Thứ Sáu, 11/10/2024 11:28 SA
Khi thi sĩ bất ngờ trở thành họa sĩ
Chủ Nhật, 16/12/2012 14:00 CH

Với 30 bức tranh sơn dầu, 15 bức tranh màu nước chọn trưng bày tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh vào thượng tuần tháng 11.2012, Bùi Chí Vinh đã gây ngạc nhiên thú vị cho nhiều người qua phòng tranh Ngày sinh của Ngựa. Lại thêm một thi sĩ “nhảy ngang” làm họa sĩ…

 

Bui-Chi-Vinh.jpg

Bạn bè văn nghệ chúc mừng họa sĩ “trẻ” Bùi Chí Vinh (mặc vest trắng) - Ảnh: P.H

Thơ Bùi Chí Vinh từng “quậy tưng” trên thi đàn, gây nhiều ý kiến trái chiều nhau với hai tập Thơ tình Thơ đời. Chuyển sang viết truyện, anh cũng tỏ ra “mát tay” bằng nhiều bộ truyện có sức quyến rũ thế giới tuổi thơ. Những năm qua anh lại lao vào viết kịch bản phim, kết hợp với đạo diễn - diễn viên Nguyễn Chánh Tín làm serie “phim ma” khá ăn khách. Hết thời “phim ma”, bất ngờ Bùi Chí Vinh trình làng cuộc triển lãm tranh Ngày sinh của Ngựa.

 

Trong vòng một năm nay, những khi gặp nhau “trà dư tửu hậu”, thi sĩ họ Bùi thường lấy ra những tấm ảnh chụp tranh anh vẽ “khoe” với tôi. Cứ nghĩ đây là cuộc chơi “trái nghề” của anh những lúc rảnh rỗi, không ngờ có ngày anh bày biện cả một phòng tranh bề thế tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ và những người yêu quý anh. Không những chia sẻ với Bùi Chí Vinh về mỹ thuật, mà bạn văn nghệ còn “chia lửa” với anh khi mua tranh để anh có tiền trang trải triển lãm. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vốn gắn bó với nhau từ thời Thanh niên xung phong, là một trong những người đầu tiên gắn bông mua tranh Bùi Chí Vinh. Trò chuyện với tôi và nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói: “Thấy bạn mình còn sức khỏe, mê làm việc, mê sáng tạo là mừng. Với trường hợp Bùi Chí Vinh càng đáng ủng hộ”.

 

Nhà thơ Bùi Chí Vinh từ lâu không ăn lương cơ quan nào, mưu sinh bằng chính sản phẩm nghệ thuật của mình làm ra. Thời kinh tế thị trường, rõ ràng những văn nghệ sĩ sống được như anh hơi hiếm.

 

Tuổi Giáp Ngọ, Bùi Chí Vinh sinh ngày 23/10/1954 tại TP Hồ Chí Minh. Đó cũng là lý do chính cuộc triển lãm mang tên Ngày sinh của Ngựa và diễn ra nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 58 của anh. Hơn nữa, theo tâm sự của Bùi Chí Vinh:

 

- Chủ đề xuyên suốt trong tranh của tôi là cuộc hành trình “trường đồ tri mã lực” của một con ngựa chứng vượt qua đủ mọi chướng ngại nhằm tự lực cánh sinh, kết giao bằng hữu. Con ngựa từng hý vang rền trước tình yêu và sự thống khổ, trước tôn giáo và sự hủy diệt, trước lịch sử và sự phù phiếm cho đến việc sử dụng các năng khiếu nghệ thuật trời cho như thơ, văn, âm nhạc, điện ảnh để tồn tại và cuối cùng trú ẩn trong hội họa để tái sinh chính bản thể của mình.

 

Vi-cam.jpg

Vĩ cầm đôi - tranh sơn dầu của Bùi Chí Vinh - Ảnh: P.H

* Ý nghĩa cuộc triển lãm Ngày sinh của Ngựa là vậy, còn mục đích mà anh hướng tới qua phòng tranh này là gì, thưa thi sĩ kiêm họa sĩ Bùi Chí Vinh?

 

- Mục đích của tôi hơi giống thi sĩ Trần Tử Ngang của thời Đường. Hồi xưa Trần Tử Ngang làm thơ không ai biết nhưng làm đại gia thì cả nước Tàu nể phục. Ông mua một cây đàn tỳ bà giá cỡ ngàn lượng vàng rồi tổ chức ra mắt cây đàn và mời tất cả vương tôn công tử, thi hào thi bá đến tệ xá xem đàn. Khi mọi người có mặt, Trần Tử Ngang liền đập nát cây đàn tỳ bà và phát mỗi người một quyển thơ mà mình đã chuẩn bị từ trước. Trong quyển thơ có bài thơ “Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng nhiên nhiên lệ hạ”. Đó là bài thơ Đường bất tử đến giờ này giá trị hơn từ cây đàn tỳ bà mà ông đập nát. Chính vì thế cuộc triển lãm tranh đầu tay của tôi mang ý nghĩa của sự tiên báo. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy thông điệp về ngày tận thế xuất hiện trong một số bức tranh. Ai không tin mặc kệ nhưng tôi tin sẽ có những biến cố rất lớn làm mất một phần trái đất xảy ra vào cuối năm 2012 này. Và Ngày sinh của Ngựa cũng là cột mốc thứ 58 kết thúc mọi hành trình cay đắng.

 

* Anh thực sự bắt đầu cầm cọ từ bao giờ? Cảm hứng sáng tạo một bức tranh có khác gì một bài thơ?

 

- Tôi vẽ bởi vì những ngành nghệ thuật mà mình từng nếm trải như thi ca, văn chương, điện ảnh, âm nhạc hiện nay đều bế tắc trước diễn biến quá nhanh và khốc liệt của thời cuộc. Một kẻ sĩ đúng nghĩa phải phát hiện ánh sáng cuối đường hầm. Tôi tìm thấy ánh sáng trong hội họa, nơi người xem không cần phiên dịch không cần cùng quốc tịch cùng ngôn ngữ mà vẫn hiểu được triết lý của tác giả gửi gắm vào họa phẩm. Cảm hứng đó có ưu thế hơn xa một bài thơ bằng thứ tiếng chỉ có mình dân tộc của mình đọc. Đáng lẽ tôi đã cầm cọ từ năm 9 tuổi, năm đoạt giải thưởng hội họa thiếu nhi châu Á, nhưng cũng may nhờ quên mất hoa tay mà tôi trở thành một nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch.

 

Bui-Giang.jpg

Bùi Giáng và Bùi Chí Vinh - tranh của Bùi Chí Vinh - Ảnh: P.H

* Theo chủ quan của anh, đâu là thế mạnh của tranh Bùi Chí Vinh?

 

- Thú thật tôi sở trường về màu nước và được nhà sưu tập đã quá cố là Lê Thái Sơn đánh giá rất cao. Nếu anh còn sống có lẽ tôi đỡ cực phải lo kiếm tiền triển lãm lần này, vì Lê Thái Sơn có ý định mua hết sạch tranh màu nước của tôi để ứng dụng trong ngành xây dựng của anh trên gạch men và kính màu. Tuy nhiên Sơn đã chết và kế hoạch màu nước của tôi chuyển sang tranh sơn dầu đầy ngẫu hứng. Ngẫu hứng đến mức họa sĩ Uyên Huy ghi vào sổ lưu niệm phòng tranh của tôi một câu đại khái như sau: “Phòng tranh Bùi Chí Vinh phảng phất hình ảnh đầy chất thơ”.

 

* Gia đình có tác động ra sao trong cuộc triển lãm tranh của anh?

 

- Gia đình tôi rất hào hứng khi thấy tôi tạm gác nghề viết bộ truyện nhiều tập, biên kịch phim “mì ăn liền” chuyển sang vẽ tranh. Bởi hai nghề văn chương và điện ảnh kia có vẻ “xa huy chương gần tù tội” nhiều hơn. Còn hội họa nếu bán ế thì theo thời gian càng ngày càng lên giá vì kẻ vẽ nó không phải là một họa sĩ mà là một thi sĩ có máu phiêu lưu mạo hiểm. Thậm chí, gia đình còn là những tác nhân giúp tôi phác họa nên những bức tranh hiện thực huyền ảo lấy từ nguyên mẫu người thân.

 

* Làm thơ, viết văn, viết kịch bản phim và bây giờ ra mắt phòng tranh, giả dụ nếu phải chọn duy nhất một trong số đó thì anh sẽ chọn lĩnh vực nào?

 

- Trên thực tế tôi từng có những thành tựu nhất định về thơ, về văn, về kịch bản phim, và bây giờ phiêu lưu qua lĩnh vực hội họa. Mỗi thứ một chút, thứ nào chán thì thay thứ khác. Cuộc sống nghệ thuật cũng cần thay đổi như xiêm y, mỗi mùa một loại y phục, chán viết văn viết kịch bản phim thì làm thơ, vẽ tranh mới đúng phong cách “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” vậy.

 

***

 

Vâng, có thể nói, việc ra mắt phòng tranh Ngày sinh của Ngựa, Bùi Chí Vinh như tái sinh khả năng hội họa của chính mình. Qua đó cũng cho thấy tình yêu và niềm đam mê lao động sáng tạo không bao giờ cạn trong con người có máu “giang hồ nghệ sĩ này”. Một tình yêu đã được nhiều đồng nghiệp văn nghệ và người yêu mến văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh trân trọng, chia sẻ.

 

PHAN HOÀNG PHAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek