Trở về sau chuyến biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Chungchoengbukdo (Chung Buk) - Hàn Quốc, các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (CMNSB) lại lao vào tập luyện cho một chương trình biểu diễn mới. Song những ấn tượng, những kỷ niệm trên đất bạn, với các nghệ sĩ của Liên đoàn nghệ thuật dân gian Chung Buk vẫn tươi rói trong lòng các diễn viên.
BẤT NGỜ TỪ NHỮNG “ĐẶC SẢN” PHÚ YÊN
Nghệ sĩ Thanh Hải đang hòa tấu đàn đá, kèn đá - tiết mục khiến khán giả Hàn Quốc ngạc nhiên và thích thú - Ảnh: S.B |
Đoàn CMNSB mang đến tỉnh bạn Chungchoengbukdo cả tranh, ảnh nghệ thuật (của các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh, Mỹ thuật) nhưng chủ công vẫn là biểu diễn và giới thiệu các nhạc cụ truyền thống của Phú Yên. 11 tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua 6 xuất diễn tại thành phố cũng như các quận trong tỉnh Chung Buk đã gây bất ngờ, thích thú cho công chúng tỉnh bạn. Trước ngày lên đường, Trưởng đoàn CMNSB Cao Hữu Nhạc rất lo trước sự hiện đại của công nghệ biểu diễn của Hàn Quốc. Ông nói: “Đem chuông đi đánh xứ người” sao cho “chuông” phải vang, phải gây được ấn tượng sâu sắc. “Đặc sản” của Phú Yên được lãnh đạo Đoàn xác định chính là dòng âm nhạc truyền thống, với những bài dân ca đậm chất trữ tình của vùng đất Nam Trung bộ có đủ cả núi rừng, sông, biển cùng với những điệu múa dịu dàng, uyển chuyển của dân tộc Chăm, Bana, Kinh; những nhịp điệu khoẻ khoắn, rực lửa của dân tộc Ê đê. Những nhạc cụ đơn sơ bằng tre nứa mang âm sắc và tiết tấu của núi rừng Tây Nguyên cũng là một nét độc đáo. Đặc biệt, bộ đàn đá và kèn đá Tuy An có niên đại trên 2.500 năm được nghệ sĩ Thanh Hải hòa tấu. Tiết mục “Lời của đá” do anh sáng tác đã được cả công chúng lẫn nghệ sĩ xứ bạn yêu thích.
Đồng chí Vũ Văn Thoại (bên phải), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Phú Yên và lãnh đạo tỉnh Chung Buk ký kết hợp tác giao lưu văn hóa giữa hai tỉnh – Ảnh: TL
Thanh Hải nhớ mãi buổi diễn tại sân khấu ngoài trời ở làng Dure. Lúc ấy là 3giờ 30 phút chiều (khoảng 1 giờ trưa VN). Khán giả đến rất đông. Ban tổ chức dựng lều bạt để có chỗ ngồi, thậm chí người xem ngồi cả ngoài nắng để xem. Họ cổ vũ rất nhiệt tình. Sau tiết mục múa “Muối mặn tình người”, nhiều người ùa lên sân khấu xin chụp ảnh chung với diễn viên. Ở đây có nhiều cô gái Việt lấy chồng Hàn đang sinh sống. Gặp đồng hương ở giữa quê người, họ không giấu nổi sự quyến luyến. Nhạc sĩ Ngọc Quang nháy nhỏ ca sĩ Thanh Vân. Thanh Vân lên sân khấu, giọng cô mượt mà cất lên: “Quê hương là chùm khế ngọt…”. Tất cả lặng đi! Và khi bài hát “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân buông xuống những lời cuối “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” thì nhiều cô gái Việt xa xứ oà lên khóc. Cả diễn viên cũng khóc theo!
“CƯỠI LÊN NHỮNG CON SÓNG VÀ VƯỢT QUA NHỮNG ĐÁM MÂY”
Vừa bước xuống máy bay, diễn viên múa Hoài Thuỷ đã “ấn tượng” ngay với tấm băng-rôn trắng do hai người cầm hai đầu, trên đó kẻ những dòng chữ tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hàn. Dòng chữ Việt: “Cưỡi lên những con sóng và vượt qua những đám mây”. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cô hiểu rằng cả hai dân tộc đang cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt, khép lại quá khứ đen tối, hướng đến tương lai tươi đẹp. Trong những ngày tiếp theo, cô thật sự cảm kích trước sự thân thiện mà các nghệ sĩ cũng như lãnh đạo địa phương nước bạn dành cho Đoàn. Sau mỗi xuất diễn, mệt nhoài, nhưng nghe cái giọng cưng cứng của một đồng nghiệp Hàn Quốc vừa học được mấy câu tiếng Việt, khen: “Đã cố gắng… nhiều…” cô lại thấy vui, và quên cả mệt nhọc.
Với ca sĩ Thanh Huệ, người vừa biểu diễn đàn t’rưng vừa hát, đồng thời là MC của Đoàn thì ấn tượng nhất là ảnh của cô mặc áo dài, được phóng to và căng ở những nơi Đoàn biểu diễn. “Họ quá khen mình đấy thôi, chứ ở Việt
Tiết mục hát dân ca Hàn Quốc của Thanh Huệ và Minh Khương khiến cho những người Hàn Quốc xúc động - Ảnh: TL |
Về tình cảm của bạn dành cho Đoàn, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc chỉ chốt lại vẻn vẹn có 3 chữ: “Quá tuyệt vời!”. Ông kể, có một cô gái Hàn Quốc được cử đi giúp đỡ Đoàn đã tự tay mua giấy đóng một quyển sổ ghi chép để tặng Đoàn. Cô bảo: Quyển sổ này nếu mua ngoài tiệm chẳng đáng là bao, nhưng đây là tình cảm của cô. Khi Đoàn đến thăm khu di tích Nogunni, một địa điểm tưởng niệm 500 người dân Hàn Quốc bị Mỹ sát hại năm 1950, một ông già khi biết có Đoàn nghệ sĩ đến từ Việt Nam, đã về nhà hái một giỏ táo đem ra tặng. Nhìn những quả táo tươi mọng, ai cũng rưng rưng cảm động trước cái tình của những người đã từng trải qua và thấm thía nỗi đau chiến tranh.
Chuyến giao lưu văn hóa nghệ thuật đã thành công ngoài sự mong đợi của những người tham gia. Nó đã nối thêm nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc. Nói như ông Lee Choel Su, Trưởng ban văn nghệ tỉnh Chung Buk: “Thông qua nghệ thuật chúng ta có thể hiểu nhau và yêu thương nhau. Thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Chúng ta hãy cùng nhau tạo nên một thế giới mới cùng những niềm hy vọng mới.”
DƯƠNG THANH XUÂN