Nghệ sĩ hài Văn Hiệp đã đột ngột qua đời vào lúc 6g ngày 9/4, sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Trước khi từ giã cõi đời, ở tuổi 71, ông sống một mình tại ngôi nhà 5 tầng cạnh phố Hoàng Mai. Sự cô đơn của người nghệ sĩ tài hoa này làm nhiều đồng nghiệp thương tiếc ông nhiều hơn.
Nghệ sĩ hài Văn Hiệp lúc sinh thời.
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Lạc Trung, Thanh Trì (Hà Nội). Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng khóa với Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Từ năm 1963-1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung ương và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hóa - Thông tin. Ông vừa viết kịch bản truyền thanh, kịch bản truyền hình vừa đạo diễn sân khấu, tổ chức và giảng dạy các lớp diễn viên ngắn hạn. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.
Với thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được giao những vai lão nông thật thà tốt bụng. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem.
Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Tuy nhiên, vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn hài kịch của Văn Hiệp chính là vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến của đạo diễn Dương Ngọc Đức. Ông chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, nghệ sĩ Văn Hiệp đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này.
Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang “lãnh địa” truyền hình và thành công với rất nhiều vai diễn lớn nhỏ trong các phim truyền hình như: Trưởng họ chán cơm, Người vác tù và hàng tổng… Đặc biệt, với series phim Trưởng thôn Văn Hiệp, ông cùng hai danh hài Quang Tèo và Giang Còi đã làm nên hình tượng nhân vật “trưởng thôn” đặc sắc không hề trộn lẫn.
Nổi tiếng với việc mua vui cho thiên hạ nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp có đời sống riêng bất hạnh. Hơn 20 năm qua, ông gần như một mình nuôi con khi vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức và không về. Hai vợ chồng danh hài sống ly thân nhưng không ly hôn. Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với bệnh tật liên miên trong tình trạng tài chính không mấy dư dả.
Ngoài diễn hài, Văn Hiệp thi thoảng còn làm thơ. Ngẫm về cuộc đời mình, ông trào lộng mình là “nghệ sĩ giun” trong bài thơ tự sáng tác với những câu như:
“Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non
Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”.
Ngày còn sống, ông thường kể về mối duyên tình cờ đến với sân khấu: “Ngày bé tôi thích khoa học tự nhiên lắm, mặc dù cũng nổi đình nổi đám khi sinh hoạt văn nghệ trong trường phổ thông. Đang học lớp 10 thì ông bạn Doãn Châu (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) rủ tôi đi thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Lúc đó, nhà tôi đông anh em (9 người) nên tôi thiết nghĩ, học trong trường Sân khấu có học bổng cao sẽ đỡ đần được cho bố mẹ. Thế là tôi đi thi mặc dù tiêu chuẩn chiều cao bị thiếu mất 1cm, mắt thì “híp tịt” nhưng “gỡ” được là nhờ năng khiếu tốt.
Nghệ sĩ hài Văn Hiệp ra đi khi ông chưa nhận được bất kỳ danh hiệu nào. Tuy nhiên, cuộc đời nghệ sĩ chẳng danh hiệu nào cao quý hơn và đáng trân trọng hơn là sự tồn tại trong lòng công chúng. Trước tin bác “Trưởng thôn Văn Hiệp” ra đi, khán giả lẫn nghệ sĩ trong nghề đều vô cùng tiếc thương.
Linh cữu nghệ sĩ Văn Hiệp đang quàn ở nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Theo thông tin từ gia đình nghệ sĩ Văn Hiệp, lễ truy điệu nghệ sĩ Văn Hiệp được tổ chức vào lúc 11g30 ngày 11/4/2013 (tức 2/3 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông và hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển (Hà Nội). |
TRẦN THU (tổng hợp)