Ấm áp nghĩa tình đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ và Nhật Lai
Thứ Năm, 26/07/2012 11:00 SA
Dẫu có muộn, nhưng cuối cùng quê hương cũng làm được một việc đáng phải làm từ lâu là giới thiệu và tôn vinh tài năng nghệ thuật cũng như nhiệt tình yêu nước của hai anh em ruột trong một gia đình ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, là liệt sĩ, nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhạc sĩ Nhật Lai.
|
NSƯT Thanh Hải- Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển- biểu diễn đàn đá Tuy An mở màn đêm thơ nhạc. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên luôn day dứt: “Quảng Nam, TP HCM và nhiều nơi khác đã nhiều lần tổ chức kỷ niệm, giới thiệu thơ, nhạc của hai ông cho công chúng, cớ gì ngay chính quê hương nơi hai ông sinh ra lại không làm được việc ấy để thế hệ con cháu hôm nay thêm tự hào về những người con của quê hương mình!”.
Có lẽ vì vậy mà đêm 25/7, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, Hội VHNT đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Tuy An tổ chức đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ và Nhật Lai tại thị trấn Chí Thạnh. Đêm thơ, nhạc diễn ra nhẹ nhàng, cảm động bằng việc giới thiệu, biểu diễn những vần thơ, những khúc nhạc một thời lay động trái tim của lớp thanh niên những năm 50, 60,70 của thế kỷ trước, động viên họ hăng hái lên đường tham gia cứu nước, để có “những cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”…
Đặc biệt sự có mặt của những đồng đội, đồng nghiệp của hai ông như nhạc sĩ Kpa YLăng, thầy thuốc ưu tú Trần Tuấn Hùng và gia đình hai ông… thông qua những mẩu chuyện người thật, việc thật giao lưu với khán giả đã làm cho đêm thơ nhạc càng trở nên gần gũi, ấm áp nghĩa tình.
|
Nhạc sĩ Kpa YLăng trong đêm thơ nhạc. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Hai anh em nhạc sĩ Nhật Lai và liệt sĩ, nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ra ở An Nghiệp, huyện Tuy An. Năm 1952 khi mới 16 tuổi Nguyễn Mỹ đã vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường Nam Trung bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác ở Nhà xuất bản Phổ Thông. Giai đoạn đầu những năm 60, thanh niên miền Bắc hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ đã hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu. Chứng kiến những cuộc chia tay người đi kẻ ở cảm động nhưng không ủy mị, Nguyễn Mỹ đã sáng tác bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Bài thơ đã được công chúng yêu thích do chất lãng mạn cách mạng: có bịn rịn, có đắm đuối, nhưng đầy lạc quan thể hiện quan điểm của lớp thanh niên những năm cả nước cùng ra trận…
Cùng với một số bài thơ khác, Nguyễn Mỹ đã định hình một phong cách thơ cho riêng mình, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai. Năm 1968, chính Nguyễn Mỹ đã làm một cuộc chia ly với hậu phương miền Bắc, trở về miền Nam chiến đấu để rồi vĩnh viễn nằm lại tại bờ sông DakTa thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, khi mới 35 tuổi.
|
Quang cảnh đêm thơ nhạc. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Cũng tài hoa và được mọi người quí mến như người em trai của mình, nhạc sĩ Nhật Lai được nhạc sĩ Kpa YLăng tôn vinh là con chim đầu đàn của âm nhạc Tây Nguyên. Nhạc sĩ Kpa YLăng nhớ lại khi ông vừa tập tểnh đánh đàn thì Nhật Lai đã là lãnh đạo của Đoàn văn công Tây Nguyên ở miền Bắc, tiền thân của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk và Đoàn nghệ thuật Đam San (Gia Lai) ngày nay. Nhật Lai đã từng nhiều năm đi chân đất, đóng khố, mang gùi, ngậm tẩu, nói thông thạo 4 thứ tiếng: Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Hơ rê…thâm nhập vào các buôn làng để học hỏi, kế thừa, phát huy dòng âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Từ đó ông cho ra đời những sáng tác độc đáo khiến đồng nghiệp phải nể phục.
Nghe những nhạc phẩm Chim kơ tia, Chim pôngkơle, Suối đàn T’rưng, Bên sông Krôngba…của nhạc sĩ Nhật Lai, người có đôi tai thành thạo sẽ phân biệt được những chất liệu bắt nguồn từ ngôn ngữ âm nhạc mang đặc thù của từng sắc tộc ngụ trên dải đất Tây Nguyên. Những năm sống ở miền Bắc, Nhật Lai đã cảm xúc với quê hương mới đã sáng tác bài Hà Tây quê lụa với giai điệu mượt mà, mềm mại như tấm lụa vàng. Một thời gian dài, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây đã dùng bài hát Hà Tây quê lụa làm nhạc hiệu.
DƯƠNG THANH XUÂN