Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ Hàn Mặc Tử - một ngôi sao sáng của phong trào Thơ mới trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, trong hai ngày 20 và 21/9, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh nhà thơ tài hoa, bạc mệnh này.
Nguồn: CAND.com.vn
Sau lễ dâng hương tại mộ Hàn Mặc Tử ở đồi Thi Nhân (khu du lịch Ghềnh Ráng), Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử được tổ chức vào sáng 21/9”, với hàng trăm đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên cả nước tham dự. Đây là hoạt động chính trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ (22/9/1912-22/9/2012).
Tại hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học nổi tiếng trong nước như Giang Nam, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Lại Nguyên Ân, Ngô Thế Oanh… đã trình bày nhiều tham luận, mang đến những góc nhìn mới mẻ, thấu đáo hơn về di sản thơ Hàn Mặc Tử. Những vấn đề được nhiều người quan tâm, thảo luận sôi nổi là tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử, quan niệm thời gian trong thơ, thế giới biểu tượng trong thơ, các phương pháp tiếp cận thơ, mối quan hệ giữa thơ và số phận Hàn Mặc Tử…
Tối cùng ngày, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức chương trình giao lưu thơ Hàn Mặc Tử tại Trường đại học Quy Nhơn. Trước đó, tối 20/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, UBND tỉnh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu thơ Hàn Mặc Tử với sự tham dự của đông đảo nhà thơ cao niên. Những người tham dự thưởng thức lại những tác phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử và giao lưu với một số nhà thơ nổi tiếng về nhà thơ Hàn Mặc Tử… Dịp này, nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hàn Mặc Tử cũng đã được tổ chức tại Huế, TP Hồ Chí Minh...
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Rời nơi chôn nhau cắt rốn, Quy Nhơn - Bình Định trở thành quê hương thứ hai của ông. Vì vậy, có thể nói dù không phải là nơi sinh ra, nhưng đất và người Bình Định đã góp phần tích cực bồi đắp hồn thơ Hàn Mặc Tử vươn đến đỉnh cao.
Hàn Mặc Tử được xem là một trong những người khởi đầu dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, người khởi xướng ra trường thơ loạn, trường thơ điên… với nhiều tác phẩm có giá trị độc đáo, đóng góp tích cực cho nền thi ca Việt Nam.
Đất Quy Nhơn là nơi Hàn Mặc Tử sống những năm cuối đời và nằm lại mãi mãi nơi đây. Những nơi gắn liền với người thi sĩ tài hoa, bạc mệnh này ở đất Quy Nhơn đều trở thành những địa danh du lịch nổi tiếng. Du khách đến Bình Định vẫn nhớ thăm Trại phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) - nơi ngày xưa Hàn điều trị bệnh, với những đau đáu về đời và thơ - giờ có phòng lưu niệm của nhà thơ. Mất ở tuổi 28 (1912-1940), Hàn Mặc Tử nằm lại ở chân núi Quy Hòa gần 20 năm, ngày 13/2/1959 được cải táng trên đồi Ghềnh Ráng. Khi Ghềnh Ráng trở thành di tích danh thắng quốc gia, là địa chỉ du lịch, năm 2008, mộ Hàn Mặc Tử cũng đã được trùng tu, tôn tạo đẹp hơn. Đây là một trong những điểm du lịch cuốn hút nhiều du khách viếng thăm khi đến Quy Nhơn, vì thế mộ ông luôn ấm khói hương bay.
YÊN LAN (tổng hợp)