Thứ Tư, 09/10/2024 21:22 CH
Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống
Chủ Nhật, 03/03/2013 14:30 CH

Muốn tìm hiểu về cội nguồn và lịch sử con người vùng đất Phú, người dân có thể đến Bảo tàng Phú Yên như là cách nhanh và đầy đủ nhất để lĩnh hội kiến thức văn hóa. Thế nhưng, người dân trên địa bàn tỉnh hiện chưa có thói quen chọn bảo tàng là điểm đến tham quan.

 

bao-tang-130303.jpg

Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: T.DIỆU

NƠI LƯU GIỮ VĂN HÓA

 

Bảo tàng Phú Yên tọa lạc ở số 151 Trần Phú, phường 5 (TP Tuy Hòa) có diện tích trên 30.000m2. Tòa nhà chính được thiết kế với mặt chính diện phỏng theo hình tượng chiếc mũ của vua Hùng với họa tiết Trống Đồng, chim Lạc xuyên suốt cấu trúc tòa nhà. Gian trưng bày ngoài trời có diện tích gần 4.000m2. Đây là một công trình đẹp về cơ sở vật chất và có vị trí thuận lợi để người dân đến tham quan.

 

Hiện nay, Bảo tàng Phú Yên có 3.350 hiện vật. Tầng một của tòa nhà trưng bày 415 hiện vật là các di chỉ khảo cổ của thời kỳ sơ sử đất Phú Yên bao gồm: hiện vật văn hóa người Chămpa; văn hóa Đại Việt và hiện vật được hiệp hội Unesco (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) công nhận trên địa bàn tỉnh Phú Yên; các công cụ lao động bằng đá của văn hóa Hòa Bình; bộ đàn đá, kèn đá; trụ đá hình búp sen, ngỗng thần Hamsa, linga, yoni của tín ngưỡng phồn thực người Chămpa; sản phẩm gốm Quảng Đức nổi tiếng khắp miền Trung cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX; các loại tiền cổ, trống đồng.

 

Tầng hai trưng bày 433 hiện vật về thời kỳ cách mạng kháng chiến; 227 hiện vật về cuộc sống hiện đại và dân tộc học như: thẻ bài, mõ, trống thúc giục nộp sưu thuế, dao phay, roi điện mà giặc dùng để tra tấn người dân vô tội; đèn măng xông, xe đạp, võng, áo, tư trang của bộ đội; các công cụ lao động sản xuất: hũ sành, bồ đựng lúa, che ép đường, cối xay lúa… Cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Phú Yên với các dụng cụ gùi, ché rượu cần, bầu đựng nước, cồng ba, chiêng năm, trống đôi… đã cơ bản khái quát đời sống, văn hóa, tinh thần của con người và vùng đất Phú Yên.

 

Bạn Thái An, phường 7 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Em đến bảo tàng tham quan, nghe các nhân viên của bảo tàng thuyết minh về hiện vật trưng bày qua các thời kỳ. Qua đó, em có thêm được nhiều kiến thức về lịch sử hình thành dân tộc, đời sống xã hội và cuộc đấu tranh giữ nước và bảo vệ độc lập của người dân đất Phú. Em thấy bảo tàng là nơi để em có thể học hỏi các giá trị truyền thống của người Phú Yên nhanh và hiệu quả nhất.

 

bao-tang130303.jpg

Khách đến thăm Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: H.MY

NGƯỜI DÂN ÍT THAM QUAN BẢO TÀNG

 

Chị Trần Thị Li Ca, nhân viên thuyết minh Bảo tàng Phú Yên cho biết: “Khách đi theo đoàn thường có yêu cầu thuyết minh, đặc biệt là một số trường học trên địa bàn tỉnh, còn cá nhân hầu như không yêu cầu thuyết minh. Hàng ngày, khách đến tham quan bảo tàng chưa nhiều, có thể nói là người dân chưa thực sự quan tâm đến việc đi đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu kiến thức kinh tế, văn hóa, lịch sử của người Phú Yên thông qua hiện vật trưng bày”.

 

Từ khi khánh thành vào tháng 3/2012, Bảo tàng Phú Yên đã phục vụ cho hơn 3.500 lượt khách trong đó có 169 khách nước ngoài. Thực tế cho thấy có rất ít người quan tâm đến nhà trưng bày ở bảo tàng. Một phần vì các gian trưng bày vẫn còn chưa đẹp mắt, chưa hấp dẫn người dân tham quan. Thêm vào đó, người dân vẫn chưa có thói quen đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu. Để bảo tàng đi vào hoạt động và phục vụ đông đảo người dân, thì các ngành, các cấp có liên quan cần phải phối hợp tuyên truyền để hình ảnh Bảo tàng Phú Yên được công chúng biết đến nhiều hơn.

 

Bạn Ngô Thị Thu Hảo, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói: “Sinh viên các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đều được trường tổ chức những chuyến tham quan học tập tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Hầu hết các trường học đều liên kết với bảo tàng tổ chức nhiều chuyến tham quan và học tập. Tôi nghĩ đây là một cách làm hay giúp học sinh, sinh viên có thể tham gia tìm hiểu và thu thập kiến thức từ hiện vật trưng bày. Hoạt động này tỏ ra hiệu quả trong công tác giáo dục thế hệ tương lai, luôn hiểu biết về lịch sử, văn hóa của con người, vùng đất, lãnh thổ Việt Nam”.

 

Lịch sử và văn hóa truyền thống của một lãnh thổ, vùng đất luôn hấp dẫn du khách phương xa, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì thế, các nhà quản lý du lịch nên phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý bảo tàng ở địa phương đưa bảo tàng trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách tuyên truyền hiệu quả để bảo tàng trở thành nơi mà người dân chọn đến.

 

Nhà trưng bày Bảo tàng Phú Yên mở cửa phục vụ người dân đến tham quan từ thứ ba đến chủ nhật hàng ngày. Buổi sáng từ 8g đến 11g, buổi chiều từ 14g đến 16g. Không gian trưng bày ngoài trời mở cửa phục vụ người dân đến tham quan từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 8g-11g, buổi chiều từ 14g-17g.

 

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Điệu xòe Sơn La
Chủ Nhật, 03/03/2013 08:00 SA
“Người Pháp trầm lặng” và Việt Nam
Thứ Bảy, 02/03/2013 07:00 SA
Chim sơn ca xứ cát
Thứ Năm, 28/02/2013 14:05 CH
Sôi nổi các hoạt động
Thứ Năm, 28/02/2013 09:27 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek