Thứ Bảy, 25/01/2025 07:23 SA
Ðiểm hẹn của người mộ điệu
Chủ Nhật, 06/02/2011 15:00 CH

Ðiểm hẹn của họ là ngôi nhà đơn sơ hướng về sông Chùa lộng gió. Tối thứ bảy hàng tuần, một số người lớn tuổi ở TP Tuy Hòa, huyện Ðông Hòa, Phú Hòa... gặp nhau tại đây. Mỗi người mỗi nghề, có người nhọc nhằn với cuộc mưu sinh, song đều mê bản vọng cổ, những làn điệu dân ca cùng tiếng đàn kìm, đàn nhị, đàn bầu... 

 

ca110125.jpg

Ông Bốn Phước chơi đàn kìm trong khi một thành viên CLB ca vọng cổ Ảnh: M.NGUYỆT

 

NHỮNG NGƯỜI MỘ ÐIỆU

 

Một trong những trụ cột của CLB Văn hóa văn nghệ phường 4 là ông Bốn Phước (tên đầy đủ là Trần Văn Phước), người thợ mộc đã nhiều năm gác cái đục, cái bào để làm bạn với cây đàn và những bài cổ nhạc. Ông Bốn Phước đến với âm nhạc của người xưa từ năm 1960, lúc hơn 20 tuổi. Sau một thời gian học ở Tuy Hòa nhưng chưa thỏa lòng, ông khăn gói vô miền Nam. Trên xứ sở của cải lương, đờn ca tài tử, Bốn Phước làm bạn với cây đàn bầu, guitar phím lõm. Vài năm sau, ông chuyển sang chơi đàn kìm, đàn hạ. Sử dụng được nhiều nhạc cụ, song ông Bốn Phước thổ lộ: “Tôi thích nhất là chơi đàn kìm, vì cây đàn này hợp với tuổi tác của mình. Và đàn kìm là nhạc cụ “tổ” trong số các nhạc cụ truyền thống”.

 

Tham gia CLB Văn hóa văn nghệ phường 4 từ ngày đầu thành lập, ông Bốn Phước có nhiều đóng góp trong việc phát triển mô hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ này. Và may mắn là có những người mộ điệu cùng ông chia sẻ mối quan tâm, như ông Thái Xuân Bình ở phường 4, một trong những giọng ca nòng cốt của CLB. Ông Bình thổ lộ: “Mỗi người có một đam mê. Vì mê cải lương nên tôi tự tìm hiểu rồi mở máy tập theo. Từ khi tham gia CLB, tôi tập hát dưới sự hướng dẫn của anh Bốn Phước”. Ông Bình trước đây làm nghề lái xe. Giờ tuổi đã ngoài 60, ông rời vô-lăng, tìm niềm vui trong cổ nhạc.

 

Gần 10 năm nay, anh Phú Văn Long hiếm khi vắng mặt trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Làm nghề xây dựng, nhà ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) nhưng vì đam mê dân ca cổ nhạc nên người đàn ông 44 tuổi này không quản ngại đường sá xa xôi. “Cả tuần làm việc mệt mỏi, có một buổi sinh hoạt để mình trải tâm tư theo tiếng nhạc lời ca” - anh tâm sự.

 

Mỗi điệu của cổ nhạc có một tính chất riêng và một số bài cơ bản. Điệu Bắc nghe vui tai; điệu Nam lúc nhặt lúc khoan, tạo không khí trầm buồn; điệu Oán với nhiều tiếng ngân, nghe như lời nỉ non, than thở... Có lẽ, đó là một trong nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của cổ nhạc. 

 

GỞI VÀO TIẾNG ÐÀN LỜI CA

 

Trụ sở khu phố 6 (phường 4), nơi sinh hoạt của CLB, là một căn nhà đơn sơ trên đường Bạch Đằng, hướng ra sông Chùa lộng gió. Ngoài bộ bàn ghế bằng tre, vật duy nhất điểm tô cho nơi này là những chùm rễ si từ trên cây buông xuống. 6 giờ tối thứ bảy, các thành viên CLB họp mặt; người chuẩn bị âm thanh, người chỉnh dây đàn. Rồi, ngồi quây quần bên nhau, họ gởi tâm tư, tình cảm vào câu ca điệu nhạc. Lúc đó, không còn nỗi lo giá cả leo thang, không còn những băn khoăn về mùa vụ, họ hòa lòng mình vào những dòng âm thanh và cảm xúc.

 

Mở đầu đêm sinh hoạt hôm đó, ông Lê Ngọc Dũng hát bài Mùa hoa đào. Trong khi người hát thả hồn vào điệu lý tương phùng, bầu bạn ngồi nghe chăm chú và vỗ tay giòn giã khi ông dứt lời ca. Rồi bản vọng cổ cất lên với tiếng hát của bà Thanh Thừa và ông Xuân Bình, trong tiếng đàn nguyệt của ông Bốn Phước, tiếng guitar phím lõm của ông Thành Diễn, tiếng guitar hawaii của ông Duy Nhiên. Theo những người mộ điệu, trong các buổi sinh hoạt, vọng cổ là điệu phổ biến nhất và được thưởng thức nhiều nhất. Ra đời vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, tiền thân của vọng cổ - bản Dạ cổ hoài lang - có 20 câu, mỗi câu 4 nhịp. Đến đầu thập niên 30, nhóm nhạc sĩ ở Bạc Liêu đàn bản vọng cổ và kéo dài mỗi câu 16 nhịp. Thập niên 40 là thời kỳ vàng son của vọng cổ với 20 câu... Đến thập niên 50 - 60, tân nhạc lên ngôi, còn cổ nhạc, nhất là những bản nhạc khó đàn khó ca, dần chìm vào lãng quên, riêng bản vọng cổ vẫn có một chỗ đứng trong trái tim những người yêu cổ nhạc, và được rút ngắn còn 6 câu.

 

Sau khi cùng “bạn diễn” kết thúc bài vọng cổ, bà Thanh Thừa cười: “Tôi hát không hay nhưng vẫn thích hát. Mình sinh hoạt như vầy, thấy vui tuổi già”.

 

Ông Bốn Phước, chủ nhiệm CLB Văn hóa văn nghệ thuộc Hội Người cao tuổi phường 4, cho biết: “Năm 2002, lúc mới thành lập, CLB có khoảng 15 thành viên, giờ tăng lên 24 người, tối thứ bảy nào cũng gặp nhau để tập đàn tập hát. Chỉ những hôm mưa to gió lớn, anh em mới không sinh hoạt”.

 

Thành viên cao tuổi nhất CLB là ông Trần Chà, nay đã hơn 80 tuổi; còn những người “trẻ” cũng vào hàng ngũ tuần. Ông Chà từng là người “đứng mũi chịu sào” khi CLB mới thành lập. Sau, do ông tuổi cao sức yếu, trách nhiệm này được giao cho ông Bốn Phước.

 

Vì đam mê và lo cổ nhạc sẽ bị mai một nên ông Bốn Phước cùng bạn bè mộ điệu duy trì, phát triển CLB này. Mỗi đêm sinh hoạt, CLB thu hút từ 30 - 40 người, trong đó có những cặp vợ chồng gắn bó với CLB từ ngày thành lập đến nay.

CLB Văn hóa văn nghệ phường 4 đã có những chuyến giao lưu với các CLB, nhóm đờn ca tài tử ở Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An. Có lúc, họ còn vào TP Nha Trang giao lưu với người mộ điệu. Chi phí sinh hoạt định kỳ, giao lưu, cúng tổ... đều do các thành viên đóng góp. Ông Nguyễn Kín, 64 tuổi, ở phường 4, nói: “Chúng tôi muốn có một sân chơi của tuổi già và tiếp thu, gìn giữ những vốn quý của ông bà nên cố gắng duy trì, phát triển CLB”.

 

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lả lướt cùng vũ điệu
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Nghĩa tình Phú Yên ở Hải Dương
Thứ Hai, 07/02/2011 07:00 SA
Du thuyền trên sông Ba
Chủ Nhật, 06/02/2011 10:45 SA
Nhau mèo xông lưới lấy hên
Thứ Bảy, 05/02/2011 14:48 CH
Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính
Thứ Bảy, 05/02/2011 07:00 SA
Con mèo nằm bếp cháy đuôi…
Thứ Sáu, 04/02/2011 14:55 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek