Thứ Sáu, 11/10/2024 13:22 CH
Mai Phương - người đất Phú dựng tráng ca vùng mỏ
Thứ Bảy, 15/12/2012 14:00 CH

Mai Phương - người con của Phú Yên duyên hải miền Trung đã trở thành nhân vật hòa mình trong khúc tráng ca người thợ mỏ tận vùng Đông Bắc, trải bao thăng trầm bây giờ ở tuổi bát tuần sức khỏe và sức viết vẫn “cường tráng”…

 

Mai-Phuong-1.jpg

Nhà văn Mai Phương - Ảnh: PHAN HOÀNG

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập ngành than (12/11/1936-12/11/2012), hội thảo “Nhà văn Mai Phương với văn học về thợ mỏ và Quảng Ninh” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long ngày 8/11. Tròn 80 tuổi đời và hơn nửa thế kỷ hòa mình trong nhịp sống người thợ mỏ để viết, Mai Phương - anh bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc rồi gắn bó mãi với vùng than, đã dựng nên những tác phẩm chân thực và xúc động, là trường hợp độc đáo hiếm có của làng báo làng văn.

 

MỘT HÀNH TRÌNH KHÁC THƯỜNG

 

Gần đây, nhà văn Mai Phương được chú ý bởi hai tập truyện ký Người cao hơn núi (NXB Hội Nhà văn - 2006) và Mai Phương ký và truyện (NXB Văn học - 2012). Ngoài ra, ông còn là tác giả bốn tập thơ đã xuất bản: Sắc hoa vàng (NXB Văn học - 1997), Đi trong cõi người (NXB Văn học - 2002, tái bản năm 2003), Trái tim nhân ái (NXB Hội Nhà văn - 2006), Bài thơ tặng vợ (NXB Văn học - 2008). Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh.

 

Cuối năm 2011, Mai Phương nhận Giải A cho chùm bút ký Ở nơi hòn than lấp lánh sắc màu, Mông Dương chiều sâu lòng người, Cọc Sáu - khúc tráng ca thợ mỏ của Cuộc vận động sáng tác văn học về ngành than - khoáng sản, do Hội Nhà văn Việt Nam và Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam tổ chức.

 

Nhà văn Mai Phương tên thật Lê Viết Thuận, sinh năm 1933 ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tham gia bộ đội kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển ngành ra công tác ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, sau đó làm báo viết văn chuyên nghiệp cho tới nay.

 

Đối với giới cầm bút vùng mỏ và phía Bắc, nói đến Mai Phương là mọi người nghĩ đến một hành trình khác thường, chìm nổi ba đào của một đời người đời văn. Và đằng sau sóng gió cuộc đời ấy của ông là một tính cách thẳng thắn, trung thực, hồn nhiên, lạc quan và sống hết mình với người thợ mỏ, với trường văn trận bút như hòn than rắn chắc rực hồng đến tàn tro.

 

Năm 1957, lúc mới bước vào làng văn, Mai Phương gặp nhiều niềm vui. Sau khi Nhà tôi - bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Văn Nghệ, ông đã nhận ngay lời ưu ái của thi sĩ Xuân Diệu: “Mới viết mà được như thế, là khá”, nhưng cũng không quên nhắc nhở đàn em cái khiếm khuyết trong bài thơ: “Oai hùng trong đồ sộ/ Của một nếp nhà tranh thì mắc bệnh nói đầy đủ, nói có đầu có đuôi và đại ngôn quá”. Không chỉ Xuân Diệu mà cả Chế Lan Viên cũng chú ý tới cây bút mới Mai Phương, bằng những lời động viên lẫn chỉ dẫn cặn kẽ ưu khuyết trong những lá thư gửi cho đàn em. Sự quan tâm của người đi trước đối với người đi sau trong làng văn như vậy bao giờ cũng hết sức quý báu.

 

“Ôi cuộc đời! Vui buồn ta nếm hết

Vị ngọt tan rồi

Cay đắng vẫn còn nguyên”

 

Nhà thơ Mai Phương đã thốt lên như thế khi nhìn lại mình. Cái vị ngọt thời tuổi trẻ ấy rồi cũng đã tan và không phải bao giờ văn chương cũng mang lại cho ông niềm vui mà còn phủ lên bao buồn phiền. Một trong những “tai nạn” lớn nhất là việc ông quyết tâm về Hà Nội học lớp bồi dưỡng viết văn khóa I trường Nguyễn Du, chấp nhận hy sinh nhiều quyền lợi, kể cả ra khỏi biên chế nhà nước - một điều xem như tai họa dưới thời bao cấp, để mong có thêm kiến thức cho nghề văn. Thế nhưng cuối cùng ước mơ vẫn không thành, ông bị cơ quan cũ buộc phải trở về, bỏ dở việc học…

 

 Tiếp theo là khoảng lặng khá lâu trên con đường văn chương của Mai Phương, khi ông dường như thu mình trong công việc làm báo. Nỗi đau và sự trải nghiệm từ đời sống đã giúp Mai Phương “tinh luyện” và cuối cùng ở tuổi “xưa nay hiếm” ông đã trở lại làng văn một cách “khí thế” với những trang truyện ký đầy xúc động về người thợ mỏ vùng than...

 

Mai-Phuong.jpg

Nhà văn Mai Phương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: PHAN HOÀNG

MAI PHƯƠNG TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

 

Trong số những bạn văn thân thiết ở Quảng Ninh hiện nay, có lẽ người hiểu nhà thơ Mai Phương hơn hết là nhà văn Dương Hướng, tác giả tiểu thuyết Bến không chồng lừng lẫy. Vì cao tuổi nên hầu như mọi liên lạc với báo chí và bạn bè đồng nghiệp qua thư điện tử Mai Phương đều nhờ qua Dương Hướng. Lần nào tôi gọi điện ra Quảng Ninh cho một trong hai nhà văn vùng mỏ thì dường như đều gặp được cùng lúc cả hai ông đang ở bên nhau. Cũng vì vậy, tại hội thảo về đàn anh Mai Phương, nhà văn Dương Hướng đã được chọn là người tham luận đầu tiên, với những nhận xét chân tình. Theo ông: “Sự nghiệp làm báo và làm thơ viết văn của nhà thơ Mai Phương gắn liền với vùng mỏ, với ngành than. Khắp vùng mỏ, nói tới nhà thơ Mai Phương ai cũng biết, từ ông giám đốc đến anh em thợ lò, đến các chị em nấu bếp. Đi đến đâu nhà thơ cũng được mọi người tiếp đón niềm nở. Tới nay đã ở tuổi tám mươi nhưng sức lực và tinh thần của nhà thơ thì lớp đàn em chúng tôi cũng không thể theo kịp. Sở dĩ ông viết ký thành công bởi ông gần gũi và thuộc các nhân vật “người thật việc thật” của mình như thể anh em trong nhà. Ông có một lối sống và làm việc rất cần mẫn, khoa học, ngăn nắp, giờ giấc rất chính quy”.

 

Cùng cảm nhận với nhà văn Dương Hướng, nhà thơ Nguyễn Trác cho rằng trước cả tài năng là tấm lòng của Mai Phương đối với vùng đất thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của những người thợ. Tôi chợt nhớ trong một bài viết gần đây của nhà văn Trung Trung Đỉnh về truyện ký Mai Phương có đoạn: “Đọc bút ký Mai Phương gợi cho tôi nhớ lại những dòng cảm xúc tươi rói, những trang văn tươi rói của các nhà văn vùng than thời chiến tranh chống Mỹ. Họ thực sự là những người con anh hùng của vùng mỏ anh hùng với những Đêm ấy vùng than ai thức, Kiểm tu của các nhà văn trẻ, các cây bút trẻ đầy sung sức, những cái tên tràn sức sống: Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Yên Đức, Triệu Nguyễn, Nam Ninh, Trần Nhuận Minh… và sau này là lớp nhà văn “hậu chiến” thành công như Dương Hướng. Võ Khắc Nghiêm, Phan Thanh, Vũ Thảo Ngọc, Trịnh Công Lộc…”. Rõ ràng, những trang truyện ký của Mai Phương đã đánh thức trong lòng người đọc hình ảnh của các thế hệ cầm bút nối tiếp nhau ở vùng mỏ!

 

Trong khi đó, nhà thơ Đặng Huy Giang có cách nhìn xa hơn về quá khứ: “Mai Phương là người của một thời mà những giá trị tinh thần luôn được đề cao. Và đi kèm với giá trị ấy là lòng lạc quan, yêu đời, lãng mạn. Thời Mai Phương sống cũng là thời mà văn học còn mang giá trị độc tôn, có ảnh hưởng lớn trong xã hội”. Từ khái quát, nhà thơ Đặng Huy Giang đi đến cái cụ thể đầy tinh tế của một đời sáng tạo: “Thơ Mai Phương là thơ của một người duy tình, thiên về cảm và giàu chất tự sự. Trong làng thơ Việt Nam, Mai Phương là một hồn thơ đáng quý và có thể Mai Phương còn được gọi với một tên gọi khác: “Nhà thơ của cảm xúc”. Chính cảm xúc đã làm mới Mai Phương và làm nên phẩm chất thi sĩ Mai Phương. Điều này dễ giải thích nếu chúng ta đọc kỹ bài thơ Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi. Bài thơ viết vào năm 2001 và được coi là bài thơ viết thành công về Chủ tịch Hồ Chí Minh gần đây nhất. Hai câu hỏi: Thế giới này còn nữa hay không? và Lãnh tụ mà sao đơn giản thế? đã làm nên cái cốt của toàn bài, để rồi đi đến câu chốt đồng thời là lời khẳng định: Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi!”.

 

Ngoài ra, còn có những đánh giá chân tình và sâu sắc khác về sự nghiệp cầm bút của Mai Phương từ các đồng nghiệp như Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Trần Quang Quý, Lê Toán, Vũ Thảo Ngọc… và đặc biệt là chính những nhân vật vùng than đã xuất hiện trong truyện ký của Mai Phương hoặc am hiểu và chia sẻ với ông những thời điểm khó khăn như Doãn Quang, Nguyễn Trọng Bình, Vũ Viết Cường…

 

Và nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi kết luận về hội thảo: “Mai Phương đã đến đất mỏ và ở lại sống, viết vì ông đã tìm thấy thổ âm của mình. Mai Phương đã trở thành một nhân vật sống động của vùng đất này, là một trong những người đã viết ra một bộ sử quan trọng về một vùng đất, một vùng văn hóa.”

 

“Chiều không em cơn giận đã thôi buồn

Vi vút gió trời thay dần sắc nắng

Ta đã hiểu thế nào ngày em vắng

Và thế nào ngày tháng nếu không em”?

 

Mai Phương - người con của Phú Yên duyên hải miền Trung đã trở thành nhân vật hòa mình trong khúc tráng ca người thợ mỏ tận vùng Đông Bắc, trải bao thăng trầm bây giờ ở tuổi bát tuần sức khỏe và sức viết vẫn “cường tráng”, mà những vần thơ mới viết trên đây của ông đã thực chứng cho điều ấy.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cú hích cho phong trào khiêu vũ
Chủ Nhật, 09/12/2012 14:05 CH
Di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại
Chủ Nhật, 09/12/2012 10:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek