Theo điều tra, thống kê mà Bảo tàng Phú Yên vừa báo cáo vào ngày 25/10, thì hiện nay trên địa bàn huyện Sông Hinh có: 7 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; 555 bộ cồng chiêng (gồm 14 bộ cồng chiêng 5 cái, 350 bộ cồng 1 chiêng 5,183 bộ cồng 3 chiêng 5, 8 bộ cồng 3 chiêng 5 và 1 cồng lớn). Ngoài ra còn có 7 trống, 51 chiêng lớn, 01 cồng lớn, 12 bộ Aráp và một số cồng chiêng không đủ bộ ở buôn La Diêm (thị trấn Hai Riêng).
Về di sản văn hóa phi vật thể: Hiện nay các xã có đồng bào dân tộc thiểu số thường có các lễ cúng phổ biến như lễ cúng vòng đời, lễ cúng về nhà mới, lễ cúng rẫy, lễ cúng giàng, lễ cúng lúa về kho, lễ cưới, lễ cúng bến nước. Tại 3 xã EaBar, EaBá, EaLâm còn duy trì tổ chức lễ đâm trâu. Riêng tại xã EaLy, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao có các lễ cúng Then, cúng mừng thọ, cúng Tạo. Hiện tại, trên địa bàn huyện Sông Hinh có 10 nghệ nhân hát sử thi, 4 nghệ nhân đẽo tượng, 1 nghệ nhân thổi Đinh Lkút (Đinh Gúi), 1 nghệ nhân thổi ống đất, 1 nghệ nhân đánh nhạc cụ bằng tre nứa, 1 nghệ nhân vừa hát vừa đánh đàn tính.
Như vậy, các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Sông Hinh đang lưu giữ một khối lượng di sản văn hóa đồ sộ mang những đặc trưng cơ bản của vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên. Hiện ở Sông Hinh có 2 đại diện tiêu biểu là cồng chiêng và sử thi nằm trong không gian văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
NGỌC CƯỜNG