Thứ Năm, 10/10/2024 09:26 SA
Những bài thơ đi cùng hành trình tìm mộ Nguyễn Mỹ
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:00 SA

Là em của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ, bà Nguyễn Thị Tô Huệ luôn dành tình cảm đặc biệt cho hai người anh tài hoa. Riêng với nhà thơ Nguyễn Mỹ, bà có rất nhiều kỷ niệm.

 

Không chỉ nâng niu ký ức về tác giả Cuộc chia ly màu đỏ, bà Tô Huệ còn thuộc nhiều bài thơ gắn với hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.

 

Nha-tho-Nguyen-My.jpg

Chân dung nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ - Nguồn: Tư liệu

* Kỷ niệm nào mà bà nhớ nhất về thời tuổi nhỏ của mấy anh em, trong đó có nhạc sĩ Nhật Lai và thơ Nguyễn Mỹ?

 

- Hồi đó mấy anh em vui lắm, có rất nhiều trò. Anh hai (nhạc sĩ Nhật Lai - PV) đã đi Tây Nguyên, anh ba (nhà thơ Nguyễn Mỹ - PV) khoảng 14, 15 tuổi, còn tôi chỉ khoảng 6-7 tuổi. Tôi nhớ như in những hình ảnh thời ấu thơ. Cậu tôi, các dì và mẹ tôi rất khéo tay, hay làm bánh trong dịp tết, đem bán ở các chợ quê. Mỗi lần mẹ làm bánh thuẫn, bánh men, bánh đậu xanh… là tụi tôi đứng coi, rồi bắt chước bày ra trò chơi làm bánh. Tụi tôi đi tìm chén tô bể, đập làm sao cho nó thành cái khuôn, đem cà mấy cái khu chén bể để lấy phần dưới làm khuôn. Rồi mấy chị em lấy đất nhào làm bột, in vô “khuôn” và cho để ráo nước. “Làm bánh” xong rồi thì đi bẻ cây táo nhơn làm nhà, trang trí rất dễ thương. Ba chị em tôi bày ra chơi những trò đó cùng vài người bạn trong xóm. Chúng tôi bán “bánh đậu xanh” và cũng có vài “người khách” đến mua. Khách hàng thân thiết nhất là anh ba, rất hay mua “bánh” mở hàng. Mua xong, anh ba đưa lên miệng giả đò ăn rồi không trả “tiền”, cắm đầu chạy. Tụi tôi đuổi theo thì anh ngã lăn ra, làm bộ mếu máo. Vậy là mấy anh em ôm nhau cười. Những kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được.

 

Kỷ niệm đó theo anh ba đi tập kết, là hành trang nặng ký trong ba lô của anh. Sau này, khi đọc bài thơ Hoa khế nở của anh ba, tôi nhận thấy có đoạn anh viết về kỷ niệm của mấy anh em:

 

Ngày ấy lâu rồi lâu lắm

Lui cui mấy đứa em thơ

Moi đất, nhặt hoa, bẻ táo cất nhà

Loong coong, mẻ sành, khu bát

Từ buổi mẹ thôi không hát

“Chợ chiều nhiều khế, ế chanh”

Tóc mẹ mỗi ngày một bạc

Sợi già, sợi nhớ thương anh.

 

* Được biết có những bài thơ của những người yêu quý nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ đã song hành với việc tìm mộ nhà thơ. Chuyện như thế nào, thưa bà?

 

- Anh Nguyễn Mỹ có một người bạn làm việc bên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó là người ở cùng nhóm với anh khi anh ngã xuống. Người bạn ấy gặp anh Đinh Mướt, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khi đó, kể chuyện về anh Nguyễn Mỹ và nói rằng mộ anh nằm trên một ngọn đồi ở bờ suối. Anh Đinh Mướt viết bài thơ mang tựa đề Tìm bạn. Bài thơ rất chơn chất, rất thật và rất hay. Tôi nhớ mấy câu cuối:

 

Đồng đội anh ai còn ai mất

 Hãy đến với anh dẫu một chút thời gian

 Dẫu một nắm đất của người đã khuất

 Để đón anh về với đời với quê hương”.

 

Anh Nguyễn Viết Tựu (Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Tựu, anh em bạn dì với nhà thơ Nguyễn Mỹ - PV) đọc được bài thơ của anh Đinh Mướt. Rồi nhà báo Huỳnh Trương Phát viết một bài báo. Và anh Nguyễn Viết Tựu tìm đến. Lúc đó tôi đang ở Sài Gòn. Anh Tựu bảo làm gì thì tôi làm theo. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng tham gia vào việc tìm mộ anh ba...

 

Những gì được tìm thấy là kỷ vật của anh Nguyễn Mỹ: một tấm áo mưa, một cái bi đông, hai đầu đạn, tôi nghĩ có lẽ là đầu đạn bắn vào anh ba, và một chai dầu Trường Sơn. Những kỷ vật đó được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My. Khi tôi cùng anh Nguyễn Viết Tựu và chị Chi Lan ra Quảng Nam, bên ủy ban mời chúng tôi đến và nói: Dù không còn hài cốt, nhưng kỷ vật vẫn là của anh. Bây giờ ý gia đình như thế nào? Nếu muốn đưa anh về quê hương thì họ sẽ chuyển về. Thấy tình nghĩa của họ sâu sắc như vậy nên tôi và chị Chi Lan quyết định để anh nằm lại tại Nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My.

 

Sau khi tìm được mộ, địa phương đã tổ chức những buổi lễ tưởng nhớ anh Nguyễn Mỹ: một đêm thơ ở Trà My và một đêm thơ ở Tam Kỳ. Khi ra thăm mộ anh Nguyễn Mỹ, gia đình hết sức bất ngờ và vô cùng xúc động trước tấm lòng của họ.

 

Ngoài anh Đinh Mướt còn có nhiều người bạn của anh Nguyễn Mỹ, trong đó có nhà thơ Hoài Anh, người ở miền Nam, từng công tác ngoài Hà Nội với anh Nguyễn Mỹ, đã một mình về Trà My tìm mộ anh ba. Và bài thơ của anh Hoài Anh là một sự khích lệ để cho những người nghĩ đến anh Nguyễn Mỹ đi tìm anh. Bài thơ đó có tên Tìm mộ:

 

Chẳng thấy mộ mày đâu

Hết rừng rồi lại suối

Rừng sâu gai mọc dày

Biết có ai mà hỏi

Nghe tiếng suối róc rách

Tưởng tiếng mày đọc thơ

Với tao mày ở mãi

Có chia ly bao giờ…

 

* Bài thơ thật xúc động!

 

- Còn một bài thơ khác, của ông Lê Nguyên Hạnh, ở Sài Gòn, cũng là một người cầm bút. Ổng có mấy câu thơ vô cùng xúc động:

 

Chiều nay đến viếng mộ anh

Bạn bè gặp lại bàn chân ngập ngừng

Thắp nén hương giữa vô chừng

Gặp anh ngay giữa chập chùng Trà My

Giá đừng có cuộc chia ly

Thì màu đỏ ấy chẳng khi nào ngờ

Cái màu đỏ tựa sắc cờ

Cho ta thương đến bao giờ người ơi.”

 

* Xin cảm ơn bà!

 

Trong bài viết Nguyễn Mỹ - đôi nét thơ và đời, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: Nếu so với Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Viếng bạn của Hoàng Lộc vốn được coi như thành tựu của lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Pháp, Cuộc chia ly màu đỏ đã có cái giọng riêng khác biệt nhiều. Nó bẻ gãy lớp lang tự sự vốn là cách viết quen thuộc của nền thơ lúc ấy để đan vào, để tô đậm những nét trữ tình lãng mạn… Nhiều bài thơ chung đề tài với Cuộc chia ly màu đỏ giờ đây đã yên giấc ngàn thu sau khi làm xong nhiệm vụ cổ động vinh quang của nó, Cuộc chia ly màu đỏ thì vẫn sống, vẫn “trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người”.

 

Nhà thơ Nguyễn Mỹ là em trai của nhạc sĩ tài hoa Nhật Lai - người được ca tụng là cánh chim đầu đàn của âm nhạc Tây Nguyên. Mới 16 tuổi, ông đi bộ đội. 3 năm sau, ông tập kết ra Bắc. Năm 1968, ông  trở về Nam đánh Mỹ, công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn khu V và là phóng viên chiến trường báo Cờ Giải Phóng khu vực Trung Trung Bộ. Trong một trận càn của địch, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã ngã xuống bên bờ sông Ðắk Ta (huyện Trà My, Quảng Nam) vào ngày 16/5/1971, khi mới 35 tuổi.

 

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek