Ba Giai – Tú Xuất đã vượt qua sự đào thải của thời gian không đơn thuần là những truyện cười, giải buồn... mà hơn hết nó là một tác phẩm văn học theo trào lưu hiện thực phê phán xã hội nhiễu nhương ở đô thị đương thời
Nhiều người đã từng nghe đến tên Ba Giai – Tú Xuất hoặc các chuyện kể dân gian do hai nhân vật này tạo ra ít nhất một lần trong đời. Đó là khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu trong buổi tọa đàm “Ba Giai - Tú Xuất lưu lạc giữa đời cười” do Tạp chí Kiến thức Gia đình và NXB Hội Nhà văn tổ chức hôm 29-9 tại TPHCM. Tại sao lại “lưu lạc”, theo các nhà nghiên cứu thì Ba Giai - Tú Xuất đã “lạc” mất tên người biên soạn đầu tiên – nhà văn Nguyễn Nam Thông và “lạc” mất văn phong thời ấy khi các truyện lần đầu in thành sách năm 1934.
TÔN TRỌNG VĂN HỌC SỬ
NXB Hội Nhà văn vừa cho tái bản Truyện cười Ba Giai - Tú Xuất nhưng có điều khác so với các tập truyện cười cùng tên là trả lại tên người biên soạn đầu tiên – nhà văn Nguyễn Nam Thông – cho tác phẩm này. Cơ sở để trả lại tên cho tác giả biên soạn căn cứ vào bản in năm 1934 do Tân Dân Thư Quán xuất bản tại Hà Nội. Nhà nghiên cứu Vũ Văn Luân đã dày công sưu tập được bản in này từ thư viện ở
Nhà văn Hoàng Đình Quang, người trực tiếp biên tập tác phẩm, khẳng định: “Nếu trả lại tên người biên soạn đầu tiên cho một tác phẩm ít giá trị thì chúng tôi đã không làm. Sự đóng góp của cụ Nguyễn Nam Thông trong việc văn bản hóa Ba Giai - Tú Xuất rất lớn. Đọc tác phẩm này bằng văn bản của Nguyễn Nam Thông, chúng ta thấy rõ công sức của người biên soạn khi sắp xếp các truyện theo ý đồ riêng. Cụ Nguyễn Nam Thông đã gần như viết lại các chuyện kể dân gian bằng ngôn ngữ của thời mình sống gần với thời các nhân vật sống”. Chính vì thế, NXB Hội Nhà văn đã giữ nguyên bản in lần này giống với bản in năm 1934. Với những từ ít được dùng và khó hiểu với bạn đọc hôm nay, NXB chọn cách “chú thích” chứ không thay thế bằng từ mới. “Đó là cách tôn trọng lịch sử văn học” – nhà văn Hoàng Đình Quang nhấn mạnh.
Ba Giai – Tú Xuất, theo các nhà nghiên cứu, là có thật, hai nhân vật này lớn lên ở Hà Nội và Hà Tây. Nhà nghiên cứu Vũ Văn Luân còn mong muốn: “Bản thân Ba Giai - Tú Xuất đã được khảo cứu là người thật, việc thật có tên tuổi, gia đình rõ ràng nên cần xác minh lại các truyện nào là do các ông gây ra, các truyện nào là do dân gian yêu mến, lấy cảm hứng từ các ông mà phóng tác thêm... Bởi có nhiều chuyện phóng đại đến mức tai quái... có thể làm tổn hại đến nhân cách nhân vật và mất đi tính giáo dục”.
BÚT LỰC SUNG MÃN CỦA NGUYỄN
Nhà văn Nguyễn Nam Thông tên thật là Nguyễn Xuân Thông quê ở làng Động Dã, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cách làng Tú Xuất không xa. Trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam – NXB Khoa học Xã hội in năm 1972 của hai tác giả Nguyễn Văn Phú và Tạ Phong Châu thì Nguyễn Nam Thông sống vào khoảng 1893 – 1945. Nhưng theo nhà báo Bích Ngọc, con gái nhà văn, ông sinh năm 1906 trong một gia đình nhà Nho.
Năm 1937, Nguyễn Nam Thông làm chủ bút tờ Đông Tây tiểu thuyết và thường viết tiểu thuyết lịch sử. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm: Ba Giai (NXB Tân Dân Hà Nội 1931); Tú Xuất (NXB Tân Dân Hà Nội 1930); Đàn bà dễ có mấy tay (Tân Dân Thư Quán Hải Phòng 1930); Thằng ăn mày giàu nhất tham nhất thế giới (Tân Dân Thư Quán Hà Nội 1930); Trung Nhật chiến tranh yếu nhân (Nhà in Thụy Ký Hà Nội 1938); Nga Nhật chiến ký (NXB Báo Nam Ký Hà Nội 1939); Vợ lẽ của tôi (dịch của Từ Trẩm Á – Tân Dân Hà Nội 1933)... Điều đó càng khẳng định thêm bút lực sung mãn của Nguyễn Nam Thông dù sự hiện diện của ông trên cuộc đời rất ngắn.
Khi cha mất, nhà báo Bích Ngọc còn rất nhỏ, nhưng qua lời kể của mẹ, chị hồi nhớ: “Cha tôi nói chuyện phiếm rất hay, nam nữ thanh niên trong xóm thường buổi tối hay đi xem hát cô đào, nhưng nếu thấy cha tôi ngồi nói chuyện vui là họ tập trung vào cùng nghe, bỏ cuộc đi xem hát”. Theo nhà báo Bích Ngọc, có nhiều chuyện trong Ba Giai – Tú Xuất do nhà văn Nguyễn Nam Thông sáng tác qua thực tế cuộc sống. Nhà báo Bích Ngọc kể: “Truyện Cái của cô mày tròn hay méo do cha tôi phịa ra để cá cược với cô chủ hàng cơm. Khi thấy con mèo, cha tôi bảo: “Nhà cô có phúc lớn, con mèo nói được tiếng người”.
Ba Giai – Tú Xuất đã vượt qua sự đào thải của thời gian không đơn thuần là những truyện cười, giải buồn... mà hơn hết nó là một tác phẩm văn học theo trào lưu hiện thực phê phán xã hội nhiễu nhương ở đô thị đương thời. Nhà văn Nguyễn Nam Thông là người biên soạn đầu tiên các chuyện kể dân gian này nhưng cách “biên soạn” của ông không theo nghĩa đơn thuần là ghi chép lại.
Thông qua Ba Giai – Tú Xuất, ông đã gởi gắm nhiều tâm ý cá nhân cũng như suy tư thời cuộc lúc bấy giờ bằng văn phong của mình đến cùng hôm nay. Để khắc họa rõ hơn chân dung nhà văn Nguyễn Nam Thông, sắp tới NXB Hội Nhà văn sẽ cho tái bản một số tác phẩm tiêu biểu của ông. Buổi tọa đàm đã đi đến thống nhất lần sau tái bản Ba Giai – Tú Xuất sẽ bỏ hai chữ “biên soạn” nếu chưa tìm ra bản in của tác giả khác trước khi cụ Nguyễn Nam Thông viết thành sách. Đó cũng là cách tôn trọng tác quyền khi nước ta đã tham gia công ước
TRẦN HOÀNG NHÂN