Thứ Ba, 08/10/2024 21:52 CH
Ông Mười Đạo nói về hò đối đáp
Chủ Nhật, 14/04/2013 14:00 CH

Ở cái tuổi 93, ông Nguyễn Khiêm (tên thường gọi là ông Mười Đạo, ở thôn Vạn Phước, phường Xuân Thành, TX Sông Cầu) vẫn còn nhớ như in thời vàng son của điệu hò đối đáp. Ông là một trong những người hiếm hoi còn nhớ nhiều và đầy đủ về những câu hò đối đáp mang đặc trưng của người dân đất Phú, giúp những ai muốn tìm hiểu và lưu giữ làn điệu dân ca này được dày thêm hiểu biết thông qua những câu hò dí dỏm của ông.

 

ong-muoi-dao130414.jpg

Ông Mười Đạo xem lại các điệu hò đã ghi - Ảnh: T.DIỆU

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên Nguyễn Đình Chúc, hò đối đáp là một điệu hò trong làn điệu hò khoan - một làn điệu dân ca thông dụng trong sinh hoạt văn hóa của Phú Yên và một số nơi khác trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Miên man theo điệu hò của ông Mười Đạo, một không gian văn hóa của vùng đất Phú Yên cách đây chừng hơn nửa thế kỷ như được mở ra. Những thiếu nữ thôn bên, làng bên đang giã gạo, khâu áo... cất điệu hò như thách thức những đôi tai thính tinh nhanh của thanh niên khắp chốn. Chàng thanh niên nghiêng tai lắng nghe rõ hơn tiếng hò người con gái tới đối đáp cùng nàng.

 

Người nữ đối:

Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim.

Người nam đáp trả:

Một mai anh không bỏ nàng

Anh còn giữ nghĩa bạc vàng của ta

Sợi chỉ đều se sáu đậu ba

Se lâu bền chặt hơn là gấm thêu

Em nghiêng tai anh tỏ hết đôi điều

Gắng công mài sắt khó bao nhiêu cũng thành

Lời nguyện chứng có trăng thanh

Trăm năm ghi nhớ không ai đành bỏ ai.

 

Trong đám thanh niên ở làng, ông Mười Đạo hò hay nhất nên các cô cứ xếp hàng mà thích, mà theo. Ông trầm ngâm giây lát rồi kể: “Người hò giỏi phải là người thuộc nhiều điển tích (những sự tích xưa có tính khuôn mẫu), lại phải nhanh trí và sáng dạ mới có thể kịp thời đối đáp ngay tại hiện trường do phải tự mình nghĩ ra câu đối cho hay”.

 

Thanh niên thời của ông ai cũng mê hò đối đáp. Có hôm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú theo hò mãi tận những làng xa. Vợ chồng ông nên duyên cũng từ những câu hò ý vị ấy. Giờ đây, khi người vợ dấu yêu đã về cõi vĩnh hằng, ông Mười Đạo vẫn nhớ như in lời vợ dặn: “Anh đã đi bắt cặp với nẫu thì phải hò cho hay chớ không thì xấu hổ lắm”. Đã có thời mà hò đối đáp trở thành thước đo cho danh dự và phẩm chất của thanh niên đất Phú như thế. Hò đối đáp phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống từ chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước đến đạo lý nhân nghĩa ở đời.

 

Ông Mười Đạo còn biết nhiều lắm về những điệu hò khác như: hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò đan lưới, hò giao duyên... Nhưng tiếc thay, ngay cả con cái trong gia đình ông cũng không ai mặn mà gì với việc tìm hiểu loại hình nghệ thuật này.

 

Chị Nguyễn Thị Thu, cháu nội ông Mười Đạo nói: “Hồi tôi còn bé, ông bà nội thường dẫn tôi đi sinh hoạt hò hát. Nghe thì hay đấy nhưng tôi không tìm hiểu vì cũng chẳng có dịp nào mà hò cho người khác nghe. Ông nội tôi có 5 người con và hơn 40 cháu nhưng chẳng ai mặn mà tìm hiểu các điệu hò nữa. Bây giờ, những người trẻ chỉ nghe tân nhạc thôi”.

 

Giờ đây, những điệu hò đối đáp chỉ còn vang lên trong những buổi sinh hoạt hiếm hoi của đám “bạn già” ngoài 60 tuổi trong Câu lạc bộ Hò đối đáp của thôn Vạn Phước do ông làm chủ nhiệm, hay trong những hội diễn văn nghệ mà cấp trên yêu cầu. Hò đối đáp gần như đã mất đi trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng cùng với những điệu hò dân ca khác, hò đối đáp là nền tảng văn hóa tạo nên các giá trị tinh thần của người đất Phú cần phải được gìn giữ và phát huy. Theo cách của mình, cứ mỗi lần nhớ ra câu hò nào đó thì bất kể ngày hay đêm, ông Mười Đạo đều chép lại các làn điệu, câu hò mà lưu giữ lại.

 

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Sông Cầu cho biết: “Ông Mười Đạo là một trong những người ít ỏi còn lại ở TX Sông Cầu còn biết nhiều các làn điệu hò. Ông cống hiến hiểu biết của mình qua những câu hò trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ; ghi chép lại những làn điệu, trình bày cho những tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu, sưu tầm. Trước nguy cơ mai một của điệu hò đối đáp, tôi hy vọng Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí nhiều hơn cho hoạt động bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek