Thứ Tư, 02/10/2024 05:42 SA
Lý luận, phê bình văn học: Thiếu đội ngũ kế cận
Thứ Hai, 09/10/2006 14:22 CH

Sau hai ngày làm việc với tinh thần dân chủ, cởi mở, Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ II đã kết thúc. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội nghị.

 

061009-vhnt.jpg
Các nhà văn về dự hội nghị.

...Văn học đổi mới trong sự đổi mới của toàn xã hội, do đó nó chịu tác động rất mạnh của các yếu tố dân chủ, thị trường  và cá nhân. Hơn nữa, những thay đổi của tình hình thế giới, quá trình hội nhập và xu thế toàn cầu hóa trở thành xu thế chung của lịch sử khiến không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài, đó là những tác động làm cho đời sống văn học trở nên sôi động và thay đổi rất nhanh, vừa phong phú vừa phức tạp, phát triển đan xen các yếu tố thuận và nghịch, mới và cũ, dân tộc và thời đại, tạo nên những xung động nhiều chiều trong quá trình xác lập các giá trị mới.

Có thể nói 20 năm đổi mới đi vào lịch sử như một trong những thời kỳ thăng hoa nhất của văn học dân tộc. Ðó là thời kỳ phát triển cộng sinh của nhiều phương pháp sáng tác. Ðường biên văn học được mở rộng. Tâm lý sáng tạo được giải phóng. Một sự thông thoáng chưa từng có trong lựa chọn đề tài, chủ đề, nhân vật. Ðạo đức xã hội trở thành trung tâm chú ý của nhà văn.

Con người được miêu tả như chính nó với thân phận, nỗi niềm những ẩn khuất vừa hiểu được vừa không thể hiểu hết, vừa cao cả vừa phàm tục, vừa gần gũi vừa kỳ bí. Những cố gắng đổi mới hình thức diễn ra ở tất cả các thể loại.

Những cây bút trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, đem đến những giọng điệu mới. Ưu điểm nổi bật của sáng tác là tính đa dạng. Hạn chế dễ thấy là tình trạng trung bình phổ biến kéo dài. Một trong những nguyên nhân quan trọng là tầm tư tưởng và sự tích lũy vốn sống còn bị hạn chế.

Lý luận đóng vai trò tiên phong trong đổi mới nhận thức, mở rộng các hệ quy chiếu của văn học. Khắc phục những lý thuyết giáo điều, xơ cứng, gò bó, một loạt vấn đề như vị trí, vai trò, chức năng của văn học, quan hệ văn học với chính trị, văn học với hiện thực, văn học với công chúng, phương pháp sáng tác, nhân vật, ngôn ngữ... được chỉnh sửa, diễn đạt chuẩn xác, tinh tế hơn.

Khái niệm dân chủ được bổ sung bên cạnh khái niệm tự do trong mọi hoạt động sáng tạo văn học, gắn tự do, dân chủ với trách nhiệm công dân của nhà văn. Nhiều công trình nghiên cứu lý luận của Liên Xô (trước đây), của phương Tây, phương Ðông được xuất bản. Các lý thuyết về thi pháp học, văn học so sánh, cấu trúc luận, văn học phi lý, phân tâm học... được giới thiệu rộng rãi.

Văn học dân tộc được nghiên cứu có hệ thống và sâu sắc hơn, tạo ra những đối sách cần thiết trong quá trình trưng cất các tinh hoa lý luận thế giới. Tâm lý loại trừ, khu biệt trong lý luận được khắc phục. Lý luận văn nghệ mác-xít được bổ sung. Thông tin lý luận được cập nhật. Sinh hoạt lý luận được cởi mở thông thoáng.

Lý luận đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề văn học, kích thích, gợi mở cho sáng tác và phê bình. Ðổi mới, mở cửa là quá trình tiếp biến văn hóa công phu và lâu dài, hoàn toàn không phải là thay sự  áp đặt này bằng một sự áp đặt khác. Thước đo của quá trình này là mọi lý thuyết, mọi phương pháp cuối cùng phải được "Việt hóa",  phải trở thành yếu tố nội sinh của đời sống văn học nước nhà.

Từ góc nhìn này, chúng ta thấy có một số lý luận của thế giới thực sự có tính gợi mở, tham chiếu trong nghiên cứu, phê bình và sáng tác, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa văn học. Nhưng, cũng còn không ít lý thuyết khó đi vào đời sống vì nó xa rời thực tiễn Việt Nam, xa rời đời sống sáng tác.

Trong khoa học nhích lên một bước đã là đáng trân trọng. Lý luận văn học 20 năm đổi mới không chỉ nhích lên một bước mà là góp phần thay đổi cách nhìn, gợi mở một phương pháp suy nghĩ, một kiểu tư duy mới, do đó cống hiến của nó là rất quan trọng.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt thành công, lý luận vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng tản mạn kéo dài, mạnh ai nấy làm, phần nhiều do cố gắng của cá nhân, vai trò lĩnh xướng của các tổ chức, trước hết là Hội Nhà văn, còn mờ nhạt. Nhiều vấn đề lý luận chưa được tổng kết nghiêm túc, còn tồn nghi nhiều ngộ nhận. Cách phê bình đơn giản hóa, xã hội học cố chấp bị phê phán. Các phương pháp phê bình văn bản, so sánh, tiếp nhận, trực giác, phán đoán được vận dụng, mở ra nhiều kênh tiếp cận tác phẩm. Nhiều dạng thức phê bình được sử dụng trên báo chí. Nhiều nhà sáng tác tham gia trận địa phê bình văn học phát huy ưu thế cảm nhận tinh tế, đi sâu vào những thao tác nghề nghiệp, làm phong phú giọng điệu của phê bình văn học.

Tuy vậy, tầm bao quát của phê bình còn rất hẹp. Nhiều tác phẩm bị bỏ qua, nhiều tìm kiếm nghệ thuật bị quên lãng oan uổng. Tình trạng trung bình, làng nhàng là căn bệnh trầm kha nhất của văn học ta hiện nay không được phê phán đến nơi đến chốn.

Chất lý luận trong không ít bài phê bình bị hạn chế. Lối phê bình tuyệt đối hóa cái "tạng" của cá nhân, không dựa trên một hệ giá trị chuẩn mực đã dẫn đến tình trạng lạc chuẩn, loạn chuẩn khá phổ biến hiện nay. Bệnh lười biếng cũ kỹ, dễ dãi, bệnh tuyệt đối hóa hình thức, chiều nịnh thị hiếu thấp mang mầu sắc thương mại hóa chưa bị nghiêm khắc lên án.

Văn hóa phê bình, văn hóa tranh luận chưa được tôn trọng, gây nên những tổn thương  không đáng có giữa những người đồng nghiệp. Việc xây dựng một phong cách học thuật văn minh trên cơ sở của lòng tự trọng và trọng thị người khác còn không ít việc phải bàn.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của lý luận, phê bình thì nhiều, nhưng trước hết là từ đội ngũ. Ðội ngũ các nhà văn làm công tác lý luận là hội viên của Hội Nhà văn hiện nay là 71 người. Số người nộp đơn chuẩn bị xét kết nạp trong đợt tới là 31 người. Số lượng đã ít, nguồn bổ sung kế cận càng ít hơn, số người được đào tạo chuyên ngành càng ít hơn nữa.

Trong các hội văn học, nghệ thuật địa phương, số người làm lý luận, phê bình là rất hiếm hoi. Tình hình đó đặt ra biết bao vấn đề cho việc tổ chức lực lượng sắp tới. Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác nữa, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của lý luận phê bình là sự chỉ đạo, điều hành của Hội chưa đúng tầm.

Từ Ðại hội Nhà văn lần thứ IV đến nay, liên tục trong bốn khóa, vừa tròn 20 năm, trong cơ quan lãnh đạo của Hội không có đại diện của ngành lý luận phê bình. Công tác đầu tư cho lý luận, phê bình có lúc bị xem nhẹ. Tổ chức hoạt động còn lúng túng, thiếu đi vào chiều sâu.

Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng về văn hóa, văn nghệ đã chỉ rõ: "Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật... Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Có chính sách trọng dụng các tài năng văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của văn nghệ sĩ. Ðẩy mạnh hoạt động lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật. Ðổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức của các Hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương".

Quán triệt yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Ðại hội Nhà văn lần thứ VII xác định mục tiêu của toàn giới nhà văn là phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Ðó là những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu xã hội của thời đại, thỏa mãn nhu cầu về tình cảm, đạo đức, tư tưởng của con người. Nó mở rộng không gian tinh thần của con người, giúp con người vượt khỏi cá nhân chật hẹp để vươn tới những vấn đề có tầm nhân loại, và đó là những tác phẩm giúp cho bạn đọc vừa cảm thụ văn học vừa tự soi chiếu, tự đối thoại, tự điều chỉnh chính bản thân mình.
                                  

Theo Nhân Dân

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek