Thứ Năm, 10/10/2024 09:24 SA
Đàn đá, kèn đá Tuy An - đồng vọng tiền nhân
Thứ Bảy, 16/02/2013 07:00 SA

Trải qua bao biến thiên, “hồn văn hóa” của cha ông lắng sâu qua các vật thể văn hóa đá để lại những thông điệp quý giá cho muôn đời, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm linh và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Ðàn đá và kèn đá Tuy An trở thành báu vật của quốc gia. Mới đây, hai báu vật này được đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam khuyến khích lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa nhân loại.

 

marin1.jpg

Tiến sĩ Marin cùng nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thử âm thanh đàn đá Tuy An  - Ảnh: T.QUỚI

Trong buổi biểu diễn, giới thiệu về đàn đá và kèn đá Tuy An do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, tiến sĩ Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam và nhiều đại biểu như mê mẩn, đắm chìm trong âm thanh của người xưa đồng vọng. Tiến sĩ Marin nói: “Âm nhạc không biên giới, không sắc tộc, không có sự cách ngăn của thời đại và là con đường dẫn đến hòa bình. Tôi đánh giá rất cao về tính độc đáo của hai loại nhạc, khí cụ bằng đá này, nhất là mối liên hệ và sự kết hợp uyển chuyển linh hoạt của chúng. Tôi hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích tỉnh Phú Yên lập hồ sơ đề cử đàn đá và kèn đá gửi đến UNESCO để công nhận là di sản văn hóa nhân loại”. Tiến sĩ Katherine Mauller Marin phân tích thêm: “Tôi không chắc hai nhạc cụ này có cùng thời hay không, nhưng qua cách biểu diễn của các nghệ sĩ thì thấy giữa đàn đá và kèn đá có sự hòa quyện với nhau và hòa được với cả cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là điều rất đặc biệt. Hơn thế nữa, bộ đàn đá có niên đại cách đây hơn 2.500 năm nhưng vẫn có thể diễn tấu được những bài nhạc hiện đại cùng với nhạc cụ điện tử. Tôi đã có một buổi thưởng thức âm nhạc tuyệt vời!”.

 

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, người dày công nghiên cứu hai loại nhạc cụ cho rằng: Trước và sau khi phát hiện bộ đàn đá Tuy An, ở nhiều địa phương trong nước và các nước trên thế giới đều có đàn đá, nhưng chỉ có đàn đá Tuy An được xem là hoàn thiện nhất về mặt thang âm, điệu thức. Về thang âm, bộ đàn đá Tuy An có thang âm rộng (hơn quãng 8), được sắp xếp có chủ ý của người chế tác nên có thể diễn tấu được nhiều tác phẩm âm nhạc khác nhau, kể cả những bản nhạc mới ngày nay và có thể hòa tấu với nhiều loại nhạc cụ, kể cả một số nhạc cụ điện tử. Điểm đặc biệt nữa của bộ đàn đá này mang lưỡng điệu tính. Nó có thể diễn tấu những bài nhạc điệu thức Thứ lẫn điệu thức Trưởng, đây là nét vượt trội, độc đáo so với các nhạc cụ định âm khác.

 

Còn với cặp kèn đá, đây là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, đòi hỏi người thổi phải có làn hơi khỏe và cách nén phù hợp thì mới có thể chơi được. Giai điệu trầm hùng, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “độc” có một không hai trên thế giới.

 

marin3.jpg

Tiến sĩ Marin thử kèn đá - Ảnh: T.QUỚI

Viện Nghiên cứu âm nhạc quốc gia Pháp đã nghiên cứu và đo âm thanh đàn đá, kèn đá bằng phương pháp hiện đại với bộ phần mềm “Overtone Analyzer” cho thấy không có sự sai biệt lớn so với những phương pháp đo trước đây. Điều này khẳng định bộ đàn đá Tuy An có thang âm rất chuẩn. Trong bài luận của mình, GS, TS Trần Quang Hải (con trai của GS Trần Văn Khê) viết: “Đàn đá và kèn đá Tuy An là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật. Không nên mang nó đi khắp nơi để trình diễn mà nên giữ gìn ở viện bảo tàng cho hậu thế . Có thể phục chế những nhạc cụ này để đi trình diễn hơn là sử dụng báu vật gốc có thể bị hư hao trong việc di chuyển. Đàn đá và kèn đá Phú Yên xứng đáng được tôn vinh và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

 

“Ở một thời đại mà chưa có một chuẩn về âm nhạc, không một thiết bị trợ giúp để chỉnh âm, lại được chế tác trên nguyên liệu đá nhưng cha ông ta đã tạo được những nhạc cụ với tính nhạc khá chuẩn. Quả là tài tình” - NSƯT Ngọc Quang tâm đắc. Chính sự độc đáo của đàn đá, kèn đá Tuy An đã khơi nguồn cảm hứng ông viết nên bài “Hồn đá”. “Từ thuở nào, cha ông ta đã gửi lại, gửi lại trong đá. Những âm thanh nghe sao hào hùng, như tiếng lòng, như tiếng nước non của con người từ thuở hồng hoang...”. Đó cũng chính là cái “hồn văn hóa” lặng sâu vào trong đá, là tiếng đồng vọng của tiền nhân với những thông điệp còn bí ẩn với thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Bộ đàn đá Tuy An được nông dân Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện năm 1990 ở vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, Tuy An) đang được lưu giữ cẩn trọng tại Bảo tàng Phú Yên. Theo tài liệu khoa học, tuổi đàn đá Tuy An nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, do chính người tại đây chế tác.

 

Cặp “cóc đá” linh thiêng được một nông dân khác là ông Ðỗ Phán phát hiện năm 1994 ở vùng núi thôn Phú Cần (xã An Thọ, Tuy An). Kèn “cái” nặng 75kg, kích thước đáy 40cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 55cm, lỗ thổi rộng 2,5cm. Kèn “đực” nặng 34,5kg, kích thước đáy 29cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 52cm; lỗ thổi rộng 1,8cm.

 

GIA MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek