Thứ Sáu, 29/11/2024 05:44 SA
Nguyễn Huy Thiệp: "Cả thế giới hỗn độn chứ đâu riêng tôi"
Thứ Năm, 12/10/2006 10:35 SA

“Xin người đọc hãy soi xét và phỉ nhổ vào cuốn sách của tôi. Có như thế mới cho ra đời những tác phẩm tốt được” – nhà văn, nhà PBLL Nguyễn Huy Thiệp tâm sự.

 

CON ĐƯỜNG CŨ DẪN TỚI NHỮNG BẤT NGỜ MỚI?

 

Ngày 10/10/2006, Hội Nhà văn Hà Nội đã chính thức trao giải thưởng thường niên cho các cây bút. Nhân dịp này, Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây đã tổ chức một buổi giao lưu với nhà văn, nhà phê bình “trẻ” Nguyễn Huy Thiệp

 

061012-Nguyenhuythiep.jpg
Nguyễn Huy Thiệp trò chuyện với độc giả - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Từ trước đến nay, độc giả cả nước biết đến Nguyễn Huy Thiệp như một ông vua truyện ngắn. Mấy lần xuất hiện với tư cách là cha đẻ của những cuốn tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu”, “Tiểu long nữ” ông đều không thành công. Các nhà phê bình chê tiểu thuyết của Thiệp nhạt, công chúng cũng không hào hứng đón nhận theo kiểu “sách có thể không mang tính nghệ thuật cao song độc giả vẫn tìm mua”. Họ thờ ơ, đơn giản chỉ bởi truyện không hấp dẫn và không có những nét độc đáo, riêng biệt từng làm nên danh tiếng Nguyễn Huy Thiệp.

 

Lần này, được trao giải ở một lĩnh vực khác hẳn chuyện viết lách lơ mơ, thậm chí ngược lại, là môn khoa học nhân văn luận giải về viết lách. Cuốn sách được phát hành đã khá lâu, gây dư luận trái chiều, người thì bảo Thiệp không biết làm phê bình, kẻ lại nói “đó là cuốn phê bình văn học đáng đọc nhất trong vòng 30 năm đổi mới”.

 

Bước chân vào làng văn, ấn tượng sâu sắc nhất của độc giả về Nguyễn Huy Thiệp (thời kỳ đó) cũng là dư luận trái chiều đấu đá nhau kịch liệt về những truyện ngắn “không giống ai”. Liệu lần này, giới nghiên cứu văn chương cả nước có phải “chờ đợi” thêm đôi ba mươi năm nữa để “ngấm”, để “thấu” cái triết lý nhân văn, cái nghệ thuật phê bình “mới mẻ” mà Thiệp trình bày trong “Giăng lưới bắt chim”?

 

“Ra trường ở lứa tuổi 20, tôi, một anh giáo nghèo miền núi, cũng hệt như nhiều bạn trẻ bây giờ, rất bỡ ngỡ trước đời sống thị thành. Ngơ ngác, ngây thơ nhưng tôi ý thức rất quyết liệt về con đường văn chương nhằm kiếm tìm danh vọng - Đó là lời tâm sự của cây đại thụ làng văn mở đầu buổi giao lưu - Tôi đã đọc và nghiên cứu tất cả các tác giả đi trước, từ lứa đầu khi mới có chữ quốc ngữ như các ông Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng… đến lớp nhà văn tiền chiến (Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi…) và các nhà văn thời kỳ chống Mỹ… Tôi nhận ra rằng mình không thể đi con đường của họ mà bắt buộc phải có một cách chuyển tải văn học của riêng mình. Cuốn tiểu luận, phê bình “Giăng lưới bắt chim” mới được ra mắt độc giả nhưng thực ra là tôi tập hợp những bài viết đã đăng rải rác rất lâu rồi, có lẽ từ hai mươi năm nay. Được trao giải, chính tôi cũng thấy thật bất ngờ”.

 

CÓ PHẢI “LƯỚI PHÊ BÌNH VĂN HỌC”?

 

Nhiều độc giả thắc mắc cái lưới mà Thiệp giăng ra là lưới gì? Dùng để bắt chim gì? Đó có phải là con chim… phê bình văn học?

 

061012-Bia_Giangluoibatchim.jpg
Bìa cuốn "Giăng lưới bắt chim"
Trả lời, Thiệp bảo rằng: “Cái tên đó bắt nguồn từ một điển tích liên quan đến sư Huyền Quang trong sách nhà Phật. Khi bắt đầu viết văn, tôi chỉ nghĩ đến danh lợi. Làm người sống ở đời mà không có danh lợi thì chán lắm. Hơn nữa, con người ta vốn tham lam, sân si.

 

Văn học cũng sinh ra từ lòng sân si đó của con người, nó hay dở cũng ở đó, được yêu ghét cũng ở đó.

 

Sau, trải qua một quá trình sống và viết, tôi  mới hiểu viết lách chính là để khám phá cuộc sống. Văn học giải nghĩa quá trình người ta yêu - ghét, lấy nhau - bỏ nhau, kiếm tiền - tiêu tiền… Cũng chả biết mình khôn hay dại khi bước chân vào con đường văn chương. Có thể là dại. Bởi ban đầu tôi cũng rất mông lung, giải thích lung tung mọi thứ… Có lẽ, tôi giăng lưới để bắt con chim chân lý chăng?”

 

“Xông vào văn học, cái được thì không thấy, nhưng cái mất thì quá nhiều - Thiệp tâm sự - Bởi quá trình sống đâu phải là cuộc gặt hái mà là hành trình xuống cấp, càng sống con người ta càng già đi, tồi tệ đi, suy sụp, đểu cáng, hư đốn hơn và đích cuối cùng là cái chết. Còn lúc đầu, khi mới sinh ra, con người đều là sự trong trẻo, thánh thiện cả”.

 

TUNG HỎA MÙ KHI TỰ NHẬN LÀ NGU DẠI?

 

Tự nhận là mình ngu dại, sai sót, lầm lạc có phải là một trong những phương pháp phê bình?

 

Thiệp cho rằng: “Chân lý của cuộc sống là sự hỗn độn, cả phương Đông hỗn độn, cả thế giới hỗn độn chứ đâu chỉ riêng tôi. Trong cái hỗn độn đó, chúng ta tìm cách xây dựng những trật tự nhỏ (như gia đình, anh em, bạn bè…). Còn trẻ, ai cũng tôn trọng trật tự, càng già đi, người ta càng có xu hướng chấp nhận sự hỗn độn cao hơn. Vì thực ra, mọi giá trị cũng luôn biến đổi, nên cái hay của ngày hôm nay chưa chắc đã sống đến ngày mai, còn cái dở có lúc lại lên ngôi và được ca tụng. Chính vì thế, lầm lạc, ngu dốt là chuyện thường tình”.

 

“Cách lập luận của Giăng lưới bắt chim có quá nhiều mệnh đề chỏng lỏn, mới nghe thì hay kinh người, song ngẫm kỹ một chút thì cũng sai lệch kinh người. Ví dụ như chuyện không thể gói tất cả các phạm trù sinh (tính dục, tính giao …) trong một chữ sex… ” là nhận định của một bạn văn.

 

Thiệp cũng khó có thể trả lời lại nhận định này, thay vào đó, nhà văn Châu Diên “nhảy ra” tiếp ứng, “đập” lại: “Thứ nhất, không có cái gọi là văn học sex mà đó là vấn đề của cuộc sống và văn học phải phản ánh nó. Thứ hai, dù là nói về cái gì thì nội dung và hình thức của tác phẩm chỉ là phương tiện được dùng để chuyển tải một ý đồ nghệ thuật nào đó”.

 

GS, nhà PBLL văn học Hoàng Ngọc Hiến cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng: “Mỗi nhà lý luận nhân văn đều có một cách giải thích khác nhau về tác phẩm. Lý luận chẳng qua chỉ là những huyền thoại. Những huyền thoại mới đến sẽ thế chỗ và loại trừ những huyền thoại cũ. Rồi sau đó, những huyền thoại tương lai lặp lại quá trình với những huyền thoại hiện tại”.

 

“Tôi thành thật chúc mừng Thiệp. Thiệp có tặng tôi Giăng lưới bắt chim với lời đề tựa: “Đây là một cuốn sách nhảm nhí, có nhiều nhầm lẫn”, song chính nó đã làm tôi thức tỉnh. Bản thân là nhà PBLL nhưng tôi tự thấy mình chưa làm được điều gì thật sự sâu sắc cho PBLL. Đọc Thiệp xong, tôi thấy mình phải thay đổi”.

 

“Chúc mừng Hội Nhà văn Hà Nội đã tìm đúng tác phẩm để trao giải. Bởi trong tình trạng cả tác giả lẫn độc giả cả nước đều đang nửa tỉnh nửa mê như hiện nay thì sự xuất hiện của Giăng lưới bắt chim là vô cùng quan trọng”.

 

HOÀ BÌNH (VTC)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek