Ngày 7/4, UBND TP Tuy Hòa, xã Bình Ngọc và nhân dân thôn Ngọc Lãng long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là dịp cúng Xuân hàng năm (27 tháng 2 âm lịch - PV) của nhân dân thôn Ngọc Lãng.
Làng Ngọc Lãng xưa được hình thành trên những bãi bồi ở phía bắc cửa sông Đà Rằng với tên gọi ban đầu là Nguyệt Tiên Đông, Nguyệt Lãng. Về sau tên làng đổi thành Ngọc Lãng với ý nghĩa là “viên ngọc sáng”. Theo các cứ liệu lịch sử, đình Ngọc Lãng được xây dựng trước năm 1852. Đình nằm trong khuôn viên rộng 2.740m2, mặt tiền quay về hướng nam, kiến trúc theo lối truyền thống đình làng Việt Nam. Trong khuôn viên đình có hai di tích khác là miếu thờ bà Hậu Thổ và miếu Ngũ Hành. Đối tượng thờ cúng ở đình Ngọc lãng bao gồm: Thành hoàng làng, thần Bạch Mã, các bậc tiền hiền, hậu hiền, thổ công... Trong đó, Thành hoàng làng và thần Bạch Mã được các vua triều Nguyễn ban các sắc phong. Các vị tiền hiền được nhân dân thờ tự trong đình gồm: Lê Văn Xuyến, Lê Văn Lưu, Lê Thị Lỗi là những người có công với đất nước và địa phương trong công cuộc khai phá đất đai, quy dân lập ấp. Hiện đình Ngọc Lãng còn lưu giữ một bản chiếu chỉ và sáu bản sắc phong của các vua triều Nguyễn.
Đình Ngọc Lãng không chỉ là cơ sở thờ tự của làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là cơ sở quan trọng phục vụ nghiên cứu về vị trí, vai trò của đình làng trong xã hội xưa và nay. Ngày 2/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký Quyết định số 521/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đình Ngọc Lãng là di tích cấp tỉnh.
Được biết, trên địa bàn TP Tuy Hòa hiện có ba di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, một di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
TRẦN QUỚI