Với kinh phí, thời gian cho một bộ phim khá eo hẹp, các đoàn phim (cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình) đều phải tìm bối cảnh, trường quay từ… thiên nhiên có sẵn là chính. Vả lại, phim trường tại Việt Nam hiện nay rất… hiếm, đa phần vẫn chỉ là những bãi đất hoang, không được đầu tư xây dựng quy mô cả về nhà, xưởng lẫn trang thiết bị máy móc.
Với những cảnh cháy nổ lớn, cần bối cảnh rộng, phù hợp nội dung phim nên không thể quay trong phim trường
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Lâu nay, các nhà làm phim không còn thói quen, tư duy dựng cảnh trong trường quay mà chủ yếu vẫn chọn bối cảnh thực cho hợp với điều kiện về kinh phí, tốc độ thời gian làm phim; dù rằng ai cũng biết quay trong trường quay sẽ thuận lợi, chủ động, sáng tạo và hiệu quả hơn. Trừ khi nhà sản xuất ký hợp đồng sản xuất vài trăm tập phim, may ra mới tính đến việc thuê quay trong phim trường, còn chỉ vài chục tập phim như hiện nay, chọn bối cảnh thiên nhiên là phù hợp và kinh tế nhất”.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định: “Tại Việt Nam, phim trường dành cho phim điện ảnh là không có; may ra chỉ có phim trường dành cho phim truyền hình hoặc quay gameshow mà thôi. Tại số lượng phim điện ảnh được sản xuất hiện nay quá ít, ngành du lịch của mình chán lắm, dịch vụ cũng dở, nên chẳng ai có ý định đầu tư làm phim trường theo kiểu kiên cố, lâu dài; lại càng không có ý định xây phim trường điện ảnh. Chính vì thế, chúng ta không thể xây phim trường lớn, lâu dài, chuyên nghiệp như nước ngoài được. Những nhà làm phim Việt Nam vẫn chuộng kiểu tận dụng bối cảnh tự nhiên để làm phim, vì đầu tư ít hiệu quả cao”.
Thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có một phim trường nào đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của các nhà làm phim. Thế nên, việc chọn bối cảnh từ thực tế là phương án khả thi nhất với các thể loại phim, nhất là các phim hành động, võ thuật, chiến tranh cần nhiều cảnh đánh nhau, cháy nổ, khói lửa.
“Cháy nổ trong phim khác với ngoài đời. Trong phim hiệu quả cháy nổ nhiều, nhưng tổn thương ít. Những cảnh cháy nổ, khói lửa chủ yếu phải quay ngoài trời, khó thực hiện trong phim trường vì hiệu quả không cao” - đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ. Khi thực hiện bộ phim có đề tài chiến tranh - Những người viết huyền thoại, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và ê kíp làm phim đã rất công phu chọn dựng bối cảnh (mấy tháng trời) ngay trong khu rừng phía tây dọc đường Trường Sơn thuộc địa phận Hà Tĩnh, giáp biên giới Lào.
Đã thực hiện hơn 400 tập phim về đề tài chiến tranh, có nhiều cảnh cháy nổ, khói lửa, bom đạn, súng ống và hầu hết các phim đều sử dụng bối cảnh tự nhiên; đạo diễn Trần Vịnh cho biết nguyên tắc làm việc của anh là: “Làm phim chiến tranh, người đạo diễn là người cầm chìa khóa vào… nhà tù. Đạo diễn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước mọi tai nạn, sự cố, vì thế phải rất cẩn trọng. Yếu tố nghệ thuật chỉ đứng hàng thứ 2, thứ 3, yếu tố an toàn là đầu tiên”.
Theo đạo diễn Trần Vịnh, trong tất cả các bộ phim chiến tranh anh làm đạo diễn, đoàn phim đều có bộ đội công binh, chuyên gia khói lửa đi cùng để kiểm tra, kiểm soát. Riêng lĩnh vực này, không thể dùng người nghiệp dư hay chỉ làm bằng kinh nghiệm được”. Anh cũng khẳng định, với những cảnh cháy, không thể thực hiện trong phim trường được mà phải quay ngoại cảnh.
Hiện nay, Trần Vịnh đang chuẩn bị thực hiện bộ phim chiến tranh Huế mùa mai đỏ (25 tập), mà theo anh, đây là bộ phim chiến tranh, đánh nhau ác liệt lớn nhất trong cuộc đời làm đạo diễn của anh. Phim có cả máy bay, tàu chiến, xe tăng và rất nhiều súng ống, đạn dược. Là người vẫn còn mang trong mình một viên sỏi chưa thể lấy được - hậu quả tai nạn khi đóng phim Về đời, sau một cảnh nổ mìn - nên Trần Vịnh hiểu rõ mức độ nguy hiểm và sự cần thiết bảo vệ an toàn cho diễn viên khi đóng cảnh có cháy nổ như thế nào!.
Hiện nay, phía Bắc có phim trường Cổ Loa, nhưng dự án vẫn còn dậm chân tại chỗ vì tình hình khủng hoảng kinh tế, không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn. Phía Nam thì hầu như không có. Trong tư duy của người làm phim Việt Nam, một phim trường chuyên nghiệp để có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của nhà làm phim, mọi thể loại phim, xem ra còn xa vời và khó thực hiện.
NHƯ HOA - (SGGPO)