Thứ Sáu, 29/11/2024 07:53 SA
Ghi ở Trại sáng tác Văn học – Mỹ thuật khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2006 tại TP Tuy Hòa:
Mỗi người một vẻ
Chủ Nhật, 08/10/2006 09:51 SA

25 văn nghệ sĩ thuộc 18 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đang tham gia trại sáng tác Văn học – Mỹ thuật tại TP Tuy Hòa. Mỗi người mỗi vẻ, họ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng các trại viên.

 

Đầu tiên phải kể đến chị Đậu Nữ Vệ, người đàn bà bên đèo Ngang viết kịch bản phim bằng chính cuộc đời mình. Chị đã để lại cho bạn đọc một khối lượng tác phẩm lớn. Nhưng ít ai biết rằng, vì cảnh nghèo khó cứ đeo bám chị  chỉ học đến lớp 4. Không chịu bó tay, Nữ Vệ vươn lên bằng chính nội lực của mình. Hoàn toàn khác hẳn với dáng vẻ bên ngoài, Nữ Vệ có lối viết văn nhẹ nhàng, biểu cảm. Đi đến đâu, không biết là hỏi, ghi để làm vốn cho mình. Ngoài những gì đã có, chị cật lực làm việc trong thời gian ngắn để hoàn thành một số tác phẩm đủ thể loại. Chị tâm sự: “Các bạn thuận lợi hơn mình chính là trình độ, còn mình may mắn có được vốn sống thực tế”. Có gì viết nấy, do đó văn chị ngồn ngộn những điều mắt thấy tai nghe. Điều khá lạ nữa là chị viết bất cứ lúc nào, nơi nào, vừa xem tivi vừa nói chuyện rôm rả mà vẫn viết được.

 

Người khá sôi nổi ở trại sáng tác là Lê Văn Hiếu, đến từ tỉnh Lâm Đồng. Dường như lúc nào anh cũng có men. Trại viết ai cũng thương anh bởi tính tếu táo mà thân tình. Tôi ngỡ anh không có thời gian dành cho sáng tác. Thế mà ngoài những bài thơ viết lẻ, anh hoàn chỉnh trường ca “Huyền thoại giữa đời thường” với 20 chương khá hoành tráng. Nếu biết rằng cây bút này đã trải qua bao lận đận lên nguồn xuống biển, mới hiểu được cái tâm viết của anh.

 

Tác giả Đỗ Công Quý (Khánh Hòa) không say men mà lại “say” đi! Một mình với chiếc máy hình, anh rong ruổi mãi trên đường. Đi đến đâu, thấy gì chụp nấy. Chụp cho anh em trong đoàn, anh còn chụp cả những người đi đường. Đây cũng là nhân vật khá đặc biệt. Đi thực tế nơi nào anh cũng ghi chép cẩn thận, thậm chí vượt qua mức cần thiết cho sáng tác. Nhìn anh, người ta ngỡ anh là một nhà báo hơn là nhà thơ. Thế nhưng, thơ Quý đậm nét dân gian, gần gũi với đời sống thường nhật mà anh bắt gặp.

 

Trại sáng tác có hai nữ sĩ. Bên cạnh một Nữ Vệ “ăn to nói lớn” là Nguyễn Thị Thu Sương nhỏ nhẹ kiệm lời. Một nhà văn làm nghề dự báo khí tượng thủy văn, ngồi trại sáng tác mà cứ đau đáu với cơn bão “Con voi lớn” đang tàn phá dải đất miền Trung, trong đó có ngôi nhà của chị ở quê hương Đà Nẵng!

 

Mặc dù là trại viên “tại ngoại” nhưng Ngô Phan Lưu luôn có mặt ở trại để chén tạc, chén thù. Nhiều khi ngẫu hứng anh đọc thơ. Mỗi lần đọc, lại “bị” anh em phạt tội “lạm phát thơ”, phải bỏ vào đĩa 10.000 đồng để có tiền mua thêm rượu. Tôi thường đùa: Nếu Phú Yên không có người “thất nghiệp” như anh Ngô Phan Lưu, Lê Anh, chắc trại này buồn nẫu ruột. Thế là tiếng cười sóng sánh ly men.

 

Nếu anh em mảng văn học tếu táo sôi động thì giới mỹ thuật lại trầm tư. Anh Lê Quý Long U70 thường chìm đắm trong hoài niệm, thế nhưng những lúc trà dư tửu hậu, anh cũng mang đến những mẩu chuyện tiếu lâm cười thắt ruột. Họa sĩ trẻ Nam Kha luôn tập trung cho đứa con tinh thần. Hồn nhiên, lịch lãm nên Kha là đứa em được cưng nhất trại.

 

Đến từ quê hương tháp Chàm (Ninh Thuận), Phạm Tấn Sơn nhớ vợ nhớ con nên trở thành người tiêu tốn tiền điện thoại nhất trại. Ngày nào cũng gọi, hết vợ đến con. Hỏi ra mới biết, mới mười ngày đã “bay” ba cái card 300.000 đồng. Yêu vợ như thế là cùng!

 

Tại khách sạn Hùng Vương anh em quây quần bên nhau giới thiệu tác phẩm của mình. Hai anh gốc Bình Định là Nguyễn Văn Xuân và Lê Văn Hiếu phối hợp lại làm tổ lý luận, phê bình, cứ đợi ai đọc thơ là tìm cách “tấn công”. Ngày đi thăm danh thắng gành Đá Đĩa, tôi vừa ứng khẩu bốn câu thơ:

 

Tạm biệt biển ta về phố núi

Gởi lại nơi đây, con sóng bạc đầu

Gởi lại nơi đây, cả mùa gió lộng

Chỉ mang về một nỗi nhớ miên man.

 

Thế là hai anh tranh thủ “tấn công”, nào là chưa ở đã tạm biệt, sóng bạc đầu của biển, gió lộng của trời chớ của riêng gì ai mà gởi lại. Thế là anh em “tịt ngòi”, không ai dám đọc thơ nữa.

 

Trại sáng tác còn 3 ngày nữa mới kết thúc, nhưng đến hôm nay, các tác giả đã hoàn thành những dự định sáng tác của mình. Anh em mãn nguyện với những gì làm được. Mỗi người mỗi vẻ. Người trên nguồn, người dưới biển đều có chung cái tình. Tình của người cầm bút. Những ấn tượng khó quên sẽ theo tôi về phố núi, để rồi ngày mai lật ra trong trí nhớ tình bạn trải dài theo khúc ruột miền Trung – Tây Nguyên.

 

Cảm ơn đất và người Phú Yên, cảm ơn thành phố biển mến khách Tuy Hòa, cảm ơn tất cả!

 

NGUYỄN TẤN HỶ

(Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật KonTum)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek