Hiếm có vùng đất nào ở Phú Yên mang trên mình chiều sâu văn hóa với nhiều lớp trầm tích như Tuy An. Những hiện vật văn hóa độc đáo từ hàng ngàn năm trước của cha ông được tìm thấy, nhiều “nhân kiệt” cũng xuất thân ở vùng đất này...
Khách tham quan chụp hình lưu niệm trước tượng Tổng bí thư Trần Phú ở khu di tích thành An Thổ - Ảnh: T.QUỚI
VÙNG ĐẤT CỦA CÁC DI SẢN VĂN HÓA
Tuy An tự hào là quê hương, nơi phát tích của hai bộ di vật văn hóa đàn đá, kèn đá có niên đại cách đây hàng ngàn năm. Hai bộ di vật này, sau khi được phát hiện, qua nhiều cuộc hội thảo, quá trình nghiên cứu được các nhà khoa học hàng đầu về âm nhạc trong nước và quốc tế đánh giá là độc đáo, chuẩn mực về thang âm, điệu thức (đàn đá) và là loại khí cụ, bộ hơi có một không hai trên thế giới (kèn đá). Hiện tại, hai di vật văn hóa này được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Phú Yên chờ được cơ quan chức năng lập hồ sơ hoàn thiện đệ trình lên tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để công nhận là di sản của nhân loại.
Theo tiến sĩ Trần Quang Hải (con trai giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê), hiện đang làm việc tại Pháp, đã về Phú Yên thẩm định thang âm, điệu thức của bộ đàn đá và kèn đá Tuy An, khẳng định: “Hoàn thiện và độc đáo. Đây vừa là báu vật quốc gia vừa là tài sản vô giá cần bảo tồn và phát triển, trong đó có ngành du lịch”.
Đá hiện hữu, gắn bó trong đời sống hàng ngày của người dân qua nhiều thế hệ thông qua những vật dụng hình ảnh gần gũi: hàng rào đá, nhà đá, giếng đá, mộ đá... Trong đó đỉnh cao của tạo hóa về đá đó là gành Đá Đĩa, một hiện tượng thiên tạo độc đáo không chỉ với Phú Yên, Việt Nam mà cả thế giới. Di sản văn hóa đá tự nhiên này có nhiều tiềm năng du lịch, giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Phú Yên, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Di sản văn hóa đá Phú Yên” nói: “Gành Đá Đĩa, cặp kèn đá, bộ đàn đá Tuy An là di sản văn hóa đá nhân tạo và thiên tạo có giá trị lịch sử - văn hóa và địa chất nổi bật, thuộc diện “độc nhất vô nhị” - đó là một trong những đặc trưng trong Di sản văn hóa đá Phú Yên”
Trong dòng chảy văn hóa qua nhiều thế hệ, Tuy An đã sản sinh ra những nhân tài xuất chúng ở nhiều lĩnh vực. Đây là nơi sinh Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú, danh nhân Lê Thành Phương, thiền sư Liễu Quán người khai sáng dòng thiền Lâm tế, Thánh Anrê nổi tiếng trong thế giới Công giáo và nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng tài năng...
Nói về chiều sâu và các lớp trầm tích văn hóa của Tuy An, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thu Trang (Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên) cảm nhận: “Không có vùng đất nào của tỉnh Phú Yên tập trung nhiều di sản văn hóa, có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng bằng Tuy An. Tuy An không chỉ là quê hương của nhà văn Võ Hồng, còn là nơi sinh ra nhà thơ Nguyễn Mỹ, Thanh Quế, nhạc sĩ Nhật Lai… Họ là những người đã lưu giữ, đã ghi danh quê hương trên bản đồ văn chương, âm nhạc Việt Nam... Tôi mê và ngưỡng mộ Tuy An bởi các lớp trầm tích văn hóa giàu có của vùng đất này”.
Lễ hội luôn gắn với văn hóa. Lễ hội là một sản phẩm văn hóa được kết tinh và có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng qua thời gian. Và như thế ít nhất với mỗi di sản, di tích văn hóa sẽ có một dạng lễ hội. Đây chính là một dạng văn hóa phi vật thể. Nếu như Phú Yên được nhiều người cho là vùng đất đa dạng và phong phú về lễ hội dân gian trong các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thì Tuy An là hình ảnh thu nhỏ với nhiều lễ hội độc đáo, đặc trưng. Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, tác giả của tập sách “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn”, một công trình dư địa chí văn hóa của Phú Yên, Nguyễn Thị Kim Hoa khẳng định: “Tuy An là vùng đất hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu”.
TÀI NGUYÊN QUÝ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Theo các chuyên gia về du lịch, hệ thống di sản là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Căn cứ vào điều này, rõ ràng Tuy An không thiếu di sản văn hóa độc đáo, nhưng thiếu những khu du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Vụ phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) phân tích: “Bản thân các di sản văn hóa đã là những tài nguyên du lịch. Nếu khai thác có hiệu quả những giá trị của di sản văn hóa đó cho ngành du lịch thì sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”.
Số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch cho thấy, hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam với lý do để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới. Điều này khẳng định di sản văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch.
Dẫu biết vậy, nhưng để bảo tồn và phát triển một di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên thực sự cho ngành du lịch thì phải có quá trình với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Năm 2012, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tiếp tục có nghị quyết về vấn đề phát triển du lịch, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch 5 năm (đến năm 2015) với các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Cùng với đó là sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch, huyện Tuy An sẽ từng bước biến nguồn tài nguyên “tiềm năng” thành “hiện thực”.
TRẦN QUỚI