Thứ Tư, 02/10/2024 07:26 SA
Tâm hồn của người Chăm qua Ariya
Thứ Năm, 28/09/2006 08:34 SA

Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Chăm đã để lại nhiều di sản văn hóa có giá trị trên dải đất miền Trung, trong đó có Phú Yên. Đồng bào Chăm có một nền văn học phong phú và đa dạng gồm truyện cổ, ca dao, trường ca, thơ ca (ariya) ca ngợi cuộc sống lao động, làng xóm và những khát vọng của con người. Có thể nói ariya khắc họa đậm nét tâm hồn đời sống tình cảm của đồng bào Chăm.

 

060928-Cham.jpg

Lễ hội của người Chăm – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Trong dòng văn học Chăm, tình yêu là chủ đề xuyên suốt. Đó là tình cảm trong sáng hồn nhiên của các chàng trai, cô gái quanh năm chịu thương chịu khó với ruộng đồng. Lời mộc mạc, chân thật của chàng trai làm xao động trái tim cô gái:

 

Yêu lắm anh đi không được

Đi khắp cánh đồng theo dạ nhớ thương

Yêu lắm anh đi không tới

Cắt tóc thả trôi theo dòng nước.

 

Qua thơ ca Chăm, tình cảm đôi lứa trong buổi ban đầu thể hiện bởi những nụ cười ánh mắt trao nhau và cách ngỏ lời chân chất:

 

Hỡi người con gái đang gặt lúa!

Cho xin một nắm làm gạo rang.

 

Thời xưa là như thế và bây giờ vẫn thế! Người con gái thường rụt rè:

 

Chàng có cần thì đến mà đón nhận

Em chẳng mang lên khỏi bờ ruộng đâu!

 

Tình yêu vừa chớm nở đã vội chia xa. Nỗi nhớ mong lớn dần.

 

Trông chiều mờ khói mây

Ngỡ bóng em nghiêng tới

Nhớ ngàn năm khôn nguôi

Từ bước chân nhớ lại

Nhớ ơi từng sợi tóc

Nhớ đôi vớ em mang

Nhớ nụ cười ánh mắt

Từ tấm áo nhớ sang.

 

Mất người thương, chàng trai viết những câu thơ buồn héo hắt:

 

Ta ngồi đó một mình trên bãi cát

Biển mênh mông, sóng nước bao la

Buồn em đi khói phủ nhạt mờ

Và ta khóc hai bàn tay đẫm lệ

Nắng chiều êm sau rừng, xuống nhẹ

Soi bóng ta khô héo, rạc gầy

Chim rừng kêu thao thiết đâu đây

Rồi bay hết. Cả đất trời im lắng!

 

Vượt lên những nỗi buồn riêng tư, người Chăm vẫn tìm cho mình nguồn hy vọng mới, trong cuộc sống hàng ngày:

 

Đóng xe, dựng chuồng nuôi trâu

Cho béo mập, to cao, chở cọc, chuyên rào

Đắp đập, khai mương cho thật sâu

Băng rừng rậm, đồi cao, chung lòng chung sức

Đợi khi mưa nguồn kịp xuống

Cày ruộng trồng lúa, cày rẫy trồng ngô

Rồi trồng bí đỏ, khổ qua

Ăn qua vụ Đông, đợi mùa lúa chín.

 

Khi không còn bịn rịn nỗi lo mùa màng, người Chăm hướng lòng mình về với thế giới tâm linh. Và đây là khung cảnh buổi lễ tẩy trần, được ariya khắc họa:

 

Lễ tẩy trần tháng tư đang khởi động…

Không có từ để gọi. Ông thét lên. Các từ xếp cánh và lủi mất.

Chỉ có tiếng thét ông tràn vào khoảng trống trần gian

 

A… U… M…

 

Ông thét lên

 

Tiếng thét dội đến bầy trâu gặm cỏ đồi xa dỏng tai nghe

Oan hồn bị lãng quên ngàn năm đội tro than ngồi dậy

Cánh chim giật mình bay ra vội vã quay lại

Như sợ bị tranh mất nguồn vui tẩy trần.

 

AUM… AUM… AUM…

 

(Inrasara – Lễ tẩy trần tháng tư)

 

Nghi lễ linh thiêng được tiến hành trong khung cảnh huyền bí. Nhưng phải là tâm hồn Chăm mới đón nhận nó, đón nhận những tiếng trống, điệu vũ, lời tụng ca gọi người vào lễ hội, gọi cả cộng đồng cùng đến bên nhau với lòng thành, hướng về tổ tiên và tạ ơn đất trời.

 

Sinh hoạt cộng đồng, tình cảm của người Chăm phản ánh khá rõ nét qua ariya. Chúng ta nhận thấy nỗi đau – niềm tin, nước mắt – nụ cười đan xen vào nhau, và qua những biến cố thăng trầm theo dòng lịch sử, con người luôn khát khao đi tìm cái đẹp. Đó chính là yếu tố cơ bản mà dòng văn học Chăm đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam.

 

THÔNG MINH DIỄM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek