400 năm dựng xây và phát triển của Phú Yên có sự chung tay góp sức của nhiều thế hệ, nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, hơn 50 năm trước, ngay trong những ngày đất nước bị chia cắt, với tấm lòng luôn hướng về miền Nam, các địa phương ở miền Bắc đã kết nghĩa với các tỉnh miền Nam.
Chiếc cổng chợ Phú Yên được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ
Tỉnh Phú Yên đã nhận được sự “chia lửa” lớn lao của tỉnh Hải Dương, một vùng đất trù phú giàu truyền thống văn hóa, mang đậm tư tưởng nhân nghĩa, nơi sinh ra nhà tư tưởng lớn Nguyễn Trãi. Không chỉ “hạt muối chia đôi, bát cơm sẻ nửa ” cho Phú Yên, mà trong những năm khói lửa, nhiều thanh niên Hải Dương đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Phú Yên và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Ở ngay TP Hải Dương, những người lớn tuổi còn nhớ đã từng xuất hiện những tấm băng rôn, những câu khẩu hiệu: “Tất cả cho Phú Yên”.
Hơn 50 năm sau những ngày hào hùng ấy, dấu ấn của tấm lòng vì Phú Yên ruột thịt của đồng bào Hải Dương vẫn còn đậm nét trên những con đường mang tên các địa danh của Phú Yên. Tôi có dịp về Hải Dương trong mùa trái vải chín. Khắp một vùng quanh chợ Phú Yên, khu chợ ở trung tâm TP Hải Dương, ngan ngát mùi hương vải thơm lựng, và lâng lâng đi trong cảm giác thân tình, gần gũi của những con đường mang tên quê hương mình. Những con đường, ngoài ấy gọi là phố: phố Tuy Hòa, phố Đồng Xuân, phố Sơn Hòa...; riêng Sông Cầu được gọi bằng tên phố Xuân Đài; Tuy An được ưu ái hơn, có đến hai phố: phố Tuy An và phố Ngân Sơn.
Phố Tuy Hòa Phố Tuy An xanh mát bóng cây Đầu phố Sơn Hòa Phố Xuân Đài Hoa tươi trên phố Đồng Xuân
DƯƠNG THANH XUÂN