Từ nguồn kinh phí hỗ trợ xuất bản của UBND tỉnh, trong năm 2006, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã làm “bà đỡ” cho 11 đầu sách ra đời, đáp ứng nhu cầu công bố tác phẩm của các hội viên không có điều kiện xuất bản. PYO đã trao đổi với nhà văn Đào Minh Hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Phú Yên chung quanh “cuộc trình làng” khá rầm rộ nói trên.
* Ông nhận xét gì về các tác phẩm được hỗ trợ kinh phí xuất bản trong năm 2006?
Nhà văn Đào Minh Hiệp - Ảnh: Khương Duy
- So với mọi năm, điều dễ nhận thấy qua các đầu sách được hỗ trợ kinh phí xuất bản trong năm 2006 là số lượng nhiều hơn, các thể loại cũng phong phú hơn (có Âm nhạc, Văn học và Văn nghệ dân gian). Có 2 tác giả Huỳnh Văn Quốc và Trần Quốc Cưỡng xin được giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt
Bên cạnh các cây bút đang độ sung sức, đều đặn công bố tác phẩm như Huỳnh Văn Quốc và Trần Quốc Cưỡng, năm nay hầu hết các tác giả còn lại đều cao tuổi và các tập sách của họ như là một bản tổng kết những thành quả lao động sáng tạo VHNT trong suốt một chặng đường dài. Đó là trường hợp của cố nhạc sĩ Đức Thanh, các tác giả văn học Bằng Tín, Nguyên Đạt, Nguyễn Thị Hồng, Lê Anh, Nguyễn Duy Tẩm, Lê Đình Hy, Lê Thanh Vân. Tác giả Ngô Sao Kim, mặc dù tuổi đời đã cao những vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian của mình. Những tác phẩm của họ, chưa phải là đã hoàn hảo, toàn bích, những đó là những tình cảm rất thật và rất đáng trân trọng.
* Hiếm thấy những gương mặt trẻ trong số các tác giả có sách “trình làng” trong đợt này. Vì sao vậy, thưa ông?
11 đầu sách được hỗ trợ kinh phí xuất bản gồm: Sông Ba yêu thương của cố nhạc sĩ Đức Thanh; các tập truyện ngắn Hoàng hôn màu lá mạ của Trần Quốc Cưỡng, Món quà từ trái tim của Nguyên Đạt, Chung thuỷ của Bằng Tín; các tập thơ Hát với luống cày của Huỳnh Văn Quốc, Chỉ mùa thu ở lại của Nguyễn Duy Tẩm, Trăng khuyết của Nguyễn Thị Hồng, Hoa xương rồng trên cát của Lê Anh, Giọt nắng hoàng hôn của Lê Đình Hy và Lê Thanh Vân; tập nghiên cứu văn nghệ dân gian Ca dao trong hát ru ở Tây Hoà của Ngô Sao Kim và Tuyển tập Thơ-Văn 2000-2005 của nhiều tác giả thuộc Chi hội Văn học.
- Năm nay không có tác giả trẻ thực sự (từ 20 đến 30 tuổi), theo tôi là do những nguyên nhân sau đây. Hoạt động sáng tạo VHNT có đặc thù riêng, không giống với các loại hình lao động khác. Để sáng tác một vài bài thơ, truyện ngắn đăng báo hay tạp chí không khó lắm, nhưng để có cả một tập thơ, tập nhạc, tập truyện ngắn hay một tập tiểu thuyết thực sự có chất lượng không phải là chuyện đơn giản, tác giả phải đầu tư công sức và tài năng mất vài ba năm. Trong khi đó, kể từ năm 2001 đến nay, năm nào Hội Liên hiệp VHNT cũng hỗ trợ kinh phí xuất bản từ 5 đến 10 đầu sách, hầu hết các tác giả trẻ đã được hỗ trợ xuất bản trong những năm qua, đến nay đã đáp ứng được nhu cầu xuất bản các tập bản thảo cũ và để sáng tác các bản thảo mới cần phải có thời gian. Tôi vẫn tin tưởng vào các tác giả trẻ và vẫn đang chờ đợi với niềm hy vọng về những tác phẩm tầm cỡ.
* Từ trước đến nay, các tác giả luôn gặp khó khăn trong việc đưa đứa con tinh thần của mình đến với người đọc. Hội giúp họ bằng cách nào?
- Để đưa được “tiếng lòng” của mình đến với độc giả, công tác xuất bản mới chỉ là bước khởi đầu, và Hội Liên hiệp VHNT với Quy chế Hỗ trợ kinh phí xuất bản sách của UBND tỉnh đã cố gắng làm hết khả năng của mình, không bỏ sót những tác phẩm có giá trị và cũng không in những tác phẩm chưa đạt yêu cầu về nội dung và nghệ thuật so với mặt bằng chung trong tỉnh và khu vực. Bước tiếp theo là giúp cho các tác giả “tiếp thị” được tác phẩm của mình đến với bạn yêu văn học. Để làm được điều đó, hàng năm, sau khi công tác xuất bản sách đã hoàn thành, Hội thường phối hợp với Thư viện Hải Phú, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên và các đơn vị khác tổ chức các buổi giới thiệu sách. Ngoài ra vào dịp năm mới, Thư viện Hải Phú cũng thường tổ chức giới thiệu các ấn phẩm của các tác giả địa phương xuất bản trong năm. Đây cũng là dịp để các tác giả giao lưu với người đọc.
* Xin cảm ơn ông.
YÊN LAN (thực hiện)