Quá trình xã hội hóa sân khấu đã tạo ra nhiều bước “đại nhảy vọt” cho sàn diễn kịch nghệ. Riêng tại TPHCM, tụ điểm tư nhân lấn át hẳn hoạt động kịch nghệ quốc doanh. Chính thị trường sôi động này đã tạo ra những giao dịch mua bán kịch bản khá nhộn nhịp. Qui tắc “hài – chính – bi” được mang ra định giá cho mỗi kịch bản!
Theo đánh giá sơ bộ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tại hội thảo Quyền tác giả trong lĩnh vực sân khấu, mỗi năm có khoảng 20 tác giả có vở được dàn dựng. Con số khá khiêm tốn này cũng đủ tạo ra một thị trường kịch bản không có giá sàn cũng như giá trần. Tuy số tiền để mua kịch bản khá bí mật, nhưng hầu như "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông". Chỉ cần bầu show nào hớ hênh một chút thì "hỏng ăn". Các tác giả thường so kè nhau để kêu giá. Được tiếng viết khỏe như Thu Phương hay Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng dễ bị lỡm như chơi.
Bầu show bỏ tiền ra mua kịch bản nên ngẫu nhiên trở thành Thượng đế, quyết định cả "nghiệp vụ" thêm thắt lẫn cắt xén kịch bản. Tâm lý "méo mó có còn hơn không" đã trở thành chuyện nhỏ đối với các tác giả sân khấu. Từng đi vay mượn để dựng hai vở kịch “Sa Mi” và “Mối tình bạc” để rồi vỡ nợ, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục chấp nhận kiểu "tiền trao cháo múc" thị trường nghệ thuật: "Tôi cứ giao hẳn kịch bản, lấy một lần mấy triệu đồng. Thế là xong, chả ai phiền lòng ai!". Các nhà viết kịch khi nhận tác quyền đều không hề biết nhiều hay ít so với đồng nghiệp viết cùng thể loại, công diễn cùng thời điểm, vì mỗi kịch bản đều được “đấu giá kín” giữa tác giả và bầu show.
Bản thân quyết định giá cả kịch bản sân khấu, nhưng các bầu show rất ngại ngửa bài với thiên hạ, như lời của ông chủ Sân khấu Kịch Sài Gòn - nghệ sĩ Phước Sang: "Vấn đề tiền bạc đôi khi dễ gây hiểu lầm lắm. Có vở tôi trả tác quyền 20 triệu đồng, nhưng có vở chỉ mua 2 triệu đồng để lấy ý tưởng chính thôi". Còn bầu show Hồng Vân chỉ đặt hàng người quen viết cho Sân khấu Kịch Phú Nhuận, mỗi vở giá 5 triệu đồng và không giới hạn thời gian khai thác. Cũng không ký kết biểu diễn bao lâu. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn rạch ròi kiểu khác: "Sân khấu chúng tôi nhận kịch bản gửi tới nhiều không thua gì kịch bản gửi về Hãng phim Truyền hình TP HCM. Có tháng nhận đến chục vở luôn. Chọn kịch bản nào để dựng thì chúng tôi trả tác quyền 6 triệu đồng nếu tác giả nhận một lần, còn không thì trả 400.000 đồng cho mỗi suất diễn".
Có cách trả tác quyền khác nhau, nhưng các bầu show sân khấu đều có điểm giống nhau là không đặt nặng vấn đề tầm vóc nhà viết kịch. Yếu tố ăn khách mới là thước đo tin cậy, do đó vô tình hình thành nguyên tắc vàng "hài - chính - bi" trong thị trường kịch bản sân khấu, nghĩa là "hài kịch cao giá hơn chính kịch, chính kịch cao giá hơn bi kịch". Nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục khá tâm huyết với vở chính kịch “Bóng tối phù dung”, nhưng chỉ nhận được tác quyền 7 triệu đồng khi bán cho Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng, ngược lại vở hài kịch “Người nuốt nước bọt” được bầu show Xuân Hinh ký ngay hợp đồng trả 25 triệu đồng cho một năm toàn quyền sở hữu.
Nhà viết kịch Nguyễn Thu Phương nói: “Bây giờ các đơn vị sân khấu đều có cách ứng xử khá linh hoạt với tác giả kịch bản. Không có khung giá chung, nhưng thuận mua vừa bán. Có kịch bản của tôi được NSND Phạm Thị Thành dựng tại Hà Nội, tôi không chỉ được trả nhuận bút mà còn được tài trợ một chuyến du hí thủ đô xem công diễn tác phẩm của mình!”
Đối với các vở cũ dựng lại, giá chung là 5 triệu đồng, dẫu là các tác giả quá cố lừng danh như Tào Mạt hay Lưu Quang Vũ cũng vậy. Còn một "bi kịch lạc quan" nữa tồn tại rất khó nói khi thực hiện Công ước Berne, là ứng xử tác quyền đối với kịch bản phóng tác từ tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đặt câu hỏi tác quyền cho hai vở kịch bán vé như tôm tươi là “Chị Dậu” và “Số đỏ”, các bầu show tỏ ra ngơ ngác: "Không thể biết được, cứ trả 5 triệu đồng cho người mang kịch bản đến, ăn chia thế nào thì các tác giả giải quyết với nhau".
TUY HÒA