Dự trại sáng tác khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần này, văn xuôi có 12 tác giả. Đó là các anh chị: Võ Mạnh Lập, Huỳnh Văn Quốc, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Thị Thu Sương, Nguyễn Tấn Hỷ, Nguyễn Đức Lộc, Thoại Văn và Đậu Nữ Vệ. Số lượng tác phẩm dự trại bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký và 10 tập kịch bản phim.
Ưu thế rõ nhất của các tác giả văn xuôi dự trại lần này chính là truyện ngắn và ký. Các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Sương, Thoại Văn, Nguyễn Đức Lộc, Huỳnh Văn Quốc, Nguyễn Đình Quý, Đậu Nữ Vệ phần lớn lấy bối cảnh nông thôn, thị tứ của miền Trung với nhân vật trung tâm là những người lao động chất phác, chân thực. Họ có thể là một nhà giáo, một anh trí thức nghèo luôn day dứt về lẽ sống, khao khát sự yên bình trong tình yêu, trong hạnh phúc gia đình nhưng cuộc đời vốn phức tạp, đầy sự thử thách nghiệt ngã buộc họ phải vượt qua bằng nghị lực của chính mình, có khi phải đánh đổi bằng mạng sống… (“Xóm bên cầu” của Thoại Văn, “Rừng động” của Nguyễn Đức Lộc). Những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Sương, nhiều nhân vật gần gũi với nghề nghiệp của tác giả – nghề dự báo thời tiết. Những chuyện “đếm mưa, xem gió” xác định tọa độ những cơn bão gần, bão xa của chị tưởng như vô hại, nhưng ở mỗi câu chuyện đều gắn kết chặt chẽ với tình người. Đó có thể là chuyện yêu đương của các cô gái vụ viên về thời tiết với anh kỹ sư, đó cũng là những câu chuyện xoay quanh trong những mái nhà tập thể éo le, uẩn khúc từ thời chiến tranh qua thời gian mới hé lộ. Và trên hết vẫn là tình thương sự chia xẻ cảm thông giữa con người với những thân phận đặc biệt (“Phục chế” và “Con còng nhỏ”). Nhân vật trong những truyện ngắn của Nguyễn Đình Quý, Huỳnh Văn Quốc, Nguyễn Đức Hậu còn là những người nông dân, là những cô gái trẻ trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa… họ phải rời bỏ quê làng, mảnh vườn để mưu sinh bằng những nghề khác nhau: như tiếp viên nhà hàng, gái nhảy… Đây là một mảng hiện thực của đời sống hiện đang được nhiều người viết khai thác, cắt nghĩa lý giải những vấn đề mang tính xã hội của nước ta trong quá trình đi vào nền kinh tế thị trường. Song trong cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn khi viết về đề tài này vẫn rất nhân hậu, ưu ái thấm đẫm tình người (“Làng rau ven thị”, “Như thể tìm chim”…).
Tác giả Đậu Nữ Vệ (Quảng Bình) giao lưu với các văn nghệ sĩ Phú Yên – Ảnh: ĐỨC THẮNG
Về thể ký, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những bài ký của tác giả Võ Mạnh Lập khi viết về đồng chí Mười Hương – một cán bộ tình báo cao cấp của Đảng đưa vào hoạt động tại miền
Kịch bản “Nợ tình” của chị Đậu Nữ Vệ (10 tập), đề cập tới một vấn đề rất thời sự hiện nay: bom mìn, hậu quả của chiến tranh còn để lại trên mọi miền đất nước ta. Bom mìn gây đau thương chết chóc, tan nát bao gia đình. Song cũng có những kẻ lợi dụng bom mìn để làm giàu và phá hoại hạnh phúc của người khác. Cốt chuyện hấp dẫn, kịch tính. Nếu tác giả đầu tư kỹ cho kịch bản này, có thể sẽ là một bộ phim dài tập tốt.
Tuy nhiên, một số truyện ngắn, tác giả còn ít chú ý tới việc xây dựng tính cách của nhân vật, tạo ra những chi tiết, tình huống truyện bất ngờ và hấp dẫn để dẫn dụ người đọc. Hoặc có những truyện, tác giả dường như chỉ muốn kể cho xong chuyện. Chuyện không có văn, không có hồn của nhân vật và của chính tác giả.
Việc một số tác giả lạm dụng phương ngữ trong cách hành văn là tối kỵ. Phương ngữ sẽ tạo ra bản sắc truyện, bản sắc vùng đất nhưng nếu lạm dụng quá nhiều, không đúng lúc đúng chỗ sẽ có hại cho văn.
Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2006 là trại thứ 5 được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, tuy chỉ diễn ra trong 15 ngày nhưng đã có rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được các anh chị hoàn thành. Đây là cơ sở để Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chọn lựa ra những tác phẩm truyện ký xuất sắc nhất giới thiệu trên tạp chí của hội, xuất bản thành sách hàng năm. Hy vọng Phú Yên cũng sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới, có chất lượng.
Nhà văn ĐỖ KIM CUÔNG