Du lịch Ninh Bình, sau khi thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vãn cảnh chùa hay nếm trải món đặc sản dê núi Tam Điệp, cơm cháy Ninh Bình, rượu đế Kim Sơn đậm đà hương vị... du khách không thể không đến Cố đô Hoa Lư với nhiều giai thoại về hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga.
Du khách đến thăm đền vua Lê tại Khu di tích Cố đô - Ninh Bình - Ảnh: T.QUỚI
DẤU TÍCH CỐ ĐÔ
Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Vết tích của kinh đô đầu tiên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam thế kỷ thứ X giờ là hai ngôi đền nổi tiếng: Đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành.
Cô thuyết minh viên Ban quản lý di tích đền Đinh – Lê giới thiệu: Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoảng 300ha, nằm gọn trong những bức tường tự nhiên là những dãy núi bao quanh. Chính vì địa thế hiểm yếu, nên sau khi lên ngôi Lý Công Uẩn đã cho dời đô về Đại La, nơi đây trở thành cố đô.
Đền vua Đinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường hiện còn chiếc “Long sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá, các hình trang trí được chạm khắc xung quanh rất tinh xảo.
Vào hậu cung đền vua Đinh, thắp nén hương trước tượng thờ vua Đinh, trong hư ảo khói hương như đâu đây hình ảnh cờ lau tập trận của Đại Thắng Minh Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh, người có tài thao lược và hào khí dân tộc lập nên nước Đại Cồ Việt.
Cách chừng 300m là đền vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga. Đền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện.
Đền vua Lê cũng có kiến trúc tương tự. Tòa thờ chính trong cùng có ba gian, gian chính cung thờ Lê Hoàn ngồi hướng về phía trước, bên phải là Lê Long Đĩnh quay về hướng bắc, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga quay hướng nam về phía đền vua Đinh.
“MỘT VAI GÁNH VÁC CẢ ĐÔI SƠN HÀ”
Đến đây, cô thuyết minh viên lại khiến du khách phải rưng rưng khi nói về cuộc đời đầy sóng gió, đa truân của hoàng hậu Dương Vân Nga. Chính sử ghi rằng Dương Vân Nga là hoàng hậu hai triều Đinh – Lê.
Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế và lập Dương Vân Nga làm chính cung hoàng hậu. Năm 979, vua Đinh bất ngờ băng hà, Vệ vương Đinh Toàn lên nối ngôi khi mới 6 tuổi. Dương Vân Nga trở thành Hoàng thái hậu giúp con trai nhiếp chính. Trong lúc đó, đất nước bị đe dọa từ nhiều phía, bên ngoài phong kiến phương Bắc, Chiêm thành phương Nam, bên trong triều thần tranh chấp... Giữa muôn vàn khó khăn Dương Vân Nga và các tướng lĩnh trung thành đã đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã chỉnh đốn binh mã dẹp nội loạn, đại thắng quân Tống (981). Tưởng thưởng công lao, khâm phục tài hoa của hoàng hậu tiền triều, vua Lê lấy Dương Thái hậu và lập làm hoàng hậu. Chính điều này khiến người đời sau đàm tiếu, thậm chí luận tội người phụ nữ đa tài nhưng không theo lễ giáo “tam tòng”.
Nhưng dẫu cho người đời luận tội về đạo làm vợ, nhưng chính sử vẫn thừa nhận Dương Vân Nga là người có công hơn có tội.
Trong khi đất nước đang lâm nguy, nếu chỉ vì quyền lợi riêng và ngôi vị thì đất nước sẽ lâm vào cảnh rối ren, thậm chí bị mất vào tay giặc Tống. Sự lựa chọn và quyết định táo bạo của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy thể hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có tầm nhìn và thức thời.
Cho đến ngày nay, tượng thờ hoàng hậu Dương Vân Nga đặt kế vua Lê nhưng mặt hướng về phía nam đền vua Đinh như thể hiện tình cảm của bà về người cũ. Cũng vì lẽ này mà khi nhân dân làm pho tượng Dương thái hậu khuôn mặt được tô đỏ, thể hiện sự ngượng ngùng của người đàn bà thờ hai đời chồng, một Hoàng hậu thờ hai đời vua.
Ngày nay, khi đặt chân đến cố đô chúng ta vẫn còn nghe nhiều giai thoại đẹp về người phụ nữ hồng nhan đa truân này. Kể rằng, vào đời hậu Lê, có viên đại thần phản đối việc hoàng hậu Dương Vân Nga thờ hai chồng nên đã cho buộc lụa trắng đưa tượng thờ bà từ đền vua Đinh sang đền vua Lê. Ngay sau khi trở về kinh, vị quan này đã lăn ra chết vì đứt ruột! Ngoài ra, vùng Hoa Lư đến nay vẫn truyền tụng những câu hát về bà:
“Nín đi thôi! Nín đi thôi!
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà
Vạc Đinh đã trở về Lê
Nàng Dương chăn gối lại trở về chính cung”
Hay:
“Hai vai gồng gánh hai vua
Hai triều, Hoàng hậu tu chùa Am tiên
Theo chồng đánh Tống bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời”...
QUỲNH MAI