Thứ Sáu, 29/11/2024 09:35 SA
Tết Trung thu ở Việt Nam
Thứ Năm, 05/10/2006 07:43 SA

Ở Việt Nam, Tết Trung thu là một trong 4 tết quan trọng nhất trong năm theo nông lịch cổ, đó là: Một tết đầu xuân (Tết Nguyên đán), một tết giữa thu (Tết Trung thu), đệm giữa là tết vào hè (Tết Đoan Ngọ) và tết đầu đông (Tết Cơm mới 10/10 Âl).

 

Tết Trung thu được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 hằng năm. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân... Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

 

Nhà văn Toan Ánh trong quyển “Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam”- Quyển Hạ cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị Tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị Tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt  ra Tết Trung thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông Trăng.  

 

061005-mua-lan.jpg

Múa lân - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Theo tác giả Quách Duy Bịch, Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở Kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã mô tả.

 

Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời 1 lần 1 tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn. Là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

 

Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được ông Phan Kế Bính diễn tả trong “Việt Nam Phong tục”: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏû, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp.

 

Đồ trẻ con chơi trong ngày Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bướm bướm, bọ ngựa, cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ...“

 

Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Người Trung Hoa không có những phong tục này.

 

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị. 

 

Ngày nay, Tết Trung Thu là dịp để các em thiếu nhi vui chơi thỏa thích: Rước đèn, múa lân, hát đồng dao, múa hát đón chị Hằng Nga, vui chú Cuội...Đây cũng chính là dịp để người lớn chúng ta thể hiện sự chăm sóc đối với các em.

 

HIẾU NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khó tìm thấy ca khúc hay
Thứ Hai, 02/10/2006 10:35 SA
Tatana Kucharova đăng quang Miss World 2006
Chủ Nhật, 01/10/2006 08:41 SA
Tâm hồn của người Chăm qua Ariya
Thứ Năm, 28/09/2006 08:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek