Thứ Năm, 10/10/2024 11:17 SA
Nguyễn Viết Ðính và phong cách bonsai tượng hình
Thứ Sáu, 15/02/2013 18:00 CH

Mất 10 năm tìm tòi thử nghiệm, nghệ nhân cây cảnh Nguyễn Viết Ðính (TP Tuy Hòa) đã xác lập được “quy trình cơ bản” tạo dáng bonsai tượng hình, một loại hình nghệ thuật mới, thử thách trí tưởng tượng và lòng kiên nhẫn ở người chơi.

 

bonsai5.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Viết Đính đang “tư duy” cho một tác phẩm bonsai tượng hình - Ảnh: T.QUỚI

Nói về cây cảnh bonsai ở Phú Yên, có không ít tay sành chơi. Nhưng chơi bonsai mang tính đặc trưng hay một trường phái riêng thì không nhiều, chính xác là rất hiếm. Tình cờ, qua một người bạn tôi phát hiện ra một “nhân vật lạ” trong phong cách chơi bonsai. Đó là nghệ nhân Nguyễn Viết Đính với lối chơi “bonsai tượng hình” với kích cỡ kiểng mini và kiểng trung.

 

Cây cảnh mà Nguyễn Viết Đính chơi không lạ, cũng là những loài thường gặp như: sanh, cần thăng, ba chia, bồ đề... nhưng lạ ở cách chơi. Anh Đính không chơi theo những phong cách bonsai truyền thống hay chỉ đơn giản là chia chi, cắt cành, nuôi cho gốc rễ to, cành nhánh nhỏ... mà anh chọn cho mình một phong cách riêng đó là “bonsai tượng hình”. Từ cây phôi ban đầu, bằng kỹ thuật quấn uốn, cắt, ghép và chăm sóc đặc biệt, anh Đính tạo ra những hình tượng độc đáo. Có khi đó là hình thù con nai, con voi, chim đại bàng sải cánh, có khi là hình thù con người, thiếu nữ, vận động viên trượt băng nghệ thuật...

 

bonsai.jpg

Tác phẩm “Bà Trưng ra trận” được uốn từ cây sanh - Ảnh: T.QUỚI

Chơi kiểng bonsai, muốn cho cây có bộ gốc rễ hấp dẫn, chi nhánh cân đối đạt đến mức nghệ thuật ngoài yếu tố thuận theo tự nhiên đều phải cần đến bàn tay điêu luyện của nghệ nhân giàu trí tưởng tượng và lòng kiên trì, nhẫn nại. Với Nguyễn Viết Đính anh chọn cho mình một phong cách hoàn toàn mới đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại gấp nhiều lần, suốt quá trình từ cây phôi đến tác phẩm hoàn thiện. Anh Đính cho biết: “Tôi muốn tạo một lối đi riêng trong cách chơi bonsai mà trước giờ chưa có. Kết quả của mọi sự sáng tạo đều bắt đầu từ thử nghiệm. Có không ít cây bị vứt đi sau nhiều năm chăm sóc. Điều mừng là mình tạo ra các tác phẩm bonsai tượng hình theo ý muốn”. Sau hơn 10 năm bắt tay vào thử nghiệm thể loại bonsai tượng hình (từ năm 2002 đến nay), trong vườn nhà anh Đính có khoảng 100 tác phẩm hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện, như: Con nai vàng, Rồng, Tê giác vàng, Bà Trưng ra trận, Trinh nữ hoàng cung, Trượt băng... từ rễ, thân, cành, nhánh cây sanh, cây cần thăng, bồ đề... Chơi tết năm Quý Tỵ này, anh Đính chuẩn bị từ hai năm trước tác phẩm từ cây sanh 10 năm tuổi “Thanh xà, bạch xà”.

 

Là kỹ sư nông nghiệp nên kỹ thuật chăm sóc cây, cắt, ghép đối với Nguyễn Viết Đính là những thao tác rất thông thạo. Đây chính là lợi thế lớn đối với một nghệ nhân chơi bonsai. Với vốn kỹ thuật điêu luyện, ngoài kỹ thuật tạo hình, lão hóa, thu gọn dáng cây, anh còn lắp ghép cây kiểng vào đá núi, san hô, gốc cây khô… để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện trong mắt người xem. Qua đó, anh đã gửi gắm vào tác phẩm tình yêu quê hương, thiên nhiên, con người vươn tới chân - thiện - mỹ...

 

bonsai3.jpg

Tác phẩm “Con nai vàng” được uốn từ cây cần thăng - Ảnh: T.QUỚI

Về kỹ thuật tạo hình, chủ nhân của phong cách bonsai này cho biết: “Vận dụng cơ chế sinh lý thực vật vào kỹ thuật quấn uốn, cắt tỉa, ghép (rễ, thân, cành) để định hình ra hình tượng cụ thể. Phải luôn điều tiết các kỹ thuật trên cộng với chế độ bón phân hợp lý để khống chế cây sinh trưởng theo ý muốn. Để có một tác phẩm hoàn thiện, người chơi phải mất ít nhất là 5-10 năm từ lúc cây phôi (cây ban đầu)”.

 

Kết quả ban đầu về phong cách “bonsai hình tượng” của nghệ nhân Nguyễn Viết Đính được Hội đồng KH-CN Phú Yên công nhận là một giải pháp, sáng kiến mới. Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, Phó chủ tịch Hội đồng KH-CN tỉnh Phú Yên nhận xét: “Đây là một sáng kiến về nghệ thuật bonsai mà từ trước đến giờ, lần đầu tiên được Hội đồng KH-CN xem xét và công nhận là giải pháp, sáng kiến mới. Nếu được nhân rộng, giải pháp này không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà giá trị kinh tế cũng rất lớn”.

 

Để kiểm chứng thông tin, tôi vào trang tìm kiếm Google với từ khóa “bonsai tượng hình”. Có 1.330.000 kết quả, nhưng không có tài liệu nào viết về nghệ thuật chơi kiểng dạng này. Thử tìm một vài từ khóa khác, nhưng chỉ thấy có cây tự nhiên mang hình thù lạ chứ không thấy “bonsai tượng hình” do con người tác tạo. Trong số này có cây đắng hình thù trông giống hệt một con trâu mộng với đầy đủ đầu, tai, sừng, mình, chân, đuôi... xuất hiện ở Đại Lộc, Quảng Nam và thời điểm đó (năm Kỷ Sửu 2009) được bán với giá 400 triệu đồng.

 

Thật thú vị, sau những giờ phút lao động cực nhọc hay ngày xuân rỗi rãi, ngồi bên ly trà bốc khói ngắm nhìn cây cỏ thiên nhiên được thu hẹp trong chậu kiểng với những hình thù lạ mắt đến tinh tế, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản, phiêu bồng.

 

THẢO LINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hân hoan sách mới
Thứ Năm, 31/01/2013 14:00 CH
Trở lại đoạt giải
Thứ Năm, 31/01/2013 08:00 SA
Người có duyên nợ với Phú Yên
Thứ Ba, 29/01/2013 14:05 CH
Hứa hẹn bất ngờ
Thứ Ba, 29/01/2013 08:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek