Thứ Năm, 03/10/2024 22:34 CH
Những điều đọng lại sau cuộc thi truyện ngắn chào mừng 395 năm Phú Yên
Thứ Tư, 03/01/2007 08:07 SA

Cuộc thi viết truyện ngắn đề tài 395 năm Phú Yên được Hội LH VHNT Phú Yên phát động từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2006. Đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đã gửi bài tham dự, và ban sơ khảo đã chọn 21 tác phẩm vào vòng chung khảo.

 

070103-trao-giai-1.jpg

Phó Chủ tịch Hội LH VHNT Phú Yên Nguyễn Phụng Kỳ trao giải Nhì cho các tác giả - Ảnh: XUÂN HIẾU

Truyện ngắn đoạt giải Nhất cuộc thi này là Rừng thao thức gió của Phương Trà. Bối cảnh câu chuyện là một xóm nhỏ ven rừng thời hòa bình nhưng dư âm của cuộc chiến vẫn còn. Tác giả đã tạo ra nhiều tình tiết ly kỳ, lắt léo nằm ngoài dự đoán của độc giả. Một người đàn ông lạ mặt tên là Thạch tới xin ngủ nhờ nhà cô Mận. Cô từ chối nhưng rốt cuộc vẫn cho ở nhờ và để đề phòng, cô “lấy con dao để dưới gối”. Câu chuyện lại tiếp tục gây hồi hộp bởi hành tung bí ẩn của người đàn ông này. Anh ta nói tìm trầm nhưng thực chất là tìm hài cốt. Thiên nhiên hoang dã với cọp beo, rắn hổ mang… có làm cho hai người xích lại gần nhau hơn nhưng Mận vẫn không quên anh ta là “ngụy quân, ngụy quyền”. Cô tưởng người đàn ông này tìm hài cốt lính nguỵ nhưng không ngờ tìm hài cốt người du kích mà anh từng chịu ơn. Liệt sĩ ấy hóa ra là đứa con duy nhất của ông Bảy, người cho Thạch ở nhờ. Di vật của liệt sĩ tưởng không tìm thấy nhưng hóa ra là nằm ở trang thờ nhà cô Mận… Ngoài thủ pháp che giấu bí mật, Phương Trà cũng liên tục dùng thủ pháp đồng hiện, lắp ghép quá khứ - hiện tại xen kẽ nhau để đối sánh, quy chiếu và kéo dài kịch tính gây hồi hộp. Kết cục, Mận (người - phía - mình) đã lấy Thạch (người - phía - bên - kia) và có con đang học đại học ở TP. Hai vợ chồng chung sức chung lòng lập nên một trang trại trù phú. Thông qua câu chuyện tình đầy ly kỳ gây cấn của Thạch và Mận, tác giả muốn đưa ra một thông điệp: Hãy hòa giải dân tộc, khép lại quá khứ đem yêu thương thay vào thù hận và cùng nhau nhìn về tương lai.

 

Trong số những truyện ngắn vào vòng chung khảo, các tác giả thường viết theo những mô-tip sau:

 

Thứ nhất là mô-tip “hoài niệm quê nhà”. Tiêu biểu là truyện Nhớ của Đoàn Việt Hùng. Một ông lão gốc Phú Yên vào sống ở Sài Gòn nhưng luôn thả hồn về quê cũ, ông rất vui mừng kết bạn với người đồng hương là cậu bé bán vé số. Nhưng một ngày nọ, cậu bé tới chỗ hẹn mà không tìm thấy ông lão đâu, chỉ thấy một đám tang trên phố lạ tấp nập người. Câu chuyện kết thúc lửng lơ tạo được dư âm trong lòng người.

 

Cùng mô-tip này còn có các truyện Quê nhà (Mạnh Hoài Nam), Hồn của đất (Thu Hồng), Bầy vịt trời (Lệ Thanh)…

 

Thứ hai là mô-tip “dấn thân”, nói về những thanh niên sẵn sàng đến các vùng đất khó khăn để xây dựng đất nước. Dương Long có hai tác phẩm hay về nội dung này. Truyện Thương lắm Vũng La ơi!  kể về một cô gái miền Bắc vào dạy học ở Sông Cầu. Ban đầu xa lạ nhưng rồi mến cảnh, mến trò, và sau đó yêu một chàng trai xứ biển. Truyện Đi tìm câu hát dân ca nói về một cán bộ văn hóa được điều về huyện miền núi Đồng Xuân để sưu tầm dân ca và may mắn thay, cũng “sưu tầm” luôn cả cô gái hát dân ca. Các truyện Bỏ phố (Phan Thế Hữu Toàn), Suối nguồn vẫn chảy (Lê Hồng Sửu), Rừng mai chắp cánh (Nguyễn Duy Tẩm) cũng phản ánh một thế hệ trí thức trẻ sẵn sàng “bỏ phố” lên rừng núi dạy học, bảo vệ lâm sinh… Chàng trai nào cũng tìm được một người yêu lý tưởng ở miền sơn cước và nhận nơi này làm quê hương. Các tác phẩm này tràn ngập cảm hứng lãng mạn.

 

Thứ ba là mô-tip “đổi đời”, ca ngợi những thành tựu của công cuộc đổi mới. Tiêu biểu là truyện Vỗ cánh ngang trời  của Ngô Phan Lưu. Nhân vật Thắng từ nước ngoài về thăm Phú Yên, được anh bạn Phan nhiệt tình giới thiệu diện mạo mới của quê nhà. “Nông thôn đã khoác áo thành thị ngày càng đậm nét (…). Sự đổi thay nhanh chóng này là mơ ước của bao đời để nay thực hiện”. Ngô Phan Lưu vẫn sử dụng lối viết tưng tửng, nhịp văn ngắn, câu từ lệch chuẩn, dí dỏm, đầy chất trí tuệ… Tác phẩm Chuyện ở làng ven sông  của Lệ Thanh nói về sự đổi đời của nhiều người dân Bình Ngọc từ khi mạnh dạn trồng giống hoa mới. Và Khoảng sáng cho những mầm xanh của Nguyên Đạt đề cập tới chuyện Việt kiều sẵn sàng đầu tư máy móc hiện đại để xử lý rác thải thành phố. Câu chữ bình dị nhưng thấm đượm tình người.

 

Xét từ góc độ nghệ thuật, cuộc thi này có sự góp mặt của nhiều cây bút viết truyện có nghề. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số ít tác giả chưa chú ý đúng mức đến kỹ thuật viết văn. Nhiều tác phẩm còn sa vào lối kể lể dài dòng, câu chữ chưa tinh luyện, chưa tạo được những chi tiết “đắt” để gây ấn tượng. Nhiều đoạn văn tả cảnh vật một cách vô hồn, không có dụng ý rõ rệt. Nhiều tác giả còn ghi chưa chính xác các sự kiện lịch sử, dẫu rằng có cách viết hay.

 

Cuộc thi viết truyện ngắn chào mừng 395 năm tỉnh Phú Yên đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. 11 tác phẩm được trao giải là những truyện có chất lượng, phản ánh được nhiều mặt của đời sống và cho thấy được sự trưởng thành của tỉnh nhà qua các thời kỳ lịch sử. Các tác phẩm được chọn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Phú Yên còn có tác dụng giúp đông đảo bạn đọc ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc và cổ vũ thế hệ trẻ tiếp bước các thế hệ cha ông xây dựng một tỉnh Phú Yên giàu đẹp.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những dự định trong năm mới
Thứ Hai, 01/01/2007 08:53 SA
Chấm phá văn xuôi Phú Yên năm 2006
Chủ Nhật, 31/12/2006 07:22 SA
Hồi ức về “Mùa xuân đầu tiên”
Thứ Bảy, 30/12/2006 08:52 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek