Thứ Sáu, 11/10/2024 11:27 SA
Đạo đức của người làm báo:
“Trung thành và trung thực”
Thứ Ba, 18/12/2012 07:55 SA

Nhiều tham luận, ý kiến đã được trình bày tại hội thảo “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”. Đây là dịp để những người làm báo ở Phú Yên nhìn lại mình và chia sẻ cách khai thác, xử lý thông tin để cho ra đời những tác phẩm báo chí phản ánh đúng bản chất vấn đề, thể hiện cái “tâm”, cái “tầm” của người làm báo.

Nha-bao121218.jpg

Các nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện được tổ chức ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên, nói: “Thực chất, nghề báo là một nghề luôn bị chi phối, kiểm soát bởi một hệ thống về thể thức, định chế và đạo đức khắt khe; và thực tiễn cho thấy nhiều khi trong quá trình tác nghiệp, hành vi của nhà báo không chỉ bị chi phối bởi những định chế mang tính pháp quy như Luật Báo chí, mà bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức riêng... Trong thực tế không phải nhà báo nào cũng vận dụng đúng đắn các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sai sót trên báo chí, làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến hình ảnh của báo chí trước công chúng”.

Cùng với sự đi lên của xã hội, báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhân rộng những điển hình nhân tố mới… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí hiện nay vẫn có những tồn tại, khuyết điểm: Một số cơ quan báo chí, một số người làm báo bất chấp tôn chỉ, mục đích, chạy theo kiểu làm báo giật gân, câu khách rẻ tiền. Trong bài tham luận của mình, nhà báo Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Quản lý báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông) cung cấp những thông tin đáng chú ý: Theo đánh giá của Bộ Thông tin - Truyền thông, có 5% báo chí đã đưa tin sai, gây bức xúc cho xã hội, còn lại 95% báo chí đã làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phản biện xã hội. Trong số 5% đưa tin sai sự thật ấy nhiều thông tin được chuyển tải qua mạng internet. Tin sai được phản ánh trong môi trường không biên giới, lan tỏa rất rộng gây bức xúc trong xã hội rất lớn.

Và nhà báo Nguyễn Hữu Bình dẫn lời nhà báo Hà Đăng, một cây bút lão làng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, suy cho cùng đều cốt ở 4 chữ “trung thành” và “trung thực”. Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trung thực với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp, với nghề báo, với cuộc sống xã hội của đất nước và dân tộc”.

Là một cây bút có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý thông tin về lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, trong tham luận, nhà báo Hoàng Chương, ủy viên BCH Hội Nhà báo tỉnh, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Phú Yên, nêu lên thực trạng thông tin thiếu trung thực, không chính xác về sự việc xảy ra. Nhà báo Hoàng Chương đặt câu hỏi: Vì sao các tờ báo lại xảy ra các sai sót nêu trên? Xét cho cùng, theo ông, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các cơ quan báo chí, các nhà báo này chưa thấm nhuần và chưa thực hiện tốt 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mà Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành. 

 

Hoi-thao121218.jpg

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: H.CHƯƠNG

Trong khi nhiều tham luận đề cập đến vấn đề khai thác và xử lý nguồn tin thì nhà báo Tấn Lộc, phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, thường trú khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đề cập đến một khía cạnh khác: bảo vệ nguồn tin là đạo lý của nhà báo. Trong tham luận có tựa đề “Nhà báo với nguồn tin: Quy chuẩn và thực tiễn”, nhà báo Tấn Lộc đưa ra một số minh chứng về việc bảo vệ nguồn tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác, bảo vệ nguồn tin không chính thống, và rồi đặt câu hỏi: Liệu nhà báo có bị nguồn tin chi phối hay không? Nhà báo Tấn Lộc nói: “Có ý kiến cho rằng sự gắn kết giữa nhà báo và nguồn tin là con dao hai lưỡi. Phần lớn nguồn tin mà phóng viên có được đều xây dựng từ kinh nghiệm, uy tín trong quá trình tác nghiệp, kể cả từ quan hệ thân tình trên địa bàn hoặc lĩnh vực được tòa soạn phân công. Khi có nguồn tin, nhà báo có điều kiện thuận lợi để khai thác thông tin, có điều kiện tiếp cận nhanh sự việc. Tuy nhiên, cũng chính vì quan hệ tình thân hoặc nể nang, không ít thông tin đưa ra thiếu khách quan, hoặc có lợi cho nguồn tin đó hoặc phóng viên có mục đích trục lợi cá nhân. Những hành vi này đều vi phạm nguyên tắc đạo đức báo chí”.

Đạo đức của người làm báo trong việc khai thác và xử lý thông tin là vấn đề nóng hiện nay. Theo nhà báo Nguyễn Hữu Bình, một số phóng viên và cơ quan báo chí coi nhẹ việc kiểm chứng thông tin và xác thực các nguồn tin đưa trên mặt báo sai sự thật đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín báo chí đối với công chúng. Và ông nhắc lại lời phát biểu của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Tổng biên tập tạp chí Nghề Báo TP Hồ Chí Minh, một cây bút phóng sự nổi tiếng, kỳ cựu: “Mỗi nhà báo phải xây dựng cho mình một quy tắc tác nghiệp”, yêu cầu nhà báo sau khi viết xong tin, bài phải tự hỏi: Bài báo này có lợi cho ai? Có hại cho ai?.

Đạo đức của người làm báo, suy cho cùng là 4 chữ “trung thành” và “trung thực” - như nhà báo Hà Đăng từng nói.

Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin

Đó là chủ đề của hội thảo do Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên và Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp tổ chức vào sáng 17/12 tại TP Tuy Hòa. Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Báo Phú Yên, Đài Phát thanh -Truyền hình Phú Yên, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố, thị xã, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham dự hội thảo. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lê Thanh Phương và Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đoàn Pháp chủ trì hội thảo.

Các báo cáo, tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề: Đạo đức báo chí là gì? Cơ sở hình thành đạo đức báo chí; những biểu hiện của đạo đức báo chí trong khai thác và xử lý thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… trên báo chí thời gian qua. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động quản lý và tác nghiệp của mình, các đại biểu dự hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến thiết thực để trong thời gian tới, các nhà báo, các cơ quan báo chí thực hiện tốt đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin, góp phần làm cho báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương.

THẠCH BÍCH

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều đổi mới
Chủ Nhật, 16/12/2012 14:15 CH
Khi thi sĩ bất ngờ trở thành họa sĩ
Chủ Nhật, 16/12/2012 14:00 CH
Mùa phim ngắn đa dạng màu sắc
Chủ Nhật, 16/12/2012 11:00 SA
Jennifer Lawrence - quyến rũ và tài năng
Chủ Nhật, 16/12/2012 08:38 SA
Hồn thơ nơi xóm nhỏ
Thứ Bảy, 15/12/2012 14:31 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek