Thứ Năm, 10/10/2024 09:23 SA
Hình tượng rắn thần Naga trong nghệ thuật điêu khắc Champa
Thứ Năm, 14/02/2013 19:00 CH

Rắn thần Naga là linh vật huyền thoại của văn hóa Ấn Độ, theo truyền thuyết thì rắn Naga thuộc về cõi âm, sinh sống dưới thủy cung. Linh vật này cũng là đề tài quen thuộc trong nghệ thuật điêu khắc tại một số vương quốc cổ ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có nghệ thuật điêu khắc Champa. Rắn thần Naga trong các tác phẩm nghệ thuật Champa thường được thể hiện một cách sống động và có tính nghệ thuật cao và thông thường bên cạnh rắn thần còn có các linh vật khác như thủy quái Makara, chim thần Garuda hoặc các vị thần khác của Ấn Độ giáo như thần Vishnu, thần Brahma…

 

Phu-dieu-than.jpg

Về chất liệu, hầu hết các bức phù điêu về rắn Naga đều được làm bằng đá sa thạch, sau đó trang trí lên một số bộ phận của các công trình kiến trúc như cửa ra vào, diềm mái, góc tháp… Nhờ các tác phẩm nghệ thuật này mà các khu đền tháp Champa tăng thêm phần tráng lệ và linh thiêng. Khu tháp Chăm hiện nay còn có nhiều phù điêu về rắn Naga nhất là cụm tháp Dương Long ở Bình Định. Tháp Dương Long còn nhiều mảng phù điêu lớn về rắn Naga trang trí ở chân tháp, cửa tháp, phần tiếp nối giữa thân tháp và mái tháp. Đáng chú ý là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc về chủ đề rắn thần ở di tích này gần gũi với nghệ thuật điêu khắc Khơme.

 

Qua nhiều biến thiên của lịch sử, phần lớn các công trình đền tháp Champa đã bị hư hại và sụp đổ, vì thế các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc liên quan đến đề tài rắn thần còn lại không nhiều. Một số ít tác phẩm còn lưu giữ được cho đến nay đều là những kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

 

Một trong những bức phù điêu nổi tiếng nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa liên quan đến rắn thần là tấm trang trí trên cửa ra vào có nguồn gốc ở tháp Mỹ Sơn E1 thuộc khu di tích Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam. Tấm phù điêu này chạm khắc hai trong số ba vị thần chính của Ấn Độ giáo là thần Vishnu  - thần Bảo tồn và thần Brahma - thần Sáng tạo. Đây là chủ đề nói về sự đản sinh ra thần Braham của thần thoại Ấn Độ, trong đó thần Vishnu nằm mơ màng trên rắn thần bốn đầu trôi bồng bềnh trên đại dương vũ trụ. Tay phải của thần giữ lấy đầu còn tay trái giữ chặt cuống sen mọc ra từ rốn của thần, trên đài sen ở đỉnh của bức phù điêu là hình của thần Brahma có bốn mặt nhìn về bốn hướng và đang ngồi trong tư thế tọa thiền. Ở phía chân thần Vishnu có hình một vị đạo sĩ đang thành kính chúc phúc cho cuộc đản sinh. Hai đầu của bức phù điêu là hai chim thần Garuda có thân hình người, hai tay cầm hai con rắn như đang canh giữ cho cuộc đản sinh. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ IX.

 

Một phù điêu khác cũng là tấm trang trí trên cửa tháp có nguồn gốc từ di tích Trà Kiệu ở tỉnh Quảng Nam. Tấm phù điêu này có hình lá đề, bên trong thể hiện thần Vishnu ngồi thiền định trên mình rắn Naga cuộn thành chín khúc, phía sau lưng thần, rắn Naga mọc lên mười ba đầu tạo thành một chiếc tán rộng để che cho thần. Từ thân của thần Vishnu mọc ra bốn cánh tay cầm bốn vật tượng trưng, gồm chiếc gậy, chiếc tù và bằng ốc biển, chiếc đĩa và một đóa sen. Tấm phù điêu này được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và có giá trị vì đề tài liên quan đến thần Vishnu xuất hiện không nhiều trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

 

Chim-than.jpg

Ảnh: Phù điêu thần Vishnu và rắn Naga 13 đầu - Ảnh: N. PHƯƠNG

Một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người biết đến là bức tượng bán phù điêu về chim thần Garuda và rắn thần Naga, tác phẩm này có nguồn gốc từ di tích tháp Mẫm ở Bình Định. Trong tác phẩm này, chim thần Garuda có thân hình người nhưng mang đầu và chân đại bàng. Chim đứng xòe cánh, miệng ngậm chặt đuôi rắn thần Naga, tay phải giữ chặt mình rắn, chân phải đạp lên cổ rắn. Trong khi đó rắn Naga đang cố vùng vẫy, đầu vươn cao như đang cố thoát khỏi miệng chim thần. Nội dung của tác phẩm này bắt nguồn từ sự tích trong thần thoại Ấn Độ, theo đó, chim thần Garuda và rắn thần Naga luôn có mối bất hòa sâu sắc vì mẹ của Garuda bị mẹ của Naga bắt làm nô lệ và sỉ nhục, vì vậy Garuda luôn bắt rắn Naga để ăn thịt hoặc để hầu hạ mình. Thực ra, đây là ảnh xạ về sự xung đột của các tộc người săn bắn ở vùng cao và của các tộc người đánh bắt ở vùng thấp ven biển trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII.

 

Cả ba tác phẩm nghệ thuật trên đây hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa ở Đà Nẵng.

 

Ở Phú Yên vào đầu thế kỷ XX, khi khảo sát di tích Tháp Nhạn, nhà nghiên cứu H.Pacmentier đã cho biết trên di tích này có phù điêu hình những con rắn đang cấu xé các con vật khác. Thật đáng tiếc là những tấm phù điêu này đến nay không còn, có lẽ nó đã bị hư hại trong các cuộc chiến tranh. Nhưng tại di tích Tháp Bà ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa vào năm 1990 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc Champa, trong đó có hai tác phẩm có nội dung về rắn Naga. Hai tác phẩm này tương đối giống nhau, hình tượng rắn Naga được thể hiện có đầu dẹt, thân phủ đầy vảy và uốn cong hình chữ U, đuôi vắt ngược lên cao, đầu ngẩng cao và hướng về phía trước. Nửa thân phía trước của rắn thể hiện kiểu tượng tròn, còn nửa phía sau thể hiện ở dạng bán phù điêu. Đây là tác phẩm trang trí trên bộ mái của công trình kiến trúc. Hai tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII.

 

Cả hai tác phẩm điêu khắc về rắn Naga phát hiện ở di tích Núi Bà đều đang được trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên.

 

Nhìn chung, các tác phẩm điêu khắc Champa có chủ đề về rắn thần đều là những tác phẩm có giá trị về lịch sử và mỹ thuật. Đây cũng là một bộ phận quan trọng đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

 

NGUYỄN DANH HẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek