc giả tham gia ngày hội. Các hoạt động tặng sách cho một số điểm đọc sách trên địa bàn tỉnh, góp sách “Xây dựng nông thôn mới” mở ra nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức phục vụ cho nhu cầu hiểu biết của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Bởi ý nghĩa to lớn của Ngày hội đọc sách mang lại nên Thư viện tỉnh cố gắng duy trì hoạt động này thường niên như một cách nhằm thu hút độc giả đến với kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Nhiệm vụ trọng tâm được ngành Thư viện tỉnh xác định là xã hội hóa hoạt động thư viện, khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia và phát triển thư viện, tủ sách, phòng đọc sách ở địa phương. Các địa điểm đọc sách như: Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội; Hội Người mù tỉnh; 2 điểm đọc sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Hà Rai và thôn Xí Thoại thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân; thư viện xã Hòa Quang Bắc, thư viện xã Hòa Thắng thuộc huyện Phú Hòa đã được khôi phục và xây dựng là thành quả sau một năm Thư viện tỉnh nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nói trên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của ngành Thư viện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh nói: “Đơn vị đã phối hợp với chính quyền cơ sở khảo sát điều kiện, nhu cầu đọc của người dân các xã, thôn, buôn tại một số huyện trong tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy đội ngũ cán bộ thư viện xã, phòng đọc sách cơ sở, chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chế độ lương hay phụ cấp. Trụ sở hoạt động của các thư viện huyện, phòng đọc sách không độc lập gây tâm lý e ngại cho người dân mỗi khi có nhu cầu tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, diện tích không đảm bảo cũng ảnh hưởng đến việc lưu trữ, bảo quản tài liệu. Thư viện tỉnh mặc dù nỗ lực rất lớn trong việc khôi phục và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, nhưng vì là cơ quan chỉ đạo về chuyên môn nên sự tác động còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng mới các thư viện, phòng đọc sách cơ sở hiện nay là hết sức khó khăn, thiếu các nhân tố tác động, thúc đẩy việc hình thành mới các thư viện, phòng đọc sách cơ sở”.
Trong nỗ lực nhằm đưa sách về với cơ sở, Thư viện tỉnh phấn đấu năm 2013 sẽ tiếp tục xây dựng mới 4 điểm đọc sách, trong đó có 2 điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng trong năm nay, Thư viện tỉnh được thụ hưởng Dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ với mục tiêu lâu dài của dự án là góp phần nâng cao năng lực phục vụ, cách thức cung cấp thông tin máy tính và internet cho các thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới, tập trung hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin, được hưởng những lợi ích về kinh tế - xã hội do dự án mang lại. Thư viện tỉnh sẽ tổ chức kho tài liệu tự chọn theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu thư viện.
Ông Lê Văn Duy, Phó giám đốc Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VH-TT-DL tại Đà Nẵng đã đánh giá các hoạt động nhằm phát huy văn hóa đọc trong quần chúng nhân dân đang gặp nhiều khó khăn ở nhiều tỉnh. Đặc biệt khó khăn hơn khi phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và phát huy văn hóa đọc của mạng lưới thư viện cơ sở ở nhiều địa phương hầu như bị bỏ ngỏ. Nhưng Thư viện tỉnh Phú Yên lại đạt được nhiều thành công, đặc biệt là hoạt động thư viện tại cơ sở. Ông Duy nhấn mạnh lãnh đạo ngành VH-TT-DL Phú Yên tiếp tục quan tâm, đầu tư để hoạt động thư viện phát triển hơn nữa trong tương lai.
DIỆU ANH